/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Vai trò của Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật hiện nay

Vai trò của Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật hiện nay

06/10/2022 12:56 |

(LSVN) - Ngày nay, Luật sư và nghề Luật sư đang ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đồng thời, hoạt động hành nghề của Luật sư có mối quan hệ gắn bó mật thiết đối với việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật – nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bài viết này góp phần làm rõ hơn vai trò của Luật sư đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa.

Khái niệm Luật sư

Theo quy định tại Điều 2, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, chỉ những người có đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật, thực hiện việc tư vấn pháp luật, đại diện theo ủy quyền và các dịch vụ pháp lý khác cho cá nhân, cơ quan, tổ chức. Luật sư bằng kiến thức pháp luật của mình, độc lập thực hiện các hoạt động trong phạm vi hành nghề theo quy định của pháp luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp, nhằm mục đích phụng sự công lý, góp phần bảo vệ pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Khi bàn tới khái niệm nghề Luật sư, về phương diện lý luận, cần đặt nó trong bối cảnh so với các nghề nghiệp khác của xã hội, các giá trị, chuẩn mực nghề nghiệp và vị trí, vai trò của nó trong sự phát triển của xã hội (1). Nghề Luật sư không giống như những nghề khác vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì việc hành nghề Luật sư còn phải tuân theo quy chế đạo đức nghề nghiệp. Điều này tạo nên nét đặc thù riêng của nghề Luật sư và nét đặc thù này tác động sâu sắc đến kỹ năng hành nghề của các Luật sư.

Vai trò của Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật hiện nay

Luật sư là một trong những nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Khoản 15, Điều 65, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam - với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trên toàn quốc của các Đoàn Luật sư và các Luật sư là: “Tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật”. Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức cho đội ngũ Luật sư trên cả nước tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp; đặc biệt là các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động hành nghề của Luật sư. Thông qua việc tham gia xây dựng pháp luật, đội ngũ Luật sư đã góp phần xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, bám sát với thực tiễn và có tính dự báo cao.

Bên cạnh đó, quá trình áp dụng pháp luật trong hoạt động hành nghề, khi phát hiện những bất cập, chồng chéo, mẫu thuẫn trong quy định của pháp luật hoặc quy định pháp luật còn chung chung, chưa cụ thể, một số Luật sư đã có ý kiến tới Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Các ý kiến này đều được Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổng hợp, gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản và cơ quan theo dõi thi hành pháp luật để rà soát, kiến nghị có văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn kịp thời.

Một số kiến nghị xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay từ góc độ Luật sư

Từ thực tiễn kinh nghiệm trong quá trình tham gia xây dựng pháp luật, cũng như quá trình áp dụng pháp luật khi hoạt động hành nghề, tôi xin đưa ra một số kiến nghị góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta hiện nay như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự tham vấn của các Luật sư trong quá trình xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện pháp luật

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật, cần tăng cường huy động sự tham vấn của các Luật sư có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề. Hiện nay, ngày càng có nhiều Luật sư hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành, có khả năng nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc công khai, minh bạch, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của các Luật sư góp phần bảo đảm tính phản biện, khách quan của dự luật. Các cơ quan xây dựng pháp luật phải nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị và phải giải trình đầy đủ những điểm mà họ từ chối điều chỉnh.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của các cơ quan xây dựng pháp luật

Từ thực tiễn cho thấy những hạn chế trong công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật hiện nay có liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ có nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành và địa phương còn thiếu ổn định; ngành luật chỉ chiếm 27% tổng số cán bộ, công chức tham gia xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ở các bộ, cơ quan ngang bộ và 15% ở các cơ quan chuyên môn thuộc của UBND cấp tỉnh (2). Trong khi đó, xây dựng pháp luật là công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi những người trực tiếp thực hiện và quyết định phải có năng lực phân tích chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật.

Do đó, tôi kiến nghị cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật được đào tạo chính quy, bài bản, có đủ năng lực nghiệp vụ, hiểu biết rõ pháp luật và có trách nhiệm cao trong công việc. Đồng thời, nâng cao ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ; xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp để xảy ra sai sót trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc xây dựng, hoàn thiện luật pháp

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới nên cần xây dựng, cải cách luật pháp theo hướng vừa bảo đảm lợi ích, phát huy thế mạnh trong nước; vừa bảo đảm sự hài hòa, tương thích với các tiêu chuẩn chung của luật pháp quốc tế. Đồng thời, nước ta cần đẩy mạnh tham gia các diễn đàn đa phương về pháp luật và thỏa thuận song phương, đa phương về hợp tác pháp luật và tư pháp. Bên cạnh đó, tạo cơ chế thu hút các chuyên gia hoặc Luật sư là người Việt Nam ở nước ngoài để gia tăng nguồn tư vấn cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật ở các quốc gia phát triển để chọn lọc, học tập và áp dụng những điều phù hợp với Việt Nam.

Nhìn chung, Nhà nước ta ngày càng đánh giá cao vai trò và sự tham gia của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói chung và các Luật sư nói riêng trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng Luật sư tham gia vào công tác nghiên cứu xây dựng pháp luật vẫn còn hạn chế so với tổng số Luật sư thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, hiệu quả đạt được vẫn chưa xứng tầm so với sự phát triển của đội ngũ Luật sư trong những năm qua.

Những bất cập này đòi hỏi đội ngũ Luật sư luôn phải cố gắng trau dồi, phát triển bản thân, từ đó khẳng định được vị thế của nghề Luật sư trong xã hội, cũng như trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, chung tay góp sức để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, vững mạnh.

(1) Nguyễn Hữu Phước (2016), “Chọn nghề”, Hướng dẫn khới nghiệp với nghề Luật sư, (2), tr. 10.

(2) https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=711.

Luật sư ĐẶNG HỒNG DƯƠNG

Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng

Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Lê Minh Hoàng