Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sát thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của Luật sư sau 15 năm Luật Luật sư năm 2006 đi vào cuộc sống.
Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương là “bệ phóng” cho việc hoàn thiện thể chế Luật sư và nghề Luật sư
Thực hiện Công văn 306/LĐLSVN ngày 11/10/2022 của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ngày 09/12/2022, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo Tổng kết thi hành Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) nhằm lấy ý kiến góp ý của Luật sư thành viên của Đoàn đối với những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, đồng thời ghi nhận các kiến nghị trong quá trình cơ quan có thẩm quyền dự thảo Luật Luật sư mới trình Quốc hội thông qua, dự kiến vào năm 2025.
Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo nhằm tổng kết thi hành Luật Luật sư, đồng thời lắng nghe ý kiến của Luật sư đồng nghiệp về những vướng mắc đã phát sinh trong thực tiễn cuộc sống; đưa ra các kiến nghị, giải pháp để báo cáo đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền.
Luật sư Nguyễn Văn Trung hy vọng, qua Hội thảo, Đoàn sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp sát với thực tế, góp phần xây dựng Luật Luật sư mới đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Luật sư.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Trung, việc tổng kết thi hành Luật Luật sư trong bối cảnh Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới” là điều kiện hết sức thuận lợi. Luật sư Trung nhấn mạnh, Nghị quyết 27 đã dành một phần nói về thể chế Luật sư, cho thấy sự quan tâm của Đảng đối với Luật sư và hành nghề Luật sư. Cụ thể, tại phần mục 7, phần IV của Nghị quyết đã nêu: “Hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế…”.
Định vị lại địa vị pháp lý của Luật sư
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, từ sau khi Luật Luật sư được ban hành đến nay, số lượng, chất lượng Luật sư trên toàn quốc đã có sự phát triển vượt bậc. Tính đến nay, cả nước có hơn 17.000 Luật sư đang hành nghề. Cùng với Luật Luật sư, hiện nay hệ thống pháp luật về Luật sư cũng khá đồ sộ với 8 nghị định, 12 thông tư.
Theo Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, trong thời gian qua nghề Luật sư đối diện với những khó khăn, vướng mắc, nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn hành nghề. So với một số quốc gia phát triển, nghề Luật sư ở Việt Nam còn có khoảng cách lớn so với họ. Vì vậy, lần này khi xây dựng Luật Luật sư mới, cần đặt trong cách tiếp cận mới, sâu sắc hơn, đụng chạm đến nhiều vấn đề sinh tử của nghề Luật sư; việc sửa đổi phải phát sinh từ đời sống thực tiễn của Luật sư và phải chỉ ra được những vấn đề mấu chốt, trong đó phải định vị cho được địa vị pháp lý của Luật sư.
Hiện nay, địa vị pháp lý của Luật sư vẫn là bổ trợ tư pháp, quyền của Luật sư là quyền phái sinh từ thân chủ dẫn đến sự hạn chế về tính độc lập trong hoạt động tư pháp của Luật sư. Nếu xây dựng Luật Luật sư lần này mà không có sự thay đổi về địa vị pháp lý của Luật sư thì nghề Luật sư sẽ tiếp tục còn gặp khó khăn.
Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị các Luật sư khi góp ý và đề xuất các vướng mắc cần quan tâm đến hai vấn đề rất mới, có lợi cho giới Luật sư, đó là Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới” để khẳng định vị thế độc lập của Luật sư trong quá trình hành nghề của Luật sư. Đồng thời, phát huy chức năng giám sát, kiểm soát quyền lực của cơ quan tố tụng theo đề án kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án do Trung ương xây dựng.
Kiến nghị bãi bỏ quy định miễn tập sự hành nghề Luật sư đối với người ở các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển sang
Luật sư Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đề nghị, khi xây dựng Luật Luật sư mới cần xác định rõ vị trí, vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc đào tạo nghề Luật sư. Theo Luật sư Nguyễn Văn Hòa, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sau gần 15 năm được thành lập đã đủ điều kiện cả về nhân sự lẫn cơ sở vật chất để thành lập cơ sở đào tạo nghề Luật sư. Luật sư Hòa đề nghị lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần chuẩn bị đề án để xin cơ quan có thẩm quyền thành lập cơ sở đào tạo nghề Luật sư, phục vụ cho sự phát triển nghề Luật sư của cả nước.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh trong phần phát biểu góp ý của mình đã đề nghị bãi bỏ quy định về các trường hợp miễn tập sự hành nghề Luật sư, nhất là đối với người đã công tác ở các cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định nghỉ việc chuyển sang hành nghề Luật sư. Theo Luật sư Nguyễn Văn Đức, hoạt động hành nghề Luật sư là hoạt động đặc thù, ngoài việc trang bị kiến thức pháp luật thì đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng, nếu không được đào tạo sẽ gặp nhiều va vấp trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời, muốn trở thành Luật sư chuyên nghiệp, cần phải được trang bị kiến thức, kỹ năng về đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư.
“Không phủ nhận người ở các cơ quan tố tụng có kinh nghiệm, kiến thức pháp luật vững vàng, nhưng môi trường của cơ quan tố tụng khác hoàn toàn với môi trường nghề Luật sư. Nếu những người không qua lớp đào tạo, bồi dưỡng về các kỹ năng đặc thù này mà ngay lập tức trở thành Luật sư sau khi nghỉ việc ở các cơ quan tố tụng làm sao thấu hiểu được thân chủ mình. Họ không đắm mình vào hoàn cảnh của khách hàng thì sẽ không hiểu được khách mình cần gì ở Luật sư. Luật sư phải đau đáu với nghề, với thân phận của thân chủ”, Luật sư Đức chia sẻ.
Đồng thời, Luật sư Nguyễn Văn Đức cũng đề nghị, cần quy định đối với người nghỉ việc ở cơ quan tố tụng muốn trở thành Luật sư phải có một độ “trễ” về thời gian từ 3 đến 5 năm tính từ ngày có quyết định nghỉ việc.
Đề xuất này của Luật sư Nguyễn Văn Đức, được nhiều Luật sư tham dự hội nghị đồng tình và mong muốn khi xây dựng Luật Luật sư, các cơ quan có thẩm quyền cần bãi bỏ quy định này để cho thể chế về Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư được chuyên nghiệp hơn.
Luật sư Phan Thị Hồng Điểm, Ủy viên Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, đề nghị xem lại quy định Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân chỉ được hoạt động nghề nghiệp với doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với Luật sư mà không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp khác. Theo Luật sư Hồng Điểm, quy định này đã “trói” các Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, đồng thời ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận dịch vụ pháp lý từ các Luật sư.
Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của Luật sư về quy định đào tạo nghề Luật sư, tập sự hành nghề Luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề. Nhiều Luật sư đề nghị người tập sự hành nghề Luật sư nên được tham gia tố tụng tại các phiên tòa sơ thẩm cấp quận huyện dưới sự giám sát và bảo đảm về chất lượng của Luật sư hướng dẫn, nhằm giúp họ có cơ hội cọ xát nghề nghiệp trước khi trở thành Luật sư thực thụ.
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC
Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh