Thông qua việc xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Tòa án Việt Nam bảo vệ một cách thỏa đáng.
Trong khuôn khổ Dự án “Cải thiện môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN” do Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ thông qua Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (TANN).
Xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư
Việc ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN. Thực tiễn cho thấy số lượng yêu cầu loại này có xu hướng tăng lên trong một số năm vừa qua. Cùng với đó, trong quá trình tổng kết thực tiễn, có nhiều Tòa án đã đề xuất TANDTC cần hướng dẫn về một số vấn đề chủ yếu sau đây để đạt được nhận thức chung trong việc áp dụng trên thực tế:
- Phạm vi các loại bản án, quyết định của TANN được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
- Phạm vi các loại bản án, quyết định của TANN không được xem xét công nhận tại Việt Nam;
- Các loại bản án, quyết định của TANN đương nhiên được công nhận tại Việt Nam;
- Chủ thể nào được xác định là “Người được thi hành bản án, quyết định của TANN”;
- Thời hiệu yêu cầu công nhận bản án, quyết định của TANN;
- Các trường hợp đương sự được quyền nộp lại đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN;
- Các trường hợp đương sự được quyền khởi kiện lại vụ việc dân sự tại Tòa án Việt Nam (TAVN);
- Yêu cầu dịch ra tiếng Việt, công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu phục vụ việc yêu cầu công nhận bản án, quyết định của TANN;
- Nghĩa vụ chứng minh của các bên đương sự khi yêu cầu công nhận hoặc phản đối việc công nhận bản án, quyết định của TANN;
- Cách hiểu và áp dụng các nguyên tắc có đi có lại và Tòa án không được xét xử lại vụ án dân sự mà TANN đã ra bản án, quyết định. Cách hiểu và áp dụng một số căn cứ để không công nhận bản án, quyết định của TANN quy định tại khoản 3, 4 và 8 Điều 439 của BLTTDS.
Các vấn đề nêu trên hết sức quan trọng, cần phải có hướng dẫn áp dụng thống nhất trong quá trìnhgiải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN.
Việc ban hành Nghị quyết nhằm triển khai trên thực tế các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Tính đến nay, Việt Nam là thành viên của 17 điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp có quy định về việc các nước thành viên công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nhau. Thời gian vừa qua, TAVN đã giải quyết một số yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của các nước thành viên nêu trên. Song song với đó, TAVN cũng đã xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án các nước khác. Như vậy, từ tình hình nêu trên có thể nói rằng đây là kết quả tất yếu của quá trình Việt Nam gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực cũng như thế giới trong nhiều năm vừa qua.
Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam đã ký 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới hết sức quan trọng như: CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu). Cho đến nay, 12/13 FTA nêu trên đã có hiệu lực với Việt Nam.
Việc ký kết, thực hiện các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Trong bối cảnh gia tăng xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại, việc Việt Nam ký kết và thực thi các FTA đã khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về tiếp tục đổi mới kinh tế, hội nhập quốc tế và ủng hộ tự do hóa thương mại theo hướng mở, minh bạch và dựa trên luật lệ.
Hệ quả đương nhiên của việc Việt Nam tham gia sâu rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế là sự gia tăng nhanh chóng, đáng kể về số lượng người nước ngoài vào Việt Nam cũng như người Việt Nam ra nước ngoài để làm việc, học tập, sinh sống, xác lập quan hệ hôn nhân, gia đình. Song song với đó, các hoạt động hợp tác, đầu tư, kinh doanh thương mại quốc tế giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đánh giá chung, các quan hệ của cá nhân, doanh nghiệp nêu trên đều được xác lập, phát triển thuận lợi, làm nền tảng cho Việt Nam và các nước đối tác thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và có hiệu quả. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, mâu thuẫn, tranh chấp đã phát sinh từ việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật giữa các bên.
Vì vậy, việc một hoặc các bên đương sự nộp đơn khởi kiện yêu cầu TANN hoặc TAVN giải quyết tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Từ đó, việc yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN hoặc của TAVN là biện pháp tiếp theo mà đương sự thực hiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trên thực tế.
Trong bối cảnh đó, việc TAVN xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN là sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam về chủ trương tiếp tục đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế. Thông qua việc xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của TANN, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài sẽ được TAVN bảo vệ một cách thỏa đáng, đúng pháp luật. Từ đó, kết quả đạt được sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định, vững chắc. Đồng thời, là cơ sở để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước thêm tin tưởng về sự thượng tôn pháp luật, vô tư, khách quan, không phân biệt đối xử của TAVN.
Trên tinh thần đó, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết này đã được TANDTC xác định là một trong các kết quả cần đạt được của Dự án “Cải thiện môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN”.
NAM PHƯƠNG/CÔNG LÝ