/ Tin tức
/ Những vấn đề pháp lý đặt ra sau vụ 3.000 video của Sconnect Việt Nam bị YouTube xóa

Những vấn đề pháp lý đặt ra sau vụ 3.000 video của Sconnect Việt Nam bị YouTube xóa

03/11/2023 14:37 |

(LSVN) - Theo Luật sư, trong trường hợp nếu bên bị gỡ bỏ nội dung số đã có văn bản và tài liệu chứng cứ gửi kèm yêu cầu phản đối với việc gỡ bỏ nội dung số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thì theo luật Việt Nam, phía cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm khôi phục lại toàn bộ nội dung đã xóa cũng như không được phép xóa những nội dung hiện đang thuộc bản quyền của mình.

Công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ giúp cho việc kinh doanh trực tuyến trở nên thuận tiện và phổ biến hơn bao giờ hết. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”.

Bên cạnh đó, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Thời gian gần đây, vấn đề thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và quyền SHTT trên môi trường số nói riêng nhận được nhiều sự quan tâm. Về cơ bản, khung pháp lý đã được xây dựng khá toàn diện, đầy đủ với việc ban hành Luật SHTT, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Mới đây, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, trong đó có nhiều quy định mới nhằm tăng cường vấn đề thực thi và bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số.

Ngày 26/4/2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định hướng dẫn cụ thể về quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là điểm mới quan trọng trong việc tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc phối hợp với các chủ thể quyền trong thực thi và bảo vệ quyền SHTT trên môi trường số.

Tuy nhiên, đã có trường hợp hai pháp nhân đang tranh chấp nhau về quyền sở hữu đối với sản phẩm của mình được phổ biến trên mạng xã hội, chưa có phán quyết cuối cùng của Tòa án, nhưng các nền tảng mạng xã hội đã gỡ bỏ nội dung, hình ảnh khiến một trong hai pháp nhân bị thiệt hại, mất uy tín. Vụ tranh chấp bản quyền về hai nhân vật phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig giữa Entertainment One UK Limited và Sconnect là một ví dụ.

Theo đó, ngày 28/7/2023, Sconnect (đơn vị là chủ sở hữu của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo) gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng của Việt Nam để hỗ trợ trao đổi với YouTube ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền thiếu căn cứ từ phía Entertainment One UK Limited tại Vương Quốc Anh (gọi tắt là eOne hay EO - chủ sở hữu Peppa Pig), đồng thời đề nghị YouTube khôi phục hơn 3.000 video Wolfoo bị xóa khỏi nền tảng này.

Một cảnh phim hoạt hình Wolfoo.

Sau đó, ngày 2/8/2023, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã có văn bản gửi các cơ quan: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT); Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đề nghị xem xét các hồ sơ liên quan trong vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig nhằm hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trên môi trường số. 

Bên cạnh đó, VDCA cũng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu Google/YouTube và các đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng trung gian cần xem xét hồ sơ kỹ lưỡng, khách quan, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chờ phán quyết của tòa án được các bên khởi kiện.

Đồng thời, VDCA đã có văn bản gửi Google, đề nghị xem xét kỹ lưỡng vụ tranh chấp, ngừng việc xóa, ngăn chặn video Wolfoo của Sconnect, không gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam trong khi chờ phán quyết của Tòa án đang được các bên khởi kiện.

Văn bản của VDCA gửi Google cho biết, qua nội dung báo cáo và kiến nghị của Sconnect, VDCA nhận thấy việc tranh chấp bản quyền giữa 2 đơn vị là Sconnect và EO đã diễn ra thời gian dài, chưa có nhiều tiến triển để kết thúc vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Sconnect. Việc gỡ bỏ, xóa hơn 3.000 video Wolfoo khỏi nền tảng YouTube chỉ dựa theo báo cáo bản quyền của EO là không đúng theo trình tự quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, căn cứ theo Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP. 

“Hiện Tòa án đã thụ lý và đang trong quá trình giải quyết vụ việc, nhưng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian như YouTube vẫn thực hiện việc xóa, ngăn chặn video của Sconnect. Điều này cho thấy YouTube đã không thực hiện đúng theo quy định pháp luật Việt Nam”, văn bản gửi Google của VDCA nêu rõ.

Cuộc chiến pháp lý giữa Sconnect Việt Nam và EO đã kéo dài trong gần 2 năm, với một số vụ kiện được thụ lý tại các quốc gia gồm Nga, Anh, Việt Nam. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại chưa có tòa án nào tuyên Wolfoo vi phạm bản quyền. 

Hiện nay, Tòa án cấp cao Vương quốc Anh và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang thụ lý vụ kiện tranh chấp bản quyền, chưa đưa ra xét xử.

Về căn cứ gỡ bỏ nội dung trên nền tảng mạng xã hội theo quy định pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay tại Điều 114 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan thì quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin của doanh nghiệp cung cấp dich vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cần tuân thủ theo quy định này.

Do đó trường hợp có tranh chấp về bản quyền một sản phẩm số đang được phát hành trên mạng xã hội thì mạng xã hội có nội dung đăng tải đang bị tranh chấp về bản quyền (sau gọi là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian) này cần tuân thủ quy trình gỡ bỏ cụ thể: Trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn và phải thông báo cho bên yêu cầu và bên có nội dung thông tin số bị yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn về việc đã tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên yêu cầu cung cấp.

Tuy nhiên nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tạm gỡ bỏ nội dung thông tin số mà nhận được thông báo yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ kèm theo tài liệu chứng minh do bên bị yêu cầu cung cấp thì trong thời gian 72 giờ kể từ khi nhận được thông báo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cần khôi phục lại nội dung thông tin số đã bị gỡ bỏ đó.

Vì vậy, trong trường hợp nếu bên bị gỡ bỏ nội dung số đã có văn bản và tài liệu chứng cứ gửi kèm yêu cầu phản đối với việc gỡ bỏ nội dung số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thì theo luật Việt Nam, phía cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm khôi phục lại toàn bộ nội dung đã xóa cũng như không được phép xóa những nội dung hiện đang thuộc bản quyền của mình.

PV

Bùi Thị Thanh Loan