/ Pháp luật - Đời sống
/ Xử lý ra sao khi nghi phạm có dấu hiệu tâm thần?

Xử lý ra sao khi nghi phạm có dấu hiệu tâm thần?

31/08/2023 16:38 |

(LSVN) - Theo Luật sư, pháp luật chỉ quy định trường hợp mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự. Còn đối với trường hợp chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng khi lượng hình thì có thể được giảm nhẹ một phần do bệnh lý tác động, ảnh hưởng tới hành vi phạm tội.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cướp trắng trợn, gây hoang mang và bất bình trong dư luận. Đáng chú ý, khi đối tượng bị bắt, có những đối tượng được cơ quan chức năng nhận định là có biểu hiện tâm thần qua các dấu hiệu bên ngoài. Theo đó, cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ các đối tượng để thực hiện các quy trình nghiệp vụ.

Vậy, theo quy định pháp luật các nghi phạm này sẽ bị xử lý ra sao. Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đối với các đối tượng có biểu hiện tâm thần qua các dấu hiệu bên ngoài, phía cơ quan chức năng sẽ đưa các đối tượng này đi trưng cầu giám định tâm thần để xem xét trách nhiệm hình sự của đối tượng. 

Ngoài trưng cầu giám định tâm thần cơ quan chức năng cũng sẽ khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, tang vật, thu thập lời khai của những người liên quan, thu thập dữ liệu camera, thu thập thông tin về tiền sử bệnh lý từ gia đình đối tượng, xác định rõ nhân thân đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.

Theo quy định pháp luật tại Điều 21, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, thì cơ quan chức năng sẽ đưa đối tượng đi trưng cầu giám định, bởi đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại tại khoản 1, Điều 206, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Viện Kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết quả này đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.

Và cũng không phải trong mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần đều không phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo tinh thần của Điều 21, Bộ luật Hình sự 2015, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh. Đồng thời, tình trạng bệnh ở mức làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.

Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì có thể vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 49, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để ra quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi người đó khỏi bệnh thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Do đó, pháp luật chỉ quy định trường hợp mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự. Còn đối với trường hợp chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng khi lượng hình thì có thể được giảm nhẹ một phần do bệnh lý tác động, ảnh hưởng tới hành vi phạm tội.

Hiện nay trên thực tế ranh giới để xác định mắc bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội hay sau khi thực hiện hành vi phạm tội đôi khi rất mong manh, yêu cầu cơ quan điều tra phải thực hiện các nghiệp vụ điều tra một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

NGUYÊN TRẦN

Quảng cáo đánh bạc, cá độ trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Nguyễn Hoàng Lâm