Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá và tâm lý ‘trọng chứng hơn trọng cung’

12/04/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới tại khoản 7 Mục IV quy định: “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”.

 

Ảnh minh họa.

Đảm bảo và thực hiện thành công chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá cần thực hiện đồng bộ nhiều công việc từ hoàn thiện pháp luật; hoàn thiện mô hình hoạt động của Tòa án; đảm bảo hoạt động xét xử độc lập Tòa án; đảm bảo vai trò trung tâm của Tòa án trong chuỗi hoạt động tố tụng, Tư pháp; bảo đảm các điều kiện để hoạt động tranh tụng được phát huy; đề cao vai trò, vị trí của Luật sư; nâng cao chất lượng, đạo đức của nhân lực ngành Tư pháp,…

Để hoạt động tranh tụng đi vào thực chất, tạo sự đột phá có lẽ chúng ta cũng cần phải thay đổi một số thói quen như tâm lý “trọng chứng hơn trọng cung”. Theo quy định của pháp luật lời khai, lời trình bày của bị can, bị cáo tại giai đoạn điều tra, truy tố (được ghi vào Biên bản hỏi cung, Biên bản lấy lời khai…) hay lời trình bày tại phiên tòa (được ghi vào Biên bản phiên tòa…) đều là chứng cứ và có giá trị chứng minh. Nhưng thực tế, khi giải quyết các chủ thể trong đó có cả Luật sư thường coi trọng và đánh giá cao hơn giá trị của các tài liệu đọc được như Biên bản ghi lời khai, Biên bản hỏi cung... Lời khai, lời trình bày trực tiếp của bị cáo, nhân chứng, đương sự tại phiên tòa đôi khi bị đánh giá thấp hơn. Trong khi đó, bản chất tất cả các tài liệu này đều xuất phát từ chính lời trình bày của bị can, bị cáo, nhân chứng, đương sự trong vụ án. Thậm chí theo logic chung việc một người trực tiếp bày sự việc, trực tiếp nêu quan điểm, ý kiến của chính của họ tại phiên tòa sẽ chính xác, trung thực đúng với ý chí của họ hơn so với việc ý kiến, quan điểm, lời trình bày của họ được thể hiện gián tiếp qua trung gian, được người khác ghi nhận lại vào văn bản. Tại phiên tòa, cùng việc trực tiếp lắng nghe lời trình bày bằng lời, Hội đồng xét xử còn được quan sát, đánh giá tính chính xác trong thông tin được cung cấp qua các biểu cảm của người trình bày như nét mặt, cử chỉ, thái độ, ngữ điệu, chất giọng... từ đó đánh giá tính trung thực trong dữ liệu thông tin. 

Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định: “Xây dựng chế định tố tụng Tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”. Lấy xét xử là trung tâm tức phải coi trọng hoạt động tố tụng tại Tòa; tất cả các hoạt động từ giai đoạn xác minh, điều tra, truy tố,  tất cả các hoạt động tố tụng từ việc xác minh trước khởi tố, hoạt động lấy lời khai, thực nghiệm, giám định, đối chất… đều nhằm mục đích phục vụ hoạt động xét xử tại phiên tòa. Tất cả các hoạt động tố tụng khác cần xoay quanh và phục vụ cho hoạt động xét xử. Đồng thời, quá trình xét xử tại phiên tòa cũng phải xác minh, kiểm tra, đánh giá lại tính chính xác, trung thực cùng giá trị pháp lý, giá trị chứng minh của các tài liệu có trong hồ sơ, các hoạt động tố tụng đã thực hiện trước đó.

Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định: “Tranh tụng là đột phá” bao hàm ý nghĩa đề cao hoạt động tranh tụng trong hoạt động xét xử và coi đây là hoạt động trọng yếu có tính chất bứt phá để bảo đảm và nâng cao chất lượng xét xử. Tranh tụng là hoạt động tố tụng quan trọng trong giai đoạn xét xử; hoạt động xét xử luôn phải đảm bảo hoạt động tranh tụng; Bản án, quyết định của Hội đồng xét xử được ban hành phải dựa trên diễn biến, nội dung, kết quả hoạt động tranh tụng giữa các bên bao gồm nhưng không chỉ giới hạn tại phiên tòa. Để hoạt động xét xử thực sự trở thành trung tâm của tố tụng Tư pháp cần có sự đột phá cả về hình thức, chất lượng, quy trình của hoạt động tranh tụng giữa các bên.

Đột phá cụm từ có thể được hiểu với nghĩa là danh từ, động từ và cả tính từ. Là danh từ, các đột phá có nghĩa là các khâu, lĩnh vực, nội dung, vấn đề rất quan trọng, cần tác động mạnh. Là động từ, đột phá có nghĩa là “chọc thủng”, “phá vỡ”, vượt qua những giá trị hiện hữu, thông thường hiện tại, để tạo ra những biến chuyển mới, mạnh mẽ, có ý nghĩa quan trọng. Là tính từ, đột phá có nghĩa là thay đổi trạng thái hiện tại, tạo ra những thay đổi vượt trội, bứt phá, những thành tựu có tính chất nhảy vọt. Dù hiểu theo cách nào, đột phá mang ý nghĩa của tác động mạnh, tác động vào khâu có ý nghĩa then chốt, quyết định, quan trọng và tạo ra thành công có tính nhảy vọt. Nghị quyết số 27 NQ/TW viết “tranh tụng là đột phá” là đề cao và đặt ra nhiệm vụ về việc phải nâng cao chất lượng, phải cải cách đảm bảo thực chất của hoạt động tranh tụng; và đặc biệt đây là khâu phải chuyển biến có tính chất bước ngoặt…

Thời gian vừa qua có vụ việc 04 tiếp viên hàng không bị Cơ quan chức năng bắt giữ khi vận chuyển số lượng lớn chất ma túy và bị bắt quả tang. Sau thời gian điều tra xác minh 04 tiếp viên được thả tự do và kết luận chưa đủ căn cứ khởi tố. Dư luận xôn xao vì sao việc bắt quả tang người vận chuyển ma túy, thu giữ được số tang vật lớn nhưng Cơ quan chức năng không khởi tố, xử lý mà thả tự do và cho rằng chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Trong trường hợp của 04 nữ tiếp viên nêu trên, ta có thể coi việc thu giữ số lượng ma túy và hành vi vận chuyển của các tiếp viên chính là “chứng”. Lời trình bày, lời khai và có thể có cả lời kêu oan của họ về việc họ chỉ mang, vận chuyển thuê hàng hóa thông thường và hoàn toàn không biết đó là ma túy là “cung”. Đánh giá về hành vi của họ, một số quan điểm thiên về “chứng” tức việc thu giữ được ma túy, bắt quả tang hành vi vận chuyển ma túy. Một số quan điểm thiên về “cung” tức lời trình bày của họ và chính cả những cung khác là những tin nhắn thể hiện số tiền công họ nhận được… 

Bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra trên cơ sở xem xét một cách khách quan, toàn diện, triệt để và đầy đủ tất cả mọi khía cạnh của vụ án. Nhưng để xây dựng chế định tố tụng Tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá có lẽ chúng ta cũng cần xem xét lại tâm lý “trọng chứng hơn trọng cung”.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Luật sư góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật