Ảnh minh họa.
Trong lịch sử tố tụng hình sự, câu hỏi trọng chứng hay trọng cung đã quá cũ, bởi các quy định pháp luật hiện hành, kể cả về tố tụng, đều rõ ràng rằng, chỉ có thể kết tội bị cáo khi có đủ chứng cứ chứng minh. Nhưng mới đây, công luận lại nóng lên vì vấn đề trên được dồn dập đưa lên mặt báo khi Tòa án đang xử nhiều vụ án. Nổi cộm là vụ phiên tòa xét xử ông Trần Hùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường ngày 22/7, mà chủ tọa phiên tòa thông báo lùi việc tuyên vào ngày 27/7.
Hàng loạt bài phản ánh mấy vụ xử này được đăng trên các báo: Thanh niên, Dân trí, VTC News, Tuổi trẻ, Dân Việt, Tiền Phong. Báo Thanh niên ngày 23/7/2023 có bài “Nghị án kéo dài vụ ông Trần Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng”. Ngày 22/7, TAND TP. Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án sản xuất sách giáo khoa giả có quy mô cực lớn, liên quan đến ông Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương). Trước đó, ông Hùng bị đề nghị mức án 9 - 10 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Trong phần tranh luận cũng như nói lời sau cùng, bị cáo Trần Hùng một mực kêu oan, khẳng định không nhận tiền, cũng không hướng dẫn chủ doanh nghiệp thay đổi lời khai, càng không can thiệp vào quá trình xử lý vụ việc vi phạm.
Bào chữa cho bị cáo Hùng, Luật sư cho rằng cơ quan tố tụng chỉ dựa vào lời khai của bị cáo Nguyễn Duy Hải (người bị cáo buộc môi giới hối lộ) để kết tội bị cáo là không khách quan, bởi người này có tới hơn 10 lời khai có nhiều mâu thuẫn "tiền hậu bất nhất" về thời điểm đưa tiền, liên tục thay đổi về ngày, giờ. Thêm vào đó, Luật sư còn dẫn chứng dữ liệu về cột sóng điện thoại từ nhà mạng, cho thấy vào khoảng thời gian được cho là xảy ra sự việc đưa, nhận hối lộ, ông Hùng và ông Hải đang ở 2 địa điểm khác nhau… Từ những căn cứ đưa ra, Luật sư đề nghị tuyên bị cáo Trần Hùng không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa.
Đối đáp lại, đại diện Viện Kiểm sát bác bỏ quan điểm cho rằng việc buộc tội bị cáo Hùng chỉ dựa vào lời khai duy nhất của ông Hải mà không có nhân chứng, vật chứng. Theo kiểm sát viên, nguồn chứng cứ bao gồm từ nhiều nguồn khác nhau, không phải lúc nào cũng là chứng cứ vật chất; có thể là lời khai của bị cáo, là vật chứng, biên bản đối chất, biên bản giám định hoặc lời kể của những người khác nếu đảm bảo yếu tố khách quan, logic,… Căn cứ vào lời khai của bị cáo, người làm chứng, kết quả thực nghiệm điều tra, sơ đồ hiện trường, dữ liệu điện tử, điện tín,… Luật sư đưa ra các viện dẫn về định vị cột sóng điện thoại, nhưng chỉ như vậy thì chưa đủ căn cứ xác định bị cáo Hùng có ở đó hay không. Vì thế, kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm, rằng bị cáo Trần Hùng đã nhận hối lộ 300 triệu đồng.
Như vậy, kết thúc phần tranh luận, cả phía Viện Kiểm sát và Luật sư bào chữa đều giữ nguyên quan điểm. Bị cáo Trần Hùng vẫn nói không nhận hối lộ.
Cuối cùng, Tòa vẫn tuyên bị cáo Trần Hùng phạm tội, phạt 9 năm tù.
