Ảnh minh họa.
Thời gian qua, tình trạng phá thai bất hợp pháp vẫn diễn ra và đã gây ra nhiều vụ việc với những hậu quả nghiêm trọng, thương tâm. Mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) có quy định hành vi phá thai trái phép gây hậu quả là tội phạm với hình phạt tối đa 15 năm ngoài ra còn có các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính nhưng việc phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này rất khó khăn bởi thủ đoạn hoạt động tinh vi từ các đối tượng kết hợp với thái độ bất hợp tác từ chính các nạn nhân và người nhà nạn nhân đối với cơ quan chức năng.
Phá thai trái phép được hiểu là hành vi hủy bỏ thai nhi của người khác (dưới bất kỳ hình thức nào ở người phụ nữ) nhưng không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền và được thực hiện bởi những người không có chuyên môn.
Các yếu tố cấu thành tội phá thai trái phép
Mặt khách quan
Về hành vi: Có hành vi thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác, được thể hiện như thực hiện phá thai ở những nơi không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ sở không có giấy phép thực hiện việc phá thai và do những người không có chuyên môn thực hiện.
Dấu hiệu khác: Có một trong các dấu hiệu sau:
- Làm chết người;
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
- Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mặt khách thể:Hành vi nêu trên xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Mặt chủ quan:Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Chủ thể:Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Một số vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, trường hợp cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho hoạt động phá thai, người phá thai mong muốn phá thai và đến cơ sở này để thực hiện nhưng cơ sở lại giao cho người không có chuyên môn thực hiện làm nạn nhân chết. Tức là đảm bảo sự hợp pháp về văn bản, giấy tờ nhưng sai về việc thực hiện. Trong trường hợp này thì phải xử lý như thế nào để bảo vệ được quyền lợi cho bị hại khi nạn nhân đã chết, hầu hết các trường hợp người có thai đi phá thai thường là đi một mình không có người thân đi cùng, khi có hậu quả xảy ra sẽ phát sinh trường hợp dùng thủ đoạn để che giấu sự việc thậm chí phi tang gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý về hành vi phạm tội.
Thứ hai, khi một người có nhu cầu phá thai, đặc biệt trong các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, họ thường không báo với người thân, gia đình mà tự đến các cơ sở phá thai “chui” với chiêu trò “bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân”, bởi trường hợp này thì họ thường phát sinh tâm lý mặc cảm, sợ hãi, tự ti không giám đối diện, thổ lộ với những người xung quanh vì sợ bị mắng chửi, bêu rếu, dè bỉu; khi có hậu quả xảy ra trong trường hợp làm nạn nhân bị tổn thương cơ thể chứ không gây chết người sẽ phát sinh vấn đề là bản thân nạn nhân đã chủ đích che giấu việc phá thai của bản thân, mặc dù có thể tổn thương cơ thể nạn nhân từ hành vi phá thai đã đủ mức để cơ quan có thẩm quyền có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tiến hành phá thai nhưng việc xác định nguyên nhân của tổn thương cơ thể là rất khó, bản thân nạn nhân cũng từ chối việc giám định thương tích, như vậy phương pháp nào giúp cơ quan có thẩm quyền phát hiện tội phạm và truy cứu trách nhiệm với cơ sở và người thực hiện việc phá thai trái phép cũng là vấn đề còn khó khăn.
Thứ ba, trường hợp một người khác đưa nạn nhân cố tình đưa nạn nhân đến cơ sở phá thai trái phép khi phát sinh hậu quả, cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự của người, cơ sở phá thai trái phép về tội “Phá thai trái phép” vậy người đưa nạn nhân cơ sở phá thai trái phép này có phạm tội không, nếu phạm thì phạm tội gì, trường hợp này có phải đồng phạm về tội “Phá thai trái phép” hay không vì chính hành vi này đã tạo điều kiện cho hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện. Trường hợp việc phá thai là bị ép buộc, nạn nhân bị ép đến các cơ sở phá thai “chui” vì người ép buộc muốn che giấu việc phá thai, khi hậu quả xảy ra thì người ép người khác phá thai trong trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào cũng cần có hướng dẫn.
