/ Trao đổi - Ý kiến
/ Những kiến nghị về vấn đề xác định thời điểm bắt đầu và chấm dứt thời hiệu truy cứu TNHS

Những kiến nghị về vấn đề xác định thời điểm bắt đầu và chấm dứt thời hiệu truy cứu TNHS

09/05/2022 15:07 |

(LSVN) - Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các các vấn đề xác định thời điểm bắt đầu và chấm dứt thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) trong pháp luật hình sự Việt Nam, chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.

Ảnh minh họa. 

Vấn đề xác định thời điểm bắt đầu và chấm dứt của thời hiệu truy cứu TNHS

Việc xác định rõ thời điểm bắt đầu và chấm dứt thời hiệu truy cứu TNHS là rất quan trọng vì nó sẽ tạo ra những sự ràng buộc nhất định về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa một bên là Nhà nước mà đại diện là các cơ quan tư pháp hình sự và một bên là người, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội, để cùng hướng tới một mục đích là tìm ra sự thật và công bằng. Nếu như có sự thiếu trách nhiệm trong việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS dẫn đến một kết quả sai lầm trong việc xác định đó, thì kết cục là một người có thể phải chịu án oan, sai; đồng thời cũng thể hiện rằng một bản án kết tội đã không có sự tồn tại của công lý và khách quan. Do vậy, trước tiên, cần xem xét thời điểm bắt đầu và chấm dứt của thời hiệu truy cứu TNHS.

Tại khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định: “Thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày tội phạm được thực hiện…”. Như vậy, thời điểm bắt đầu của thời hiệu truy cứu TNHS đã được xác định trong Bộ luật, tuy nhiên đây là một thuật ngữ rất chung và khái quát, để hiểu rõ và áp dụng đúng thuật ngữ này đòi hỏi phải đặt nó trong từng loại tội cụ thể và từng trường hợp cụ thể (có nghĩa là phải xác định đó là loại tội phạm nào và việc thực hiện đó dừng ở giai đoạn nào: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, hay tội phạm đã hoàn thành). Hiện nay, về mặt lập pháp không phân biệt rõ các loại tội mặc dù có ghi nhận chúng trong BLHS năm 2015; về mặt lý luận và thực tiễn xét xử được chia ra thành hai loại là: đơn tội phạm (tội đơn nhất) và đa tội phạm.

Cần nghiên cứu bản chất của từng loại tội phạm cụ thể để từ đó xác định thời điểm bắt đầu và chấm dứt thời hiệu truy cứu TNHS của loại tội đó ở từng giai đoạn khác nhau của việc thực hiện tội phạm.

Thứ nhất, chế định đơn tội phạm có bốn dạng sau:

Tội đơn nhất thông thường là tội phạm mà hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc mặt khách quan của tội phạm xâm hại đến một khách thể được luật hình sự bảo vệ ngay tại thời điểm đó. Đặc điểm của loại tội này là các yếu tố cấu thành tội phạm (mặt khách quan, khách thể, mặt chủ quan, chủ thể) có “cấu tạo” đơn giản và dễ nhận biết. Thời điểm bắt đầu thời hiệu truy cứu TNHS là từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mà phải chịu TNHS và kết thúc là sau một khoảng thời gian tương ứng quy định trong khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015.

Tội liên tục là tội phạm mà hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc mặt khách quan của tội đó được hợp thành bởi nhiều hành vi cùng tính chất, diễn ra kế tiếp nhau về thời gian với một ý định phạm tội cụ thể, thống nhất, cùng xâm hại một khách thể. Đặc điểm của tội liên tục là chỉ khi có sự kết hợp, tổng hợp nhiều hành động phạm tội này thì mới cấu thành một tội, nếu tách các hành động đó ra thì lúc này chúng chỉ đơn thuần là các hành vi vi phạm mà có thể chưa đến mức chịu TNHS vì mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể. Tội liên tục bắt đầu từ khi kẻ phạm tội thực hiện hành động thứ nhất và kết thúc từ khi thực hiện xong hành động cuối cùng của cấu thành (hành vi) tội phạm mà kẻ phạm tội định thực hiện. Từ nhận thức chung về bản chất pháp lý loại tội này cho thấy: Việc xác định các tội liên tục bị phát hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt là rất khó, mà loại tội này thường bị phát hiện ở giai đoạn tội phạm hoàn thành.