Tranh cãi gay gắt về chứng cứ
Báo Tuổi Trẻ ngày 21/7 đăng bài “Hoàng Văn Hưng đề nghị Viện Kiểm sát đưa chứng cứ trong cặp số có 450.000 đô”. Bản tin nhanh của Thanh niên ngày 22/7 ghi phần đối đáp của cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội (PGĐCAHN), nói Hưng làm luật mà không hiểu luật và nhắc Hưng đừng đánh tráo khái niệm, đánh tráo sự việc từ việc này sang việc khác. VTC News ngày 21/7 đăng bài “Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bật khóc, tố cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội vu khống”. Tranh cãi gay gắt giữa hai cựu cán bộ cùng là Công an khiến vụ án trở nên kịch tính hơn. Bởi nhiều người nhận định, nếu được báo nhận tiền thì đời nào cựu điều tra viên lại ung dung ra cổng Bộ với bao con mắt của camera để nhận mà không dùng cách khác kín đáo hơn. Thế nên khả năng trong cặp chỉ có 04 chai rượu, chứ không thể có nhiều tiền trong đó như lời khai của cựu PGĐCAHN.
Cuộc tranh cãi này dẫn đến đòi hỏi mọi người tham gia tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng đều phải “thuộc lòng” khái niệm chứng cứ. Khái niệm chứng cứ là cơ sở để giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan như các thuộc tính của chứng cứ, các thủ tục thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ,... góp phần quyết định vào việc giải quyết đúng đắn, khách quan từng vụ án hình sự; định nghĩa chính xác khái niệm chứng cứ ảnh hưởng không nhỏ tới việc xác định địa vị pháp lý (quyền và nghĩa vụ tố tụng hình sự) của những người tham gia tố tụng, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Do đó, khái niệm chứng cứ được xác định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Điều 86, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Đồng thời, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định các nguồn chứng cứ là vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp và hợp tác quốc tế; các tài liệu, đồ vật khác (khoản 1 Điều 87).
Coi trọng nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung"
Trong các vụ án oan nổi sóng dư luận những năm qua, nổi cộm là hai vụ án của ông Huỳnh Văn Nén và ông Nguyễn Thanh Chấn. Lý do, dù tất các bị cáo trong các vụ án oan từng nhận tội rất nhiều lần, nhưng đây là 2 trong các vụ án chỉ được minh oan khi thủ phạm đích thực bị bắt giữ. Riêng ông Nén nổi tiếng với biệt danh "người tù xuyên thế kỷ", ngồi biệt giam hơn 17 năm, mang hai tội danh giết người trong hai vụ án. Đau xót là, sau bản án tù chung thân vì tội “Giết người”, ông Nén không kêu oan, chấp nhận bản án sơ thẩm. Câu hỏi đặt ra ở đây là, phải chăng ông quá ám ảnh, quá sợ hãi mà không dám kêu oan? Như vậy, nếu không tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội, dễ dẫn đến oan sai.
Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, lần đầu tiên quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội như sau: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội".
Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay, nguyên tắc này không chỉ thể hiện qua Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự mà còn là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng hình sự, đối với việc thu thập chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự. Điều 15 quy định về chứng minh, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án cũng nêu rõ: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Khoản 1, Điều 31, Hiến pháp 2013 cũng quy định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật" .
Như vậy, pháp luật tố tụng về hình sự Việt Nam hiện nay đã coi nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự. Nguyên tắc này chính thức thừa nhận rằng người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc chứng minh tội phạm, theo trình tự thủ tục luật định, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự.
Đối với bản án dành cho Hoàng Văn Hưng, có ý kiến cho rằng, Tòa phán quyết không dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội. Song nhiều ý kiến lại khẳng định là Toà án đã xử đúng! Chiều 28/7, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án các bị cáo trong đại án chuyến bay giải cứu. Trong đó, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) bị tuyên án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối với số tiền bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) đưa cho Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) với mục đích hối lộ, bị tòa cáo buộc là thực hiện giao dịch trái pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử yêu cầu phải truy thu số tiền hơn 18 tỉ đồng mà Hoàng Văn Hưng chiếm đoạt để sung công quỹ Nhà nước.
Luật gia PHAN VĂN TÂN
Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Hà Nội