Ảnh minh họa.
Bên thứ ba có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của Luật sư. Bên thứ ba cũng có thể là cá nhân, tổ chức khác có mối quan hệ về quyền, nghĩa vụ có thể ảnh hưởng tới nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng.
Trường hợp giữa khách hàng của Luật sư và bên thứ ba có quyền lợi đối lập Bộ Quy tắc quy định Luật sư cần từ chối tiếp nhận vụ, thực hiện vụ việc.
Ví dụ: Luật sư A cùng một người bạn thân thành lập công ty đấu giá, người bạn đảm nhiệm vị trí Giám đốc Công ty đấu giá. Sau một thời gian hoạt động, khách hàng C đến gặp Luật sư A đề nghị bảo vệ quyền lợi cho mình trong vụ kiện của khách hàng khởi kiện Công ty đấu giá do khách hàng C không biết Luật sư A có tham gia thành lập và hoạt động trong công ty đấu giá. Đây là do ảnh hưởng từ quyền lợi của Luật sư, nghĩa vụ của Luật sư đối với bên thứ ba là công ty đấu giá dẫn đến tình huống Luật sư không thể thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất cho lợi ích hợp pháp của khách hàng C. Vì vậy, trường hợp này Luật sư A phải từ chối tiếp nhận vụ việc.
Hay ví vụ Luật sư A là anh ruột của Luật sư B. Hai anh em làm ở hai tổ chức hành nghề khác nhau thuộc cùng một Đoàn Luật sư. Luật sư B đang cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng C là bị đơn trong một vụ kiện tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong lúc đó khách hàng D là nguyên đơn trong vụ kiện với C đến nhờ Luật sư A cung cấp dịch vụ pháp lý cho nguyên đơn. Nhận thấy Luật sư B (em ruột là bên thứ ba) đang cung cấp dịch vụ pháp lý cho bị đơn, do đó Luật sư A phải từ chối khách hàng D. Nếu không từ chối thì Luật sư A hạn chế việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của khách hàng D.
Trên thực tế có rất nhiều “xung đột về lợi ích” có thể xảy ra giữa các bên trong cùng một vụ việc hoặc trong các vụ việc có liên quan. Việc “xung đột về lợi ích” giữa Luật sư với khách hàng và bên thứ ba là khá đa dạng. Vì vậy, nhận diện có hay không có “xung đột về lợi ích” là một việc tương đối khó, Luật sư phải tỉnh táo để nhận diện.
Có những vụ việc phát sinh “xung đột về lợi ích” trong tương lai nên việc xác định lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy, ngay từ ban đầu Luật sư cần kiểm tra cẩn thận liệu có “xung đột về lợi ích” hay không để quyết định việc tiếp nhận hay không tiếp nhận vụ việc của khách hàng. Nếu đã nhận vụ việc thì trong quá trình thực hiện, Luật sư cần chủ động tránh để xảy ra “xung đột về lợi ích”. Nếu phát hiện “xung đột về lợi ích” xảy ra ngoài ý muốn thì Luật sư cần chủ động thông báo với khách hàng để giải quyết.
Luật sư HOÀNG THANH BÌNH
Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc
Phó Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Luật sư cần giữ hòa khí khi giải quyết tranh chấp với đồng nghiệp