/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS 2015

Bàn về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS 2015

05/01/2021 18:10 |

(LSO) - Kể từ khi BLHS năm 2015 được ban hành, cho đến nay vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào bị đưa ra xét xử tại tòa án. Với tình trạng pháp nhân vi phạm pháp luật như hiện nay cho thấy, quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 chưa thật sự hoàn thiện, còn tồn tại nhiều vướng mắc dẫn đến thực tế chưa thể xử lý hình sự được…

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa tại doanh nghiệp – Ảnh CL.

Theo tư duy truyền thống, chủ thể của trách nhiệm hình sự là cá nhân – người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hình sự coi là tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay, theo pháp luật hình sự của một số quốc gia cũng như của Việt Nam, chủ thể của trách nhiệm hình sự không chỉ dừng lại ở việc quy định đối với cá nhân (thể nhân) mà còn quy định đối với cả pháp nhân[1].

Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự của Việt Nam, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong tư duy lập pháp hình sự của nước ta. Việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách trong thực tiễn. Tuy nhiên, kể từ khi BLHS năm 2015 được ban hành, cho đến nay vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào bị đưa ra xét xử tại tòa án. Với tình trạng pháp nhân vi phạm pháp luật như hiện nay cho thấy, quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 chưa thật sự hoàn thiện, còn tồn tại nhiều vướng mắc dẫn đến thực tế chưa thể xử lý hình sự được vi phạm của pháp nhân thương mại. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến một số vấn đề lý luận liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân, có sự liên hệ với quy định tương ứng của BLHS năm 2015 về trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại, trên cơ sở những nhận xét, đánh giá nhất định, tác giả sẽ đề xuất những kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015 về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

1. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong sự đánh giá với quy định về khái niệm tội phạm và các tội danh pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự

1.1. Bản chất của trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, cũng như thể nhân, pháp nhân cũng tham gia tích cực vào các hoạt động này. Tuy nhiên, trong quá trình đó, không phải pháp nhân nào cũng tự giác tuân thủ pháp luật mà thực tế cho thấy, vì lợi nhuận, có một số pháp nhân đã cố tình vi phạm pháp luật trong đó có tội phạm, gây ra những hậu quả rất lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội. Để ngăn chặn hiệu quả việc pháp nhân vi phạm trong đó có tội phạm, Nhà nước có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như tuyên truyền, vận động pháp nhân tuân thủ pháp luật, tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý hành chính, xử lý hình sự pháp nhân vi phạm… Trong đó, biện pháp xử lý hình sự đóng vai trò cực kì quan trọng. Vậy hiểu thế nào về bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân để từ đó có những quy định chuẩn mực trong BLHS về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân về bản chất được hiểu là việc bổ sung các quy định về chủ thể thứ hai phải chịu trách nhiệm hình sự, bên cạnh việc quy định trách nhiệm hình sự của chủ thể thứ nhất là cá nhân, về cùng một hành vi phạm tội do cá nhân này thực hiện.

“Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân không có nghĩa là quy định loại tội phạm thứ hai – tội phạm có chủ thể thực hiện là pháp nhân bên cạnh tội phạm đã được quy định – tội phạm có chủ thể thực hiện là cá nhân”[2]. Điều này có thể hiểu là việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân không làm phát sinh loại tội phạm thứ hai do pháp nhân thực hiện, mà chỉ có duy nhất một chủ thể của tội phạm – đó là cá nhân phạm tội và hai chủ thể của trách nhiệm hình sự – đó là cá nhân và pháp nhân phạm tội. Vì tội phạm do cá nhân (hoặc nhóm cá nhân) thực hiện và cá nhân này (hoặc nhóm cá nhân này) thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân, dưới sự chỉ đạo điều hành của pháp nhân, do đó, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi do cá nhân (hoặc nhóm cá nhân) đã thực hiện.

Bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân chỉ là việc bổ sung chủ thể thứ hai phải chịu trách nhiệm hình sự bên cạnh chủ thể là cá nhân về cùng một hành vi phạm tội do cá nhân thực hiện. Bởi lẽ “hiện tượng” tội phạm luôn chỉ là một, không phụ thuộc vào việc có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân hay không[3]. Nghiên cứu pháp luật hình sự của nhiều quốc gia cho thấy, hầu hết các quốc gia khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đều theo hướng bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân bên cạnh trách nhiệm hình sự của cá nhân, không có quy định xác nhận pháp nhân là chủ thể của tội phạm và quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân không làm ảnh hưởng đến các quy định trách nhiệm hình sự của cá nhân. Ví dụ: pháp luật hình sự của các nước như Nhật Bản, Cộng hòa Áo, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Cộng hòa Liên bang Đức,…

Tuy nhiên, nghiên cứu BLHS năm 2015 cho thấy Bộ luật này không có sự thống nhất khi quy định về bản chất của trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Khoản 1 Điều 8 BLHS quy định về khái niệm tội phạm như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội… do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm…”; với sự giải thích khái niệm tội phạm như vậy, có thể hiểu chủ thể của tội phạm ngoài cá nhân còn có pháp nhân thương mại. Quy định này lại mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 75 – điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đó là quy định “hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại”; có thể hiểu pháp nhân thương mại không phải là chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà vẫn do cá nhân nhân danh pháp nhân thương mại trực tiếp thực hiện; hay nói cách khác, chủ thể của tội phạm vẫn là cá nhân. Như vậy, BLHS năm 2015 vẫn có sự mâu thuẫn về nội dung giữa khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 75.

Trên cơ sở lý luận về bản chất của trách nhiệm hình sự của pháp nhân như tác giả đã phân tích ở trên, BLHS năm 2015 nên sửa đổi theo hướng quy định thống nhất: chỉ có duy nhất một chủ thể của tội phạm – đó là cá nhân và hai chủ thể của trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân thương mại. Điều này có nghĩa quy định về tội phạm tại Điều 8 cần sửa đổi lại theo hướng chỉ có cá nhân mới là chủ thể của tội phạm. Có như vậy, mới phù hợp với quy định tại Điều 75 và phù hợp với quy định về tội phạm cụ thể mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.

1.2. Các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự

Nếu nghiên cứu các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự cho thấy, một số quy định đã không thực sự phù hợp với lý luận về bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, dẫn đến các quy định này còn thiếu nhất quán. Cụ thể: các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 76 BLHS thuộc 03 nhóm tội phạm: a) nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; b) nhóm các tội phạm về môi trường và c) nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.

Trong số 33 tội mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, có 22/47 tội thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, ví dụ như: tội buôn lậu, tội trốn thuế, tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản…; có 9/12 tội thuộc nhóm các tội phạm về môi trường, ví dụ như: tội gây ô nhiễm môi trường, tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, tội hủy hoại rừng…; chỉ có 2/68 tội thuộc nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, đó là các tội: tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền. “Đây là các tội danh đã được các nhà lập pháp khái quát từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua đã diễn ra rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thiệt hại đối với xã hội. Đồng thời, đây cũng là các tội danh được yêu cầu nội luật hóa từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia”[4].

Như đã trình bày ở trên, bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân chỉ là việc bổ sung các quy định về chủ thể thứ hai phải chịu trách nhiệm hình sự, bên cạnh quy định về trách nhiệm hình sự của chủ thể thứ nhất – cá nhân về cùng một hành vi phạm tội do cá nhân này thực hiện. Tuy nhiên, nghiên cứu 33 điều luật trong BLHS có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, chỉ có 26 điều luật[5] có cách quy định phù hợp với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; trong khi đó, tồn tại 7 điều luật[6] có cách quy định trái với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân – quy định hai hành vi phạm tội riêng biệt cho hai chủ thể chịu trách nhiệm hình sự (cá nhân và pháp nhân thương mại) đối với cùng một tội phạm.

Ví dụ: theo Điều 188 BLHS Tội buôn lậu, khoản 1 quy định đối với cá nhân phạm tội như sau: “Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng… thì bị phạt…”; nhưng điểm a khoản 6 quy định đối với pháp nhân thương mại như sau: “Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng… thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng”. Từ đó có thể thấy, đối với cá nhân, trường hợp thông thường, đối tượng buôn lậu trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên đã phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu, nhưng đối với pháp nhân thương mại, thông thường đối tượng buôn lậu trị giá hàng hóa phải từ 200.000.000 đồng trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu. Như vậy, mức định lượng hàng hóa phạm pháp để xử lý hình sự đối với cá nhân, pháp nhân thương mại được quy định là rất khác nhau trong khi đáng lẽ không nên quy định theo kiểu “phân biệt” như vậy.

