/ Luật sư - Bạn đọc
/ Bán thông tin cá nhân của khách hàng: Xử lý thế nào?

Bán thông tin cá nhân của khách hàng: Xử lý thế nào?

15/06/2022 10:45 |

(LSVN) – Quyền bảo vệ thông tin, bí mật cá nhân là quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, theo đó: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

    Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS.

Hiện nay, tình trạng thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân được mua bán, trao đổi bất chấp sự bức xúc của dư luận cũng như nỗ lực xử lý của cơ quan chức năng. Vậy, pháp luật có quy định và chế tài xử lý thế nào về việc các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân bán thông tin cá nhân khách hàng?

Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, quyền bảo vệ thông tin, bí mật cá nhân là quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, theo đó: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Đồng thời, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.”; “Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”.

Tại Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.” Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm: “Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý”’; “Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”

Vì vậy, việc các tổ chức, doanh nghiệp, hay cá nhân bán thông tin cá nhân của khách hàng là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm mà hành này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Về chế tài hành chính, pháp luật hiện hành chưa có những quy định chung, thống nhất áp dụng cho tất cả các lĩnh vực mà đang được quy định riêng biệt, rải rác trong nhiều văn bản pháp quy (thuộc các lĩnh vực) khác nhau. Ví dụ như:    

Tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Hành vi “chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt theo các quy định nêu trên (Điều 46); Còn đối với hành vi “đánh cắp, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan.” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, còn đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Bên cạnh đó, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng, cùng với biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Điều 63).

Theo quy định tại Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì  hành vi “mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông” sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với chủ  thể vi phạm là tổ chức, còn chủ thể vi phạm là cá nhân thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức nêu trên. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng, và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, tại điểm d Khoản 4 Điều 47 quy định đối với hành vi “làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Còn các hành vi “thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Khoản 6 Điều 28); và các hành vi “lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng (Khoản 7 Điều 28). Mức phạt tiền này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về chế tài hình sự, pháp luật hiện hành chưa có quy định về một tội danh trực tiếp đối với hành vi mua bán thông tin khách hàng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào diễn biến, lĩnh vực và mức độ vi phạm cụ thể mà những vi phạm này có thể phạm vào các tội như: tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288 Bộ luật Hình sự), hoặc tội "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” (Điều 291 Bộ luật Hình sự)... Bên cạnh việc phải chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự, nếu gây ra các thiệt hại cho khách hàng thì các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại đó theo quy định của pháp luật dân sự.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết thêm, mặc dù việc mua bán, trao đổi trái phép thông tin cá nhân đang diễn ra khá phổ biến, thậm chí là công khai trên không gian mạng. Tuy nhiên, các vụ việc bị phát hiện và xử lý là rất ít, không phản ánh đúng và đầy đủ thực trạng, diễn biến phức tạp của loại vi phạm này trên thực tế. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do các quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa hoàn thiện và đầy đủ, vẫn còn nhiều lỗ hổng và hạn chế. Trong khi đó, công tác thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm vẫn chưa được thực hiện nghiêm, chưa tương xứng, không đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.  

Do đó, để khắc phục những tình trạng này thì các cơ quan chức năng cần xem xét và nghiên cứu để hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật, quan tâm và tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, xóa bỏ tình trạng vi phạm tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, người dân cũng phải tự ý thức, có những biện pháp phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của mình, tránh việc quá dễ dãi hay tùy tiện trong việc cung cấp thông tin cá nhân cho người khác, chỉ nên cung cấp thông tin cá nhân trong trường hợp thật cần thiết và chỉ cung cấp cho các tổ chức hoặc cá nhân có uy tín, đảm bảo sự tin tưởng...

PV

Một số vấn đề pháp lý xung quanh việc khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo

Lê Minh Hoàng