100% cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số đến năm 2030.
Đây là mục tiêu được nêu tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu chung là tổ chức, sắp xếp hợp lý mạng lưới các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở; đa dạng hóa phương thức cung cấp nội dung và hoạt động kinh doanh sản xuất; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu thông tin của người dân, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng, theo kịp khả năng và trình độ phát triển thông tin của các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
- Đối với báo chí: 100% cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số, đổi mới toàn diện hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tiếp tục đầu tư, phát triển 6 cơ quan báo chí chủ lực thành tập đoàn báo chí đa phương tiện lớn mạnh, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin của độc giả, dẫn dắt toàn ngành về lĩnh vực báo chí.
- Đối với phát thanh, truyền hình (PTTH): Phấn đấu đến năm 2030 số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt 26 triệu; doanh thu quảng cáo của các đài PTTH đạt 13.000 tỉ đồng; doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đạt 26.500 tỉ đồng. Tối thiểu 90% các đài PTTH chuyển đổi số, hoạt động theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
- Đối với thông tin điện tử: Thúc đẩy phát triển mạng xã hội (MXH) Việt Nam trở thành nền tảng số có số lượng người dùng Việt Nam chiếm đa số so với nền tảng MXH xuyên biên giới; trở thành một trong các kênh truyền tải thông tin tuyên truyền chủ lực trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội.
Dự thảo nêu rõ về định hướng phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ đến năm 2030.
- Định hướng về tổ chức đối với báo chí, phát thanh truyền hình: Đổi mới tổ chức và vận hành của các cơ quan báo chí, sắp xếp lại nhân sự, vị trí phù hợp với xu hướng chuyển đổi số báo chí. Xây dựng quy trình xuất bản và phân phối nội dung số.
- Đài Truyền hình Việt Nam là đài truyền hình quốc gia. Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện tự xây dựng nền tảng phân phối nội dung riêng, làm chủ quyền kiểm soát và phân phối nội dung trên không gian mạng.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội có kênh truyền hình.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 đài phát thanh và truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Đối với thông tin điện tử: Chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “gỡ bỏ các rào cản” đối với phát triển nội dung số (bao gồm các nền tảng phân phối nội dung, nền tảng tìm kiếm; thông tin điện tử, MXH, trò chơi trực tuyến). Xây dựng các MXH của Việt Nam cạnh tranh được với các MXH xuyên biên giới. Kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý thông tin ở trung ương và địa phương
- Định hướng về nội dung: Phát triển báo chí cách mạng, nâng cao giá trị cốt lõi của báo chí, thể hiện trung thực dòng chảy của xã hội cung cấp thông tin giá trị, chính xác và kịp thời tới độc giả. Đảm bảo báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, giải quyết triệt để tình trạng nhũng nhiễu, báo hóa tạp chí, chấn chỉnh hoạt động liên kết báo chí.
- Định hướng về nhân lực: Đầu tư bồi dưỡng đào tạo, đặc biệt là đạo đức nhà báo, nâng cao nghiệp vụ nguồn nhân lực làm báo đáp ứng xu thế chuyển đổi số trong ngành báo chí. Sắp xếp lại nhân lực với các vị trí chuyên môn phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số (nhân lực quản lý, nhân lực nội dung, nhân lực công nghệ, nhân lực kinh tế, nhân lực marketing số, quan hệ khách hàng, nhân lực phân tích dữ liệu, nhân lực kiểm chứng nguồn tin…).
Dự thảo Quyết định cũng nêu rõ về các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, bao gồm:
- Giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở;
- Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực;
- Giải pháp về khoa học và công nghệ;
- Giải pháp về huy động vốn và phân bổ đầu tư;
- Giải pháp về hợp tác quốc tế;
- Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch;
- Giải pháp về thông tin tuyên truyền.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
THU HƯƠNG
Bộ Y tế hướng dẫn xét nghiệm khi tăng cường giãn cách xã hội