06 luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng, chống ma túy.
Ảnh minh họa.
1. Luật Bảo vệ môi trường 2020
Luật này được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, gồm 16 chương, 171 điều với các điểm mới quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, cắt giảm thủ tục hành chính; định chế nội dung sức khỏe môi trường, bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, phân cấp triệt để cho địa phương; chế định cụ thể về kiểm toán môi trường lần đầu được quy định; cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Hiện nay, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, tức là kể từ ngày 01/01/2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 3 điều, trong đó luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Một số điểm mới đáng chú ý như: Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) cho một số cơ quan và chức danh như Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp…; Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa đối với một số lĩnh vực như: giao thông đường bộ, lĩnh vực báo chí,...; Bổ sung quy định giảm, miễn tiền phạt cho đối tượng là tổ chức (hiện hành chỉ quy định cho cá nhân);...
Cụ thể, luật sửa đổi quy định nâng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản, báo chí. Điển hình, mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng thay vì 40 triệu như hiện hành. Mức phạt trong lĩnh vực báo chí cũng tăng từ tối đa 100 triệu lên 250 triệu.
Nguyên tắc xử phạt hành chính cũng được sửa đổi theo hướng một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
3. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020.
Luật gồm 8 chương và 74 điều. So với Luật hiện hành, Luật có 31 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.
Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài, điển hình là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Đáng chú ý, Luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động, trong khi luật hiện hành vẫn cho phép doanh nghiệp thu tiền môi giới của người lao động.
Luật này cũng quy định khi người lao động về nước phải thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
4. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30/3/2021.
Luật Phòng, chống ma túy gồm 8 chương 55 điều, quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
So với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có một số điểm mới chủ yếu như sau: Các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất (tại chương 3) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại chương 4).
Luật Phòng chống ma túy cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp; đồng thời cho phép cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của luật được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm góp phần hỗ trợ, khắc phục hạn chế của công tác này thời gian qua.
Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy và bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy.
5. Luật Biên phòng Việt Nam
Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 11/11/2020 quy định về chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.
Luật gồm 6 chương, 36 điều. Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Cụ thể, Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.
Luật Biên phòng Việt Nam cũng đã đưa ra khái niệm của hai thuật ngữ quan trọng là “Nền biên phòng toàn dân” và “Thế trận biên phòng toàn dân.”
Luật bổ sung chính sách được ưu tiên giao đất ở khi có nhu cầu đối với bộ đội biên phòng khi đáp ứng đủ điều kiện là có thời gian từ 5 năm trở lên và có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo.
Ngoài ra, Luật bổ sung các trường hợp hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền như: Xung đột vũ trang; xảy ra khủng bố; bắt cóc con tin; khi có đề nghị hoặc thông báo của Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước có chung đường biên giới về việc hạn chế hoặc tạm dừng qua lại biên giới…
6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/202. Luật gồm 2 điều và 1 Phụ lục kèm theo.
So với Luật Thống kê năm 2015, Luật sửa đổi lần này đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17, điểm d, khoản 2 Điều 48 và thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13.
Trong đó cũng quy định rõ định kỳ 05 năm, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư phối hợp với bộ, ngành và địa phương rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.
NGỌC CHÂU