Thứ tư, trường hợp sau khi thực việc phá thai, người muốn phá thai tử vong, nhưng bản thân họ có bệnh lý bị mắc bệnh lý mãn tính nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, tim mạch, tiểu đường… thì trường hợp này truy cứu trách nhiệm hình sự với người tiến hành việc phá thai như thế nào khi có thể phát sinh những vấn đề pháp lý trong quá trình giải quyết vụ việc.
Thứ năm, việc luật không quy định rõ trong hậu quả gây tổn thương về sức khỏe bao gồm tổn thương trên cơ thể và tổn thương về tâm lý, tâm thần cũng gây khó khăn trong việc xử lý các vụ việc phát sinh. Rõ ràng việc phá thai kể cả có đúng pháp luật hay trái phép đều sẽ gây ảnh hưởng lớn không chỉ tới cơ thể mà còn gây ra hậu quả nặng nề về tâm lý, tinh thần. Nếu không quy định rõ ràng, chi tiết thì có thể người phạm tội sẽ chối tội, trốn tránh trách nhiệm gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tiến hành tố tụng, xử lý các vụ án.
Thứ sáu, công tác giáo dục về giới tính, về sức khỏe sinh sản, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các lứa tuổi đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên còn chưa được đẩy mạnh đặc biệt là ở các nơi vùng núi, biên giới trong các cộng đồng người dân tộc ít người ở vùng cao nơi mà nạn tảo hôn, kết hôn trái pháp luật vẫn còn tồn tại. Khi một người trong độ tuổi thanh, thiếu niên mang thai ngoài ý muốn, nếu không có sự phát hiện kịp thời của những người xung quanh, ở độ tuổi thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhiều trường hợp họ sẽ đến những cơ sở phá thai “chui” để thực hiện việc phá thai, chính việc này tạo điều kiện cho những đối tượng có thể thực hiện được hành vi phạm tội của mình, từ đó dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm sẽ xảy ra.
Một số đề xuất, giải pháp và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở phá thai để kịp thời phát hiện dấu hiệu tội phạm. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan tố tụng để kịp thời xử lý các vụ việc, ngăn chặn kịp thời hậu quả xảy ra, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc phối hợp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Thứ hai, các cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động quản lý lĩnh vực này cần hoạt động thực sự hiệu quả, giám sát chặt chẽ ngay từ việc thành lập các cơ sở hoạt động về y tế, sản khoa, thẩm định kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện hoạt động phá thai, giám sát chặt chẽ trong quá trình hoạt động để từ đó góp phần phòng ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn về việc truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào đối với trường hợp cơ sở tiến hành phá thai đủ điều kiện về mặt pháp luật(lý thuyết) nhưng lại cho người không đủ trình độ chuyên môn thực hiện việc phá thai thì truy cứu các cá nhân, tổ chức có hành vi phạm tội như thế nào, phân hóa tội phạm ra sao để có thể đảm bảo cho việc giải quyết các vụ án.
Thứ tư, cần xây dựng phương pháp khoa học trong việc phát hiện hậu quả của tội phạm đối với trường hợp nạn nhân từ chối giám định, phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc giám định thương tật, điều tra nguyên nhân gây ra thương tích trên cơ thể để tránh việc bỏ lọt tội phạm.
Thứ năm, công tác giáo dục, nắm tư của gia đình, nhà trường về sức khỏe sinh sản, pháp luật về sinh sản đối với các đối tượng đặc biệt là thanh, thiếu niên cần được đẩy mạnh, đề cao hơn nữa, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… vùng có đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xảy ra, góp phần ngăn ngừa tội phạm.
Thứ sáu, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cũng cần có hướng dẫn trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người ép nạn nhân đến phá thai tại cơ sở phá thai hoạt động trái phép và trường hợp nạn nhân chết sau khi tiến hành hoạt động phá thai khi trong người có sẵn bệnh lý nền nguy hiểm thì truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự như thế nào.
Thứ bảy, sửa đổi điểm b của các khoản theo hướng như sau: “Gây tổn hại cho sức khỏe về thể chất và tâm thần của…” để giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật nhanh chóng, chính xác.
VŨ VIỆT PHƯƠNG
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1