Thời điểm bắt đầu thời hiệu truy cứu TNHS của tội liên tục bắt đầu tính từ ngày mà hành vi cuối cùng trong một chuỗi các hành vi được thực hiện và thời điểm kết thúc chính là sau một khoảng thời gian nhất định được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015. Căn cứ để xác định ngày thực hiện hành vi phạm tội cuối cùng, đó là phải xác định được có dấu hiệu tội phạm trên cơ sở: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú" (được quy định tại Điều 143 BLTTHS năm 2015).

Tội kéo dài là tội phạm mà hành vi nguy hiểm cho xã hội trong mặt khách quan bắt đầu thực hiện một lần và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi người phạm tội bị bắt giữ hoặc ra đầu thú. Đặc điểm của loại tội này là không chấm dứt ngay lúc đó mà sẽ tồn tại trong một khoảng thời gian. Tội phạm kéo dài bắt đầu từ khi kẻ phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà bị BLHS cấm và kết thúc khi kẻ phạm tội tự nguyện ngừng hoạt động tội phạm hoặc hoạt động đó bị chấm dứt vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Từ nhận thức chung về bản chất pháp lý loại tội này cho thấy: Việc xác định các tội kéo dài bị phát hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt là rất khó, mà loại tội này thường bị phát hiện ở giai đoạn tội phạm hoàn thành.

Đối với các tội kéo dài, thời điểm hoàn thành tội phạm không trùng với thời điểm phát sinh những tình tiết biểu hiện sự chấm dứt tội phạm. Sau khi có hành vi phạm tội thì thời điểm hoàn thành tội phạm xảy ra sớm hơn thời điểm phát sinh những tình tiết biểu hiện sự chấm dứt hành vi, hoạt động tội phạm.

Thời điểm truy cứu TNHS bắt đầu tính từ ngày hành vi phạm tội bị phát hiện, do có một trong sáu căn cứ quy định tại Điều 143 BLTTHS năm 2015 như đã nêu trên và thời điểm kết thúc là sau một khoảng thời gian nhất định tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015.

Tội ghép là tội phạm mà hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc mặt khách quan của tội đó được hợp thành bởi nhiều loại hành vi khác nhau, nhưng được thực hiện trong cùng một thời gian và xâm hại đến hai khách thể trở lên. Đặc điểm của loại tội này là không có sự kéo dài trong một khoảng thời gian cũng không có sự lặp lại các hành vi vi phạm, mà các hành vi diễn ra trong cùng một thời điểm. Do đó, thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hiệu truy cứu TNHS của loại tội này cũng xác định giống như tội đơn nhất thông thường đã đề cập ở trên.

Thứ hai, chế định đa tội phạm có bốn dạng sau:

Phạm tội 02 lần trở lên là một trong bốn dạng của của chế định đa tội phạm, BLHS năm 2015 chưa nêu lên định nghĩa pháp lý của nó, mà chỉ quy định là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội phạm cụ thể và là tình tiết tăng nặng chung. Nếu điều luật không quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt thì tình tiết Phạm tội 02 lần trở lên là tình tiết tặng nặng TNHS quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015. Trước đây, trong BLHS năm 1999, tình tiết này (phạm tội nhiều lần) được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48. Trong luật hình sự Việt Nam, nhà làm luật chưa đưa ra khái niệm chính thức thế nào là “phạm tội nhiều lần”. Nhưng thông qua một số văn bản hướng dẫn từ phía các cơ quan tư pháp trung ương như: Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT/BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTP, ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - Tòa án nhân dân Tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII các “Tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999; Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999,... và từ thực tiễn xét xử, tình tiết “Phạm tội nhiều lần” nay là “Phạm tội 02 lần trở lên” có các đặc điểm sau:

