/ Thuật ngữ pháp lý
/ Xác định yêu cầu khởi kiện và thẩm quyền thụ lý trong vụ án dân sự, hành chính

Xác định yêu cầu khởi kiện và thẩm quyền thụ lý trong vụ án dân sự, hành chính

30/11/2024 12:43 |

(LSVN) - Xác định yêu cầu khởi kiện và thẩm quyền thụ lý là bước đầu tiên và quan trọng trong quy trình tố tụng dân sự và hành chính. Đối với người khởi kiện, xác định rõ yêu cầu sẽ giúp xây dựng nội dung khởi kiện chặt chẽ, từ đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Trong khi đó, xác định đúng thẩm quyền thụ lý giúp đảm bảo vụ án được giải quyết nhanh chóng, đúng quy định pháp luật.

Yêu cầu khởi kiện

Thứ nhất về khái niệm

Yêu cầu khởi kiện chính là phần thể hiện các nội dung mà người khởi kiện đề nghị Tòa án xem xét nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho họ trước sự xâm phạm của các quyết định hành chính, hành vi hành chính do người bị kiện ban hành, thực hiện.

Ví dụ: Cơ quan Tài nguyên và Môi trường có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường công cộng. Qua ví dụ trên ta thấy, yêu cầu khởi kiện ở đây là buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường.

Thứ hai, quyền khởi kiện

Quyền khởi kiện là một trong những quyền cơ bản của con người đã được quy định trong các văn kiện pháp lý. Bên cạnh đó vẫn có một số quy định  về chủ thể yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự. Căn cứ theo Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, theo Điều 69 BLTTDS 2015 chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, đối với những cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng mà có quyền lợi cần phải được bảo vệ thì họ không thể tự mình khởi kiện vụ án được mà phải do người đại diện thay mặt để thực hiện việc khởi kiện vụ án. Pháp luật cũng đòi hỏi cá nhân khi khởi kiện vụ án dân sự phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm (Điều 186 BLTTDS 2015). Như vậy có thể thấy chủ thể khởi kiện có thể khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình mà cũng có thể khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước. Theo đó, các cá nhân, tổ chức, cơ quan có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 186 BLTTDS năm 2015). Đối với vụ án hành chính chủ thể khởi kiện được quy định tại các khoản 1,2,3,4,5,6 điều 3 và khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015.

Thứ ba, mục đích của yêu cầu khởi kiện

Mục đích yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là muốn cơ quan tiến hành tố tụng xem xét nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho họ trước sự xâm phạm của các quyết định hành chính, hành vi hành chính do người bị kiện ban hành, thực hiện. Về quyền yêu cầu khởi kiện là tuyệt đối, tối thượng. Quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia các giao dịch dân sự được pháp luật bảo vệ, trong mọi trường hợp khi có đơn yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự Tòa án không được từ chối giải quyết vì lý do chưa có điều luật áp dụng (căn cứ tại khoản 2 điều 4 BLTTDS 2015)

Thứ tư, phạm vi yêu cầu khởi kiện

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của BLTTDS năm 2015 thì “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Theo quy định này thì trong vụ án dân sự nói chung, đương sự có quyền quyết định phạm vi yêu cầu để Tòa án xem xét, giải quyết. Đồng thời Tòa án chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện của đương sự.

Như vậy, phạm vi khởi kiện của đương sự được thể hiện trong đơn khởi kiện. Ví dụ: trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn trả lại phần đất diện tích 300m2. Trong quá trình giải quyết vụ án, sau khi xem xét thẩm định tại chỗ thì phần đất tranh chấp là 400m2. Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện nhưng Tòa án lại giải quyết buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn phần đất diện tích 400m2 là vượt quá phạm vi khởi kiện của nguyên đơn

Thẩm quyền thụ lý của vụ án

Trong dân sự

Xác định theo vụ việc:

Đầu tiên, xem xét loại vụ việc đang tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không, xem xét nội dung vụ việc này có tranh chấp hay không hay đơn giản chỉ là yêu cầu. Tiếp đến là xác định vụ này thuộc lĩnh vực gì, được quy định tại điều luật cụ thể nào trong Bộ luật và có thuộc trường hợp ngoại lệ được quy định trong pháp luật chuyên ngành hay không.

Việc xác định này có ý nghĩa rất lớn khi xác định các quy phạm pháp luật nội dung để áp dụng. Chẳng hạn nếu đó là tranh chấp về hôn nhân và gia đình sẽ áp dụng các quy định trong Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự,… Nếu là tranh chấp lao động sẽ áp dụng Bộ luật Lao động,…

Bên cạnh đó, còn có quy định về thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, căn cứ theo Điều 469 BLTTDS 2015 quy định:

1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây: 

a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;

c) Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam; 

e) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.Sau khi xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam theo quy định của Chương này, Tòa án áp dụng các quy định tại Chương III của Bộ luật này để xác định thẩm quyền của Tòa án cụ thể giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Xác định thẩm quyền theo cấp:

Khi vụ việc tranh chấp thuộc giải quyết của Tòa án thì cần xác định Tòa án cấp nào sẽ có thẩm quyền. Xét xử sơ thẩm tranh chấp dân sự nói chung, có 2 cấp Tòa án là cấp huyện và cấp tỉnh được quy định từ Điều 35 đến Điều 38 BLTTDS 2015.

