Ảnh minh họa.
Mặt khác trong tất cả các quan hệ xã hội nói chung chúng ta đều không chấp nhận tình trạng “bắt cá hai tay”, đặc biệt với quan hệ Luật sư và khách hàng, do đó Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã quy định nguyên tắc xung đột về lợi ích trong đó có các trường hợp này. Bài viết nhằm tìm hiểu và làm rõ một số trường hợp xung đột về lợi ích giữa Luật sư và khách hàng hiện tại theo Bộ Quy tắc.
Trường hợp thứ nhất, vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại. Luật sư không được nhận thực hiện vụ việc cho các khách hàng có quyền lợi đối lập nhau. Do Luật sư đang tồn tại Hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng hiện tại và có trách nhiệm tôn trọng thực hiện hợp đồng. Do vậy, Luật sư không thể hủy bỏ hợp đồng với khách hàng hiện tại để ký kết, thực hiện hợp đồng với khách hàng mới và càng không được tiến hành vụ việc của cả hai khách hàng.
Ví dụ 1: Luật sư A ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng doanh nghiệp B trong vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại với doanh nghiệp C. Trong quá trình thực hiện dịch vụ pháp lý với doanh nghiệp B thì doanh nghiệp D đến nhờ Luật sư A tư vấn và khởi kiện doanh nghiệp B về một vụ việc tranh chấp giữa doanh nghiệp B và doanh nghiệp D. Trường hợp này, giữa khách hàng hiện tại (doanh nghiệp B) và khách hàng mới (doanh nghiệp D) có quyền lợi đối lập nhau. Vì vậy, Luật sư không thể nhận và thực hiện vụ việc cho doanh nghiệp D được.
Ví dụ 2: Luật sư A ký hợp đồng dịch vụ pháp lý cho khách hàng C về bảo vệ cho C trong vụ án tranh chấp đất đai tại tỉnh Lào Cai - đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử (C đã hoãn phiên tòa 1 lần). Trong quá trình thực hiện cho khách hàng hiện tại thì Luật sư A được khách hàng B yêu cầu bảo vệ cho B trong vụ tranh chấp kinh doanh thương mại tại tỉnh Phú Yên. Phiên tòa xét xử trùng thời gian với phiên tòa ở tỉnh Lào Cai (cũng đã hoãn phiên tòa 1 lần). Nhận thấy hai vụ việc này ở cách xa nhau, thời gian mở phiên tòa cùng thời điểm. Vì vậy, Luật sư A không có đủ điều kiện để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của khách hàng hiện tại (C). Trường hợp này do ảnh hưởng nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng hiện tại dẫn đến Luật sư không thể bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng mới, nên Luật sư phải từ chối nhận, thực hiện vụ việc với khách hàng mới (B).
Trường hợp vụ việc của khách hàng mới là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc Luật sư đang thực hiện, Luật sư cũng không được nhận và thực hiện vụ việc cho khách hàng mới. Đây là vụ việc khác của khách hàng mới, nhưng khách hàng mới là người đang có quyền lợi đối lập với khách hàng hiện tại trong vụ việc Luật sư đang thực hiện cho khách hàng hiện tại. Trường hợp này xảy ra “Xung đột về lợi ích”. Vì vậy, Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc này của khách hàng mới.
Ví dụ: A và B điều khiển xe ô tô đi ngược chiều. A lái xe lấn làn đường và đâm vào ô tô của B. Sau khi gây ra tai nạn, A đã nhờ Luật sư làm đại diện để đàm phán với B về bồi thường và sửa chữa chiếc xe ô tô của B. Qua đàm phán, thương lượng, cả hai bên chưa thống nhất thì B nhờ Luật sư tư vấn và làm đại diện cho B để giải quyết về bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới mà B đã mua bảo hiểm cho xe ô tô của mình. Yêu cầu này của B là một vụ việc khác. Nếu Luật sư nhận yêu cầu này thì Luật sư không thể thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng hiện tại là A. Vì vậy, Luật sư cần từ chối tiếp nhận vụ việc của B.
Luật sư HOÀNG THANH BÌNH
Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc
Phó Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Luật sư cần giữ hòa khí khi giải quyết tranh chấp với đồng nghiệp