(i) Phạm tội 02 lần trở lên là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau (ví dụ: Nhiều lần trộm cắp, nhiều lần hiếp dâm...); (ii) Nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập; (iii) Tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng BLHS (cùng là tội trộm cắp, hiếp dâm...), có thể cùng một khoản, cũng có thể phạm tội ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật; (iv) Các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, như: Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án... và cùng bị đưa ra xét xử một lần trong cùng một vụ án; (v) Nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu TNHS về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.

Phạm nhiều tội cũng chưa được nhà làm luật nuớc ta điều chỉnh bằng một quy phạm riêng biệt, mà chỉ đuợc đề cập đến trong tên gọi của Điều 55 BLHS năm 2015: “Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội ”, và trong một số Thông tư liên tịch của Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Nội vụ (ví dụ như Thông tư liên tịch số 01 ngày 07/01/1995, Thông tư liên tịch số 10 ngày 31/12/1996, Thông tư liên tịch số 01 ngày 02/01/1998). Về mặt khoa học hình sự, phạm nhiều tội được hiểu là: “Phạm từ hai tội trở lên hoặc khi hành vi của người phạm tội có các dấu hiệu của từ hai tội trở lên, mà những tội ấy được quy định tại các điều khác nhau (hoặc tại các khoản khác nhau của cùng một điều luật nếu đối tượng của tội phạm khác nhau) trong Phần riêng BLHS, đồng thời đối với những tội ấy còn thời hiệu truy cứu TNHS và người phạm tội chưa bị xét xử về tội nào trong số những tội ấy”. Xuất phát từ khái niệm khoa học và kết hợp với việc nghiên cứu thực tiễn xét xử, có thể nhận thấy ba đặc điểm cơ bản của phạm nhiều tội là: Người phạm tội phải thực hiện từ hai tội trở lên hoặc hành vi của người đó phải có đầy đủ các dấu hiệu của từ hai cấu thành tội phạm độc lập trở lên; Những tội phạm ấy được quy định tại các điều khác nhau hoặc tại các khoản khác nhau của cùng một điều (nếu đối tượng của tội phạm khác nhau) trong phần các tội phạm của BLHS; Đối với những tội phạm ấy vẫn còn thời hiệu truy cứu TNHS và người phạm tội chưa bị xét xử về tội nào trong số chúng.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp cũng chỉ được nêu ra trong BLHS năm 2015 tại Điều 3 quy định nguyên tắc xử lý, Điều 52 quy định các tình tiết tăng nặng chung và tại các điều như Điều 150, Điều 151, Điều 168... với tính chất là tình tiết định khung tăng nặng của các tội phạm cụ thể này. Về mặt khoa học hình sự, khái niệm phạm tội có tính chất chuyên nghiệp được hiểu là “phạm tội nhiều lần có tính chất liên tục và nhằm mục đích vụ lợi hay làm giàu bất chính mà hoạt động phạm tội đã trở thành hệ thống và tạo nên nguồn thu nhập cơ bản hoặc nguồn sống chủ yếu của nguời phạm tội”. Xuất phát từ khái niệm khoa học và kết hợp với việc nghiên cứu thực tiễn xét xử, có thể nhận ra bốn đặc điểm cơ bản sau đây của phạm tội có tính chất chuyên nghiệp: Đây là trường hợp đặc biệt của phạm tội nhiều lần nên nó chứa đựng tất cả các dấu hiệu của phạm tội nhiều lần (đã được phân tích trên đây); Các hành vi phạm tội phải có tính chất liên tục (tính chất này thường được biểu hiện bằng việc liên tiếp thực hiện loại tội phạm cùng nhóm trong khoảng thời gian nhất định) và nhằm mục đích vụ lợi hoặc làm giàu bất chính; Các hành vi phạm tội đã trở thành hoạt động phạm tội có hệ thống và tạo nên nguồn thu nhập cơ bản hoặc nguồn sống chủ yếu của người phạm tội; Do tính chất liên tục và có hệ thống của hoạt động phạm tội nên người phạm tội có thể bị đưa ra xét xử ở các lần khác nhau (và đây có thể được coi là dấu hiệu bổ sung riêng cho đặc điểm đầu tiên của dạng tội phạm rất nguy hiểm này).

