LSVNO - Luật sư Việt Nam Online nhận được phản ánh về việc hàng nghìn m2 “đất vàng” tại số 2 Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang được Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam “xẻ thịt” cho thuê làm quán bia, quán ăn, photocopy, cafe, yoga, trông giữ xe ô tô, tổ chức đám cưới.
Ngày 10/10/1997, Chính phủ ban hành Quyết định số 848/TTg về việc giao đất để xây dựng Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (hay còn được gọi là triển lãm Vân Hồ). Theo đó, Chính phủ thu hồi 12.730 m2 đất tại số 47 Lê Đại Hành (nay là số 2 Hoa Lư) phường Lê Đại Hành và giao toàn bộ diện tích đất trên cho Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam sử dụng xây dựng công trình Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam.
Ngày 03/3/2014, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch có Quyết định số 477/QĐ-BVHTDL quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Theo đó, Trung tâm này có chức năng chính là tổ chức triển lãm, hội trợ, giao lưu giới thiệu văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Tại Điều 2 của Quyết định số 477/QĐ-BVHTDL đã thể hiện rõ nhiệm vụ và quyền hạn với 10 điểm, trong đó nhiệm vụ chính là tổ chức các hoạt động dịch vụ triển lãm, giao lưu văn hóa nghệ thuật, hội trợ - triển lãm, quảng cáo, thể thao, du lịch.
Tuy nhiên, dù được giao hơn 12 nghìn m2 “đất vàng” tại phố Hoa Lư, nhưng Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã “xẻ thịt” hàng nghìn m2 đất cho các tổ chức, cá nhân thuê làm quán bia, cafe, nhà hàng, quán photocopy, yoga, coi xe ô tô dưới hợp đồng hợp tác liên doanh, liên kết.
Quán bia “mọc” ngay bên trong Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam.
Theo ghi nhận của PV, bên cạnh cổng số 2 Hoa Lư là quán ăn, điểm buôn bán thực phẩm sạch đang hoạt động rầm rộ. Còn sát với ngõ 45 Lê Đại Hành là chốt bảo vệ tòa nhà của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nhưng mới đây chốt bảo vệ này được cải tạo, sửa chữa, đập tường mở cửa đi ra vỉa hè cho cá nhân thuê lại làm quán photocoppy.
Quan sát vào sâu bên trong trung tâm, PV ghi nhận xuất hiện một trung tâm tiệc cưới hoạt động rầm rộ ngay tại hội trường Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, cả một khoảng sân rộng lớn được tận dụng để trông giữ xe cho khách tới dự tiệc cưới. Đi tiếp vào sâu bên trong là quán bia, quán cà phê, yoga. Khi chúng tôi có hỏi giá tiền thuê mặt bằng, một hộ kinh doanh cho biết phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng thuê mặt bằng để kinh doanh.
Như vậy, việc cho thuê mặt bằng Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam mỗi tháng thu được lên tới hàng trăm triệu đồng. Vậy số tiền thu được sẽ thu về đâu?
Mặc dù hiện nay hoạt động của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam là cho thuê mướn mặt bằng, địa điểm tổ chức sự kiện là chính nhưng hằng năm Trung tâm này vẫn tiêu hàng chục tỷ đồng từ tiền ngân sách Nhà nước. Từ năm 2014 Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã tiêu khoảng 23 tỷ đồng/năm tiền ngân sách từ Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
Bên cạnh cổng trung tâm là quán ăn, điểm buôn bán thực phẩm sạch đang hoạt động rầm rộ.
Liên quan đến việc cho thuê mặt bằng kinh doanh, ông Bùi Kì Đà (Phó Giám đốc trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam), thừa nhận: “Việc cho thuê mặt bằng kinh doanh mà PV có nêu ra đã có từ lâu rồi do lịch sử để lại, có thể trong thời điểm trước chúng tôi cho thuê luật cho phép, nhưng trong thời điểm hiện tại nhiều luật mới ra lại không cho phép trung tâm cho thuê mặt bằng. Thời gian tới chúng tôi sẽ rà soát lại xem có đúng hay không rồi sẽ có báo cáo”.
Cũng theo ông Đà, việc cho thuê dưới hình thức liên doanh liên kết có nghĩa là trung tâm có mặt bằng, bên kia góp vốn xong chia lợi nhuận 2 bên “việc này trung tâm cũng có thu tiền nhưng có nộp thuế và kiểm toán đầy đủ chứ không phải vào túi riêng. Mỗi tháng từ việc cho thuê thu về trung tâm văn hóa khoảng 200 triệu đồng”.
Trước đó, tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ra Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm đầu mối tiến hành xác minh, từ đó đưa ra hướng xử lý tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, Trung tâm đã để xảy ra tình trạng thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành và nhiều sai phạm trong công tác tài chính.
Thế nhưng, việc cho cho thuê mướn, liên danh, liên kết mặt bằng tại Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam đã diễn ra nhiều năm mà vẫn không bị xử lí dứt điểm khiến dư luận bức xúc: Ai sẽ chịu trách nhiệm việc “xẻ thịt” “đất vàng” tại trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam?
Có hay không các nhóm lợi ích, chi phối hoạt động của Trung tâm, biến trung tâm này thành cơ sở kinh doanh dịch vụ tầm thường?
Luật sư Việt Nam Online tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Thế Nguyễn