Ảnh minh họa.
Đây là một trong những quy định đáng chú ý tại Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13. Trong đó, tại khoản 2 Thông tư liên tịch này nêu rõ một số điểm cần lưu ý khi giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Theo đó, Điều 6 Thông tư liên tịch nêu rõ về xác định thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu. Cụ thể, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.
Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
Tòa án quyết định tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình và lưu ý một số trường hợp sau đây:
- Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng quy định tại Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dẫn đến vợ, chồng không có chỗ ở hoặc không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định.
Ví dụ 1: Ông A. đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Sau đó ông A. kết hôn với bà C. và thỏa thuận chuyển giao toàn bộ tài sản của mình cho bà C., do đó, không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh B. Trong trường hợp này thỏa thuận về tài sản giữa ông A. và bà C. bị vô hiệu.
Ví dụ 2: Anh A. có con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Sau đó, anh A. kết hôn với chị B. Anh A. và chị B. đã thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng, trong đó có nội dung toàn bộ tài sản của anh A. sẽ do chị B. thừa hưởng khi anh A. chết. Trong trường hợp này, nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản giữa anh A. và chị B. bị vô hiệu đối với phần tài sản của anh A. mà người con bị mất năng lực hành vi dân sự được thừa kế theo quy định của pháp luật.
PHƯƠNG HOA
Cảnh giác với app lừa đảo đầu tư chứng khoán trên không gian mạng