Ba dạng đa tội phạm nói trên (phạm tội 02 lần trở lên, phạm nhiều tội, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp) đều có một đặc điểm chung là: Người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội (có thể khác nhau hoặc giống nhau) quy định trong BLHS năm 2015, trong đó mỗi lần phạm tội có đầy đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm cơ bản trong điều luật tương ứng và người phạm tội chưa bị truy cứu TNHS và tội ấy cũng chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Như vậy, thời hiệu truy cứu TNHS của các loại tội này đã được các nhà làm luật nước ta đề cập tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP, ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng môt số quy định của BLHS, khi quy định việc truy cứu TNHS đối với trường hợp phạm tội nhiều lần của người làm, tàng trữ, lưu hành và vận chuyển tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả: “Trong trường hợp thời hiệu truy cứu TNHS của một lần phạm tội nào đó đã hết thì không được truy cứu TNHS lần phạm tội này”. Từ nội dung này, có thể thấy kể cả trong trường hợp việc thực hiện hành vi phạm tội thuộc vào một trong ba dạng trên của chế định đa tội phạm, thì bản chất vấn đề thời hiệu vẫn được tính như các dạng tội phạm thuộc chế định đơn tội phạm, nhưng phức tạp hơn ở chỗ: Khi phạm tội lần thứ nhất thì thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày hành vi phạm tội lần thứ nhất được thực hiện; khi phạm tội lần thứ hai, có hai trường hợp xảy ra:

(i) Nếu vẫn trong thời hạn của thời hiệu truy cứu TNHS tội phạm thứ nhất thì thời hạn này được tính lại kể từ ngày tội phạm thứ hai được thực hiện;

(ii) Nếu nằm ngoài khoảng thời hạn của thời hiệu truy cứu TNHS tội phạm thứ nhất thì tội phạm thứ nhất này sẽ không được tính lại thời hạn đó nữa, lúc này tuỳ từng trạng thái khác nhau của tội phạm thứ nhất mà sẽ đưa đến những hậu quả pháp lí khác nhau: Một là, nếu các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền chưa tiến hành xong việc truy cứu TNHS người phạm tội ở tội thứ nhất mà đã hết thời hiệu truy cứu TNHS theo quy định của pháp luật thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS về tội này nữa, còn thời hiệu truy cứu TNHS đối với tội phạm thứ hai được tính bình thường như các trường hợp đơn tội phạm; hai là, thời hiệu thi hành bản án kết tội nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội lần thứ hai của mình trong khoảng thời gian mà thời hiệu thi hành bản án kết tội đối với tội thứ nhất đang tồn tại (quy định tại Điều 60 BLHS năm 2015) thì lúc này thời hiệu thi hành bản án kết tội đối với tội thứ nhất được tính lại kể từ ngày phạm tội thứ hai, còn thời hiệu truy cứu TNHS đối với tội thứ hai thì tính như trong các trường hợp đơn tội phạm.

Tái phạm, tái phạm nguy hiểm là dạng đa tội phạm duy nhất được các nhà làm luật điều chỉnh về mặt lập pháp, tại Điều 53 BLHS năm 2015 đã đưa ra khái niệm như sau: “1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý; 2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: a) đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; b) đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”. Từ khái niệm này, có thể phân biệt giữa dạng đa tội phạm này với ba dạng đa tội phạm còn lại đã phân tích ở trên như sau:

(i) Tái phạm, tái phạm nguy hiểm cùng có đặc điểm chung giống với phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp ở đặc điểm là người phạm tội đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội cấu thành nên nhiều tội (tức là hoặc cùng một tội nhưng được thực hiện nhiều lần khác nhau, hoặc nhiều tội khác nhau được thực hiện);

(ii) Tái phạm, tái phạm nguy hiểm có điểm khác biệt với phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần (phạm tội 02 lần trở lên) và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp ở đặc điểm: Điều kiện để xác định là có hay không hay không có trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm là ở chỗ người phạm tội đã bị kết án về một tội phạm mà họ đã thực hiện, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội mới; còn điều kiện để xác định có hay không có trường hợp phạm nhiều tội, phạm tội 02 lần trở lên, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là ở chỗ người phạm tội thực hiện nhiều tội phạm (tức là hoặc cùng một tội nhưng được thực hiện nhiều lần khác nhau, hoặc nhiều tội khác nhau được thực hiện) mà chưa hề có tội nào bị truy cứu TNHS bởi cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền của Nhà nước, đồng thời có ít nhất việc phạm hai tội khác nhau hoặc phạm cùng một tội nhưng ít nhất là hai lần chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015. Chính điểm khác biệt này đã dẫn đến sự khác biệt trong vấn đề thời hiệu truy cứu TNHS ở chỗ: Trong trường hợp là tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì thời hiệu truy cứu TNHS đối với tội cũ không phải xem xét nữa vì người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt trong bản án kết tội mà toà án đã tuyên đối với tội cũ, họ chỉ chưa được xoá án tích. Như vậy, việc cần thiết ở đây chỉ còn là xác định thời hiệu truy cứu TNHS đối với tội mới mà thực chất là xác định như trong các trường hợp đơn tội phạm như ở phần trên đã phân tích.

Kiến nghị hoàn thiện các quy định của BLHS năm 2015 về xác định thời điểm bắt đầu và chấm dứt thời hiệu truy cứu TNHS

Một là, như đã phân tích và với các quy định về thời hiệu truy cứu TNHS trong BLHS năm 2015, có thể thấy chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng. Bởi, theo quy định của BLHS thì một hành vi phạm tội được chia ra làm 3 giai đoạn là chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Trong đó, chuẩn bị phạm tội là trường hợp phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Nó mới là giai đoạn chuẩn bị các công cụ, phương tiện cho việc thực hiện một tội phạm theo dự định của kẻ phạm tội. Về hành vi khách quan thì chưa thực hiện hành vi phạm tội mà người phạm tội định phạm, chưa gây ra một hậu quả gì đối với tội mà người phạm tội định phạm; chính vì vậy mà tính chất nguy hiểm cho xã hội của chuẩn bị phạm tội được xem là thấp đối với một tội phạm cụ thể. Song theo quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015 thì việc quy định thời hiệu truy cứu TNHS không có sự phân biệt giữa tội phạm chấm dứt ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tội phạm chưa đạt hay tội phạm hoàn thành, chưa phân hóa TNHS, chưa tạo ra lẽ công bằng.

Hai là, về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đồng thời việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Do đó, việc quy định thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi cũng cần có cơ chế để bảo đảm chính sách hình sự đối với đối tượng này.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tác giả kiến nghị:

Cần sửa đổi quy định tại Điều 27 BLHS năm 2015 theo hướng quy định thời hạn truy cứu TNHS theo từng giai đoạn của tội phạm, cụ thể:

“Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm hoàn thành:

- 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

- 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

- 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

- 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

b) Đối với phạm tội chưa đạt bằng ba phần tư thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

c) Đối với chuẩn bị phạm tội bằng một phần hai thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

…”

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về thời hiệu truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Chương XII của BLHS năm 2015 theo hướng quy định thời hạn truy cứu TNHS ngắn hơn so với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.

Ngoài ra, thời gian tới Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về cách tính thời hiệu để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

VÕ MINH TUẤN

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực

Lê Minh Hoàng