VKSND tối cao vừa ban hành Quyết định số 242/QĐ-VKSTC ngày 26/7/2021 về việc ban hành Nội quy tiếp công dân của VKSND tối cao.
Theo Nội quy, việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nộp đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiến hành tại Trụ sở tiếp công dân của VKSND tối cao, số 09 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. VKSND tối cao tiếp công dân thường xuyên vào các ngày làm việc trong tuần (trừ các ngày Lễ, Tết hoặc tạm dừng tiếp công dân trong những trường hợp cụ thể khác), thời gian cụ thể như sau: Buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút; buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ.
Tiếp công dân đột xuất đối với những vụ việc phức tạp, cấp thiết do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định. Việc tiếp công dân được thực hiện theo lịch tiếp công dân của VKSND tối cao, trường hợp không thực hiện theo lịch tiếp công dân thì VKSND tối cao niêm yết văn bản thông báo lý do tại nơi tiếp công dân.
Nghiêm cấm các hành vi trong thời gian tiếp công dân, gồm: Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; nghiêm cấm công dân mang vũ khí, hung khí, chất gây cháy, nổ, chất độc hại, khẩu hiệu hoặc băng rôn và những vật cồng kềnh vào Trụ sở tiếp công dân; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân; vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.
Trách nhiệm và quyền hạn của người tiếp công dân:
- Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải mặc trang phục của Ngành theo quy định.
- Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.
- Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày. Có trách nhiệm giữ bí mật họ tên, danh tính, tuổi, địa chỉ,… nếu người đến tố cáo yêu cầu.
- Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; đối với đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND tối cao thì hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đơn đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.
- Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, tạm thời dừng việc tiếp công dân hoặc lập biên bản về việc vi phạm và đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nội quy còn quy định cụ thể về Quyền và nghĩa vụ của công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; những trường hợp từ chối tiếp công dân;...
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 251/QĐ-VKSTC-V12 ngày 17/5/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao.
HỒNG HẠNH