/ Pháp luật - Đời sống
/ UBTVQH: Hoàn chỉnh thêm hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

UBTVQH: Hoàn chỉnh thêm hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

23/11/2021 10:51 |

(LSVN) - Ngày 23/11, Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã xem xét nhiều dự án luật quan trọng. Trong đó, UBTVQH cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

  Phiên họp thứ 5, UBTVQH.

Cụ thể, đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), UBTVQH đề nghị Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này để trình UBTVQH xem xét trước khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Đồng thời, UBTVQH đã biểu quyết thông qua việc đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Phát biểu cho ý kiến về hai dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất quan trọng và cấp bách, do đó cần sớm hoàn thiện trình Quốc hội. Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sửa đổi luật cần rõ ranh giới y tế dự phòng và khám, chữa bệnh theo bảo hiểm, đây là vấn đề còn chưa rõ trong quản lý, điều hành thời gian qua; làm rõ một số khái niệm, quy định về bác sĩ gia đình...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Quan điểm xây dựng luật là lấy người bệnh là trung tâm trong cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, luật phải thể chế hóa vấn đề này". Bên cạnh đó, định hướng là tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, để huy động sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; đảm bảo công bằng ở các cơ sở dịch vụ công và tư; đẩy nhanh thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế...

Về Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần làm rõ hơn báo cáo đánh giá tác động khi sửa đổi luật, trong đó đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các thủ tục hành chính phát sinh mới, làm rõ hơn tính tương thích với các luật khác như: quy hoạch, đầu tư, viễn thông... cần khẳng định thêm tính cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung về Luật Tần số vô tuyến điện. Sửa đổi Luật tới đây phải đảm bảo các điều ước, cam kết quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại thế hệ mới. Theo Chủ tịch Quốc hội, các quy định phải cân đối giữa tác động tích cực và tiêu cực nên phải lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Về quản lý tần số, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần coi đây là tài sản quốc gia quan trọng, ngày càng có giá trị, nhất là trong bối cảnh kinh tế số, xã hội số; do đó cần quy định theo hướng đảm bảo quản lý sử dụng chặt chẽ, khai thác hiệu quả, lành mạnh. Việc sửa đổi luật cần đánh giá thực tiễn về trần hạn mức tần số mỗi doanh nghiệp được nắm giữ tối đa và giải pháp để ngăn ngừa những vấn đề không lành mạnh trong tích tụ tài nguyên tần số.

Đồng thời, báo cáo đánh giá tác động trong Luật phải đánh giá được việc quản lý, khai thác hiện nay; thực trạng việc thu phí, lệ phí; dự báo các nguồn thu, mức thu, phương thức thu sau khi sửa luật, nhất là những băng tần có giá trị thương mại cao.

Ngoài ra, Luật cũng cần quy định chính sách nâng cao trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình sử dụng tần số, để đảm bảo an toàn, hiệu quả, không thất thoát, lãng phí.

PV

UBTVQH thông qua Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 BLHS 2015

Lê Minh Hoàng