/ Tin nổi bật
/ Xóa bỏ áp lực khi học trực tuyến kéo dài

Xóa bỏ áp lực khi học trực tuyến kéo dài

09/11/2021 11:27 |

(LSVN) - Đại biểu đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tổ chức các chương trình đối thoại, trao đổi giữa cấp quản lý giáo viên, phụ huynh và học sinh để chia sẻ và xóa bỏ áp lực tâm lý của các bên khi học trực tuyến kéo dài. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy và tổ chức dạy trực tuyến phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng.

Ảnh minh họa.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 08-09/11, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

Phát biểu tại phiên họp, theo đánh giá của Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh), thời gian qua cả hệ thống chính trị, toàn ngành giáo dục và bản thân các thầy, cô giáo đã có nhiều cố gắng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai dạy và học trực tuyến. Qua đó, thể hiện sự thích nghi nhanh chóng ngành giáo dục với tiến bộ khoa học công nghệ, biến nguy thành cơ, bảo đảm mục tiêu kép.

Theo Đại biểu, học online không thể thay thế được việc học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu tối ưu để bảo đảm cung cấp kiến thức, sự an toàn cho người học trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Với người học, đặc biệt là học sinh phổ thông, học tập trực tiếp vẫn là hình thức mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, Đại biểu cũng cho rằng, chất lượng việc dạy và học chưa được bảo đảm do nhiều yếu tố khách quan như: Chất lượng đường truyền không ổn định; một bộ phận thầy cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Chất lượng dạy học trực tuyến bị ảnh hưởng còn một phần bởi thiết bị sử dụng dạy học hạn chế cả về số lượng, chất lượng; việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả.

Vấn đề nữa là việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy, người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài. Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô, bạn bè, trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến.

Bên cạnh đó giáo viên cũng dễ nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy không chỉ có học sinh mà có cả phụ huynh, thậm chí dư luận và cả mạng xã hội cùng "nhìn"...

Từ những khó khăn trên, Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất Chính phủ giao cho các bộ, ngành hữu quan có kế hoạch nâng cấp đường truyền để bảo đảm chất lượng.

Đồng thời, mở rộng đối tượng được tiếp cận với Chương trình Sóng và máy tính cho em; nghiên cứu các hình thức thu hút doanh nghiệp tham gia vào Chương trình để sớm đạt được mục tiêu “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau".

Đại biểu đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tổ chức các chương trình đối thoại, trao đổi giữa cấp quản lý giáo viên, phụ huynh và học sinh để chia sẻ và xóa bỏ áp lực tâm lý của các bên khi học trực tuyến kéo dài. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy và tổ chức dạy trực tuyến phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng. 

THU HƯƠNG

Bộ trưởng Y tế: Tiêm vaccine mũi thứ 3 vào cuối năm nay

Lê Minh Hoàng