Việc quy định như trên không những tạo ra sự không bình đẳng giữa hai chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn trái với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Vì vậy, để có sự nhất quán trong quy định của các điều luật của Phần các tội phạm về các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, BLHS năm 2015 nên sửa đổi theo hướng không bổ sung dấu hiệu định tội áp dụng riêng biệt cho pháp nhân thương mại như 07 tội nói trên mà chỉ nên quy định theo như cách quy định của 26 điều luật còn lại. Đó là: “Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì bị phạt…”.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều này thì bị phạt…”

2. Quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

2.1. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Trước khi tìm hiểu điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại ở Việt Nam, cần nhấn mạnh lại chủ thể của trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS Việt Nam năm 2015 bên cạnh cá nhân còn có pháp nhân thương mại.

Có ý kiến cho rằng: “Chỉ những pháp nhân gắn với hoạt động thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự” [7]. Khẳng định này không chính xác vì theo khoản 1 Điều 76 BLDS: “Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên”. Như vậy, trên thực tế có những pháp nhân phi thương mại vẫn gắn với hoạt động thương mại, nhưng lợi nhuận không chia cho các thành viên mà được sử dụng cho mục đích phi lợi nhuận ví dụ như mục đích từ thiện hoặc mục đích vì lợi ích công cộng. Những pháp nhân này không thuộc đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định của BLHS năm 2015, chỉ có hai chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân thương mại. Vì vậy, ý kiến cho rằng, “pháp nhân gắn với hoạt động thương mại” để chỉ pháp nhân thương mại, từ đó xác định là đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự là không chính xác.

Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được ghi nhận tại khoản 1 Điều 75 BLHS Việt Nam. Theo đó, pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau:

– Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

– Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

– Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

– Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong 04 điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại có đến 03 điều kiện phản ánh mối quan hệ giữa pháp nhân thương mại với cá nhân thực hiện tội phạm và giữa pháp nhân thương mại với tội phạm mà cá nhân đó thực hiện.

Thứ nhất, về điều kiện hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Điều kiện này phản ánh mối quan hệ giữa pháp nhân thương mại với tội phạm mà cá nhân thực hiện. Đây là một trong những căn cứ để buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi do cá nhân thực hiện vì có mối quan hệ ràng buộc giữa pháp nhân thương mại và cá nhân – cá nhân “nhân danh” pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội. Những hành vi không nhân danh pháp nhân mà chỉ mang danh nghĩa cá nhân thì không thể thỏa mãn điều kiện này. Để có thể nhân danh pháp nhân thương mại, chủ thể này cũng phải mang những đặc điểm nhất định: có chức năng chỉ đạo, quản lý hoặc kiểm soát đối với pháp nhân thương mại.

Vì vậy, không phải thành viên nào trong pháp nhân thương mại cũng có thể nhân danh pháp nhân thương mại mà chỉ có những người đại diện của pháp nhân thương mại mới có thể là chủ thể có quyền nhân danh pháp nhân thương mại bao gồm người đứng đầu pháp nhân thương mại, đại diện pháp nhân thương mại theo pháp luật hoặc là người được đứng đầu trực tiếp ủy quyền. “Để đảm bảo tính “nhân danh” đòi hỏi người thực hiện tội phạm phải là người lãnh đạo hoặc thuộc cơ quan lãnh đạo của tổ chức, có quyền quyết định hoạt động của tổ chức. Họ có thể trực tiếp thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện. Hành vi tự ý của các thành viên bình thường của tổ chức không thể là hành vi nhân danh tổ chức”[8].

Thứ hai, về điều kiện hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Điều kiện này phản ánh mối quan hệ giữa pháp nhân thương mại với tội phạm được thực hiện. Đây cũng là một trong những căn cứ để buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được thực hiện do mục đích của việc thực hiện tội phạm là mang lại lợi ích cho pháp nhân thương mại. Hành vi phạm tội kể trên có thể là có lợi hoặc nhằm có lợi cho pháp nhân thương mại. Lợi ích có thể là lợi ích về vật chất hoặc lợi ích phi vật chất nhất định cho pháp nhân thương mại. Có thể thấy chỉ với một hành vi phạm tội của cá nhân nhân danh pháp nhân thương mại không thể đủ để buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn phải đi kèm với điều kiện hành vi phạm tội đó là vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Hay nói cách khác, trong trường hợp hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của cá nhân hoặc nhóm cá nhân mà không phải vì lợi ích của pháp nhân thương mại, kