/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ cây đổ đè bẹp xe ô tô đỗ dưới đường phố Hà Nội: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?

Vụ cây đổ đè bẹp xe ô tô đỗ dưới đường phố Hà Nội: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?

12/10/2021 08:32 |

(LSVN) - Trong trường hợp có căn cứ cho thấy cây cối đã gây ra thiệt hại đến tài sản của người khác mà không có lỗi của người bị thiệt hại, không thuộc trường hợp bất khả kháng thì căn cứ vào quy định tại điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Thiệt hại sẽ được xác định là những giá trị bị mất, bị giảm sút trên thực tế đối với từng vụ việc.

Công an quận Hoàn Kiếm huy động lực lượng, phương tiện thu dọn hiện trường.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 7, ngày 11/10, Hà Nội tiếp tục có gió mạnh và mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước và nhiều cây xanh bị gió quật đổ. Nghiêm trọng nhất, khoảng 09 giờ 20 sáng 11/10, cây me cổ thụ trên phố Ngô Quyền (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), đoạn đối diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bất ngờ đổ, đè trúng một ô tô Toyota Camry đang dừng đỗ dưới lòng đường.

Cây me có đường kính khoảng 60 cm bị bật gốc, đổ xuống đè bẹp phần đuôi xe ô tô Camry, 2 lốp sau cũng bị nổ do sức ép của cây me cổ thụ. Theo chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Hoàn Kiếm, xe ô tô Camry dừng đỗ trong khu vực trông giữ và không có người bên trong nên vụ việc may mắn không gây thiệt hại về người.

Vậy, trong trường hợp này, dưới góc độ pháp lý, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, một nguyên tắc tối thượng nhất trong quan hệ dân sự là đề cao sự tự thỏa thuận giữa các đương sự. Khi có sự cố xảy ra làm hư hỏng, thiệt hại tài sản (lỗi vô ý) thì vấn đề được ưu tiên đầu tiên và được khuyến khích đó là sự tự thỏa thuận giữa các bên đương sự để giải quyết hậu quả của sự việc. Trong trường hợp các bên không thể tự thương lượng, thoả thuận để giải quyết với nhau thì có thể đưa sự việc ra pháp luật để được giải quyết theo quy định.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu tài sản có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Pháp luật cũng quy định việc sử dụng tài sản phải đảm bảo an toàn cho người khác. Nếu sử dụng tài sản mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người quản lý tài sản phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. 

"Trong sự việc nêu trên thì cây và xe ô tô đều được xác định là tài sản. Nếu xe ô tô đâm vào cây, khiến cây đổ, hư hại tài sản là cây cối thì người gây tai nạn đâm đổ cây có trách nhiệm phải bồi thường. Ngược lại, khi xe ô tô dừng đỗ đúng quy định mà cây đổ gây hư hại đến xe thì người quản lý cây phải bồi thường. Trong trường hợp xe ô tô để trong bãi trông giữ xe mà bị hư hỏng thì trước tiên chủ xe yêu cầu bên trông giữ phải bồi thường", Luật sư Cường phân tích.

Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này". Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, tài sản dù là xe ô tô hay là cây cối thì chủ sở hữu tài sản hoặc người chiếm hữu hợp pháp tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản đó gây ra thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.

Để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại cần phải chứng minh rằng mình đã bị thiệt hại do tài sản của người khác gây ra, việc thiệt hại đó không có lỗi của người bị hại và không thuộc trường hợp bất khả kháng. Nếu người bị hại có lỗi hoặc do bất khả kháng thì trách nhiệm bồi thường được loại trừ đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản.

Việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

"Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra".

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy cây cối đã gây ra thiệt hại đến tài sản của người khác mà không có lỗi của người bị thiệt hại, không thuộc trường hợp bất khả kháng thì căn cứ vào quy định tại điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Thiệt hại sẽ được xác định là những giá trị bị mất, bị giảm sút trên thực tế đối với từng vụ việc.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Theo Luật sư Cường, trong tình huống nêu trên, nếu việc đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe này.

Trường hợp chiếc xe ô tô đỗ ở đó có đơn vị trong giữ (có hợp đồng gửi giữ - có vé xe) thì đơn vị trong giữ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sau khi bồi thường thiệt hại cho chủ xe mà đơn vị trông giữ có căn cứ cho thấy đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại thì có thể yêu cầu đơn vị này bồi hoàn trở lại theo nguyên tắc về tài sản gây thiệt hại quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự nêu trên.

Việc gửi xe ôtô với góc độ pháp lý là hợp đồng gửi giữ, hợp đồng có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói, cụ thể Điều 554 Bộ luật Dân sự quy định như sau: "Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công".

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp thiệt hại gây ra là do trường hợp bất khả kháng thì sẽ loại trừ trách nhiệm của các bên, thiệt hại bên nào thì bên đó tự chịu.

Trong trường hợp, chủ xe ô tô có mua bảo hiểm thân vỏ đối với chiếc xe này thì việc bồi thường thiệt hại, sửa chữa chiếc xe còn căn cứ vào quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

Đối với tình huống này nếu cây đổ gây thiệt hại đến xe ô tô có liên quan đến đến bên trông giữ xe và liên quan đến bảo hiểm thân vỏ xe thì phải giải quyết đồng thời trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên để xác định trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định pháp luật. Nếu trường hợp được xác định là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại. Còn trường hợp không được xác định là bất khả kháng thì bên trông giữ xe phải bồi thường cho bên gửi xe, và bên trong giữ xe cũng có quyền yêu cầu bên quản lý cây xanh bồi hoàn lại số tiền thiệt hại. 

HỒNG HẠNH

Cho vay tiền với lãi suất cao hơn lãi suất theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Lê Minh Hoàng