/ Pháp luật - Đời sống
/ "Vụ cố ý gây thương tích" tại TP. Đà Lạt: Cần giám định lại khi nghi ngờ kết quả giám định lần đầu

"Vụ cố ý gây thương tích" tại TP. Đà Lạt: Cần giám định lại khi nghi ngờ kết quả giám định lần đầu

11/10/2023 16:35 |

(LSVN) - Giám định thương tích là xác định, đánh giá, phân tích các dấu hiệu tổn thương trên cơ thể để tìm hiểu nguyên nhân, tính chất và mức độ của thương tích. Kết quả giám định này có ý nghĩa hết sức quan trong trong tố tụng hình sự. Bởi, đây là cơ sở để cơ quan điều tra khởi tố hay không khởi tố vụ án, bị can. Tuy nhiên, việc giám định lại sẽ được xem xét thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác!

Xô xát do mua bán đất

Theo kết luận điều tra của Công an TP. Đà Lạt, khoảng 19h30' ngày 15/5/2022, trong lúc cùng nhóm bạn (gồm Đ.M.Q., L.T.Đ., T.Q.H.) ngồi nhậu, V.S.T. (39 tuổi, ngụ tại xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt) gọi điện hẹn gặp P.T.D. (34 tuổi) để giải quyết mâu thuẫn về việc mua bán đất. 15 phút sau nhóm của T. đến điểm hẹn nhưng không thấy D. nên kéo nhau đến nhà thanh niên này (xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt) ném đá và chửi bới rồi xảy ra xô xát với em trai D. Lúc đang xô xát thì D. về, lấy bình xịt hơi cay trên xe bỏ vào túi quần và nhặt một cây gỗ, dài khoảng 50cm ở ven đường. Khi tiến đến vị trí của T., Đ., Q. thì D. dùng bình xịt, xịt về nhóm T. Bị xịt, T. cùng Đ. chạy ra đường. D. ném cây gỗ theo nhưng không trúng thì bị Q. cần cục gạch đánh vào vùng vai trái phía trước.

Hiện trường nhà ông D., và đầu dốc nơi Q. bị đấm, chạy rồi té ngã.

Bị đánh, D. dùng tay phải đấm một cái trúng vào mắt trái Q. Q. bỏ chạy đến đầu dốc thì bị ngã úp mặt xuống đường. Lúc này sự việc dừng lại. D. rời khỏi hiện trường, còn Q. được H. đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã Xuân Trường.

Một nhát đấm gây đa thương tích?

Hơn 6 tháng sau, trên cơ sở trưng cầu giám định của Công an TP. Đà Lạt, ngày 21/11/2022 Phân viện tại TP. HCM của Viện Pháp y Quốc gia ra Bản kết luận giám định thương tích số 162/22/TgT. Theo đó, Q. tổn hại sức khoẻ 49%. Cụ thể, sẹo kích thước nhỏ vùng sống mũi (03%), sẹo kích thước nhỏ vùng khóe ngoài mắt trái (03%), gãy xương chính mũi (08%) và mù mắt trái (41%). Ngoài ra, Q. còn "nứt bàn ngoài mỏm trán xương hàm bên trái, nứt bàn ngoài xương trán phải và nứt bàn ngoài xương trán trái". Tuy nhiên, vì không đủ cơ sở xác định các chấn thương này hình thành vào đêm 15/5/2022 nên không tính tỷ lệ phần trăm cơ thể. Về cơ chế hình thành thương tích, theo kết luận giám định, là do "vật tày có cạnh tác động trực tiếp gây ra"!

Căn cứ bản giám định, ngày 07/4/2023 (tức gần 4 tháng rưỡi sau) Công an TP. Đà Lạt ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam P.T.D. 

Trong đơn khiếu nại của mình, ông Phạm Minh Dũng (cha của bị can D.) trình bày: Vào khoảng 20h30' ngày 15/5/2022 Q., Đ., T. cùng vài người nữa, ông không biết tên, kéo đến nhà ông. Nhóm người này la hét, đập cửa kêu D. ra để nói chuyện về việc nói bán đất nhưng khi họ đã gọi được khách mua lại không bán nữa. "Tôi và vợ tôi chạy ra thì họ ném gạch, đá vào nhà, lên mái rồi đòi đánh. Thấy vậy con trai út của tôi là B. gọi điện cho anh trai (lúc đó D. đang lái taxi chở khách) còn tôi gọi điện báo Công an xã Trạm Hành. Khoảng 30 phút sau D. về đến nhà và hỏi: Tụi mày làm gì ở đây, sao ném đá vào nhà tao?”. Lập tức cả nhóm xông vào và xảy ra xô xát. Sợ D. bị đánh hội đồng, vợ chồng tôi cùng con trai út chạy đến thì thấy một người đàn ông nằm ngay đầu dốc, trong tình trạng say xỉn, trên gò má chầy xước và được nhóm người kia đưa lên xe máy chở đi".

Và như thế, ông Dũng cho rằng, cơ quan điều tra kết luận sau khi bị D. đấm, Q. bỏ chạy rồi té úp mặt là chính xác. Tuy nhiên, một nhát đấm của con ông, từ dưới dốc lên, vào mắt trái Q. thì không thể gây ra hàng loạt thương tật (như sẹo vùng sống mũi, gẫy xương chính mũi, sẹo vùng khóe ngoài mắt trái, và đặc biệt, là mù mắt trái và cả nứt xương hàm trái, nứt xương 2 bên trán) được.

Có hay không người "đóng thế"?

Như đã nói, khi bị đe doạ, ném đá ông Dũng đã điện báo Công an. Và, sau đó Công an xã xuống hiện trường mời gia đình ông lên làm việc. "Tại đây cha con tôi  làm bản tường trình và nhóm người kia, trong đó có Q. cũng làm việc với Công an đến hơn 12 giờ đêm mới về". Ông Dũng cho hay rồi khẳng định: "Sức khoẻ của Q. khi ấy hoàn toàn bình thường! Theo ông Dũng, chắc chắn đã có những khuất tất trong vụ này. Bởi, thứ nhất, "nếu Q. gẫy sống mũi, toác khoé mắt dẫn đến đui mù,... thì không thể còn ngồi làm việc với Công an đến hơn 12 giờ đêm như vậy. Thứ hai, với 6 thương tích trầm trọng trên mặt (gồm cả 3 thương tích là nứt xương hàm bên trái, nứt xương trán 2 bên trái và phải mà cơ quan giám định đã loại bỏ) thì tại sao phải đến nửa năm trời sau anh ta mới đi giám định, trong khi theo luật, trường hợp này phải giám định bắt buộc? Thứ ba, tại sao khi đã có kết quả giám định tỷ lệ 49% nhưng cơ quan điều tra không khởi tố ngay mà phải đợi sau 4 tháng 14 ngày mới khởi tố, bắt tạm giam? Thứ tư, cơ chế hình thành các vết thương là do vật tày có cạnh gây ra, vậy lẽ nào nắm đấm của con ông có cạnh? Thứ năm, nạn nhân bị mù mắt, tổn hại gần 1/2 sức khoẻ là rất nghiêm trọng (nên Q. đòi bồi thường đến 400 triệu đồng) thế mà anh ta vẫn ăn nhậu, lái xe, sinh hoạt bình thường (chứng minh bằng nhiều hình ảnh Q. khoe trên Facebook)...".

"Nếu những thương tích này là thật thì có thể Q. đã bị trước hoặc sau vụ xô xát. Chứ không thể chỉ một nhát đấm mà gây hàng loạt tổn thương vùng mặt, tỷ lệ 49/%. Đáng lưu ý, sau khi tìm hiểu tôi không loại trừ có người thân của Q. đi giám định thay. Người giám định thay có ngoại hình rất giống nạn nhân và chính cha ruột thanh niên này cho biết: Con trai ông bị hư mắt, vỡ xương hàm, mặt... trong một vụ va chạm giao thông, phải điều trị tại các BV ở TP. HCM, hết 500 - 600 triệu, "đến giờ vẫn chưa xong". Tôi có băng ghi âm lời ổng nói", ông Dũng quả quyết!

Vì sao không giám định lại?

Nghi ngờ, ông Dũng đã có đơn đề nghị giám định lại. Bởi, theo khoản 1, điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: "Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác". "Thế nhưng, trả lời tôi, Công an TP. Đà Lạt cho rằng không có cơ sở nghi ngờ kết luận giám định. Vì "bị hại Đ.M.Q. đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng vào lúc 00h52'22 ngày 16/5/2022 với kết quả khám chuyên về mắt như sau: Mắt trái, bóng bàn tay, nhãn áp 28mmHg, sưng phù tím ml, xuất huyết kết mạc, tiền phòng ngập máu, đồng tử giãn 4ly, méo, phản xạ ánh sáng (-)", người cha bị can D. thất vọng.

Liên quan đến vụ việc này, một Luật sư cho rằng: Lý do từ chối giám định lại của Công an TP. Đà Lạt là không thuyết phục. Bởi, cứ cho rằng, sau khi làm việc với Công an xã Q mới đi bệnh viện khám thì với đa chấn thương khá trầm trọng, như gẫy xương sống mũi, nứt bàn ngoài mỏm trán xương hàm bên trái, nứt cả 2 bàn ngoài xương trán trái phải,... tại sao nạn nhân không khám tại khoa ngoại mà chỉ khám mỗi khoa mắt?

Mặt khác, pháp luật quy định cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại.

"Và, trường hợp này, rất cần phải giám định lại để đảm bảo khách quan, chính xác, tránh oan sai. Tương tự, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ vật tày có cạnh gây ra thương tích là vật gì, chứ nắm đấm thì làm sao có cạnh?", vị Luật sư nêu quan điểm!

MẠC HỒNG KỲ - HỮU QUẾ

Bùi Thị Thanh Loan