Ảnh minh họa.
Cụ thể, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh vừa báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh về dự án Vành đai 4, đoạn qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đoạn từ cầu vượt sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai (dài 17km).
Theo đó, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận nghiên cứu bổ sung 03 phương án hướng tuyến mới để giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư dự án.
Trong đó, Phương án 1 theo hướng tuyến cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch Vành đai 4, dài 17,35km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 17.800 tỉ đồng; giai đoạn hoàn thiện hơn 26.000 tỉ đồng.
Phương án trên có 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu nên diện tích giải phóng mặt bằng ít nhất, tuy nhiên chi phí giải phóng mặt bằng cao nhất so với các phương án còn lại, khó kết nối giao thông khu vực.
Phương án 2, nắn chỉnh đoạn 9,7km đầu về phía Nam 0-160m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu; đoạn tiếp dài 3,7km nắn về phía Nam 0-120m, tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu; đoạn còn lại trùng tim quy hoạch.
Chiều dài tuyến theo Phương án 2 là 17,29km, vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.800 tỉ đồng; giai đoạn hoàn thiện khoảng 22.300 tỉ đồng. Tuyến này cơ bản tránh các đường hiện hữu, ít hộ di dời, chi phí giải phóng mặt bằng thấp, không ảnh hưởng nối kết giao thông khu vực.
Phương án 3 nắn chỉnh đoạn 14,1km tuyến về phía Nam 0-1.300m, tránh các đường hiện hữu. Đoạn 2,5km còn lại trùng tim quy hoạch. Tuyến dài 16,75km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 13.600 tỉ đồng; giai đoạn hoàn thiện hơn 22.000 tỉ đồng. Phương án này có tuyến tránh xa các đường hiện hữu, ít hộ phải di dời, chi phí mặt bằng thấp.
Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, huyện Củ Chi, rà soát, thống nhất hướng tuyến, các nút giao trên tuyến để tham mưu thành phố xin ý kiến Bộ GTVT.
Trên cơ sở Bộ GTVT thống nhất, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch hướng tuyến Vành đai 4 và cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của TP. Hồ Chí Minh.
Vành đai 4 dài gần 200km, có tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỉ đồng đi qua TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm đầu tuyến giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (địa bàn thị xã Phú Mỹ), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước, TP. Hồ Chí Minh. Dự án được duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay tiến độ rất chậm, sau nhiều năm đầu tư dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 21km trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hiện, Thủ tướng đã phân chia dự án đường Vành đai 4 thành 05 đoạn tuyến theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố, và giao cho 05 địa phương trực tiếp huy động vốn đầu tư. TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đã thống nhất triển khai đầu tư Vành đai 4 dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2028. Đường Vành đai 4 khi hình thành đóng vai trò chiến lược trong liên kết vùng, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. |
MINH NGUYÊN
Bộ GTVT yêu cầu tạo điều kiện cho công tác vận chuyển xăng dầu thị trường nội địa