Cần lưu ý, đối với một số tranh chấp, yêu cầu nhất định (khoản 1 và khoản 2 Điều 35 BLTTDS 2015) theo nguyên tắc bình thường sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa huyện. Tuy nhiên, nếu có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện mà sẽ thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh; trừ trường hợp: "TAND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam", tức là mặc dù đây là vụ việc có yếu tố nước ngoài nhưng vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa huyện.

Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ:

Khi đã xác định được cấp của Tòa án có thẩm quyền thì sẽ xác định Tòa án cụ thể nào có thẩm quyền gọi là thẩm quyền theo lãnh thổ cụ thể được quy định trong Điều 39 BLTTDS 2015. Có thể xác định như sau:

Trường hợp 1: Trong trường hợp đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp 2: Các đương sự có quyền tự thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú làm việc của nguyên đơn.

Trường hợp thứ 3: Trong trường hợp đối tượng tranh chấp không là bất động sản và nguyên đơn, bị đơn không có thỏa thuận hoặc nguyên đơn không có quyền chọn Tòa án thì trường hợp này Tòa án nơi bị đơn cư trú sẽ có quyền giải quyết.

Lưu ý, một số ngoại lệ của nguyên tắc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ bao gồm: Theo thỏa thuận bằng văn bản của các đương sự chọn Tòa án nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp khi xảy ra các trường hợp:

- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

- Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

- Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;

- Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;

- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;

- Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;

- Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;

- Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.

Ví dụ: A. có nộp đơn khởi kiện đến Tòa án huyện để giải quyết ly hôn và chia tài sản, Tòa án đã thụ lý, A. mới nhận được thông báo của Tòa án là Tòa án không có thẩm quyền để giải quyết vụ án này do có tài sản tranh chấp ở nước ngoài, nên Tòa án sẽ chuyển vụ án lên TAND cấp tỉnh để giải quyết. Qua ví dụ trên nếu không thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa án huyện thì xử lý thế nào?

Căn cứ theo Điều 41 BLTTDS 2015 thì khi vụ án đã thụ lý mà không thuộc thẩm quyền thì Tòa án đã thụ lý phải chuyển hố sơ đến Tòa án có thẩm quyền xóa tên vụ án trong sổ thụ lý. Quyết định này phải gửi ngay cho các đương sự .

Trong hành chính

Thẩm quyền theo loại việc:

Thẩm quyền theo loại việc bị khiếu kiện giúp xác định vụ việc xảy ra có thuộc thẩm quyền giải quyền của Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính hay không. Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về đối tượng xét xử vụ án hành chính gồm: khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây: “Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức; Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống; Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Khiếu kiện danh sách cử tri” .

Thẩm quyền xét xử hành chính theo cấp và lãnh thổ:

Tòa hành chính ở nước ta được thành lập trong hệ thống TAND cấp tỉnh và TAND cấp cao, Tòa án cấp huyện không tổ chức Tòa hành chính mà có các thẩm phán chuyên trách thực hiện việc xét xử án hành chính. Tòa hành chính ở nước ta tổ chức theo đơn vị hành chính – lãnh thổ và trùng với cơ quan hành chính về lãnh thổ và về cấp. Thẩm quyền này được quy định cụ thể tại Điều 31, 32 Luật Tố tụng hành chính 2015, theo đó TAND cấp huyện được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các loại khiếu kiện sau đây:

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện;

2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;

3. Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì không thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Thẩm quyền của TAND cấp tỉnh quy định tại Điều 32 Luật Tố tụng hành chính, theo đó TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những:

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án;

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án và của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước đó;

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện…

Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì không thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh. Việc quy định như vậy sẽ bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, độc lập và khách quan trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính, tuy nhiên cần nghiên cứu theo hướng quy định việc giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại khởi kiện cũng như để phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp về mở rộng thẩm quyền cho cơ quan tư pháp cấp huyện.

Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính:

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;

- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là TAND TP. Hà Nội hoặc TAND TP. Hồ Chí Minh:

- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;

- Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;

- Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2015.

Kết luận

Việc xác định yêu cầu khởi kiện và thẩm quyền thụ lý của vụ án dân sự và hành chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên được bảo vệ kịp thời, đúng quy định pháp luật và tránh tình trạng quá tải tại các Tòa án. Người khởi kiện cần nắm rõ các quy định pháp luật để xác định yêu cầu khởi kiện chính xác và Tòa án có thẩm quyền, góp phần vào quá trình tố tụng dân sự và hành chính diễn ra công bằng và minh bạch.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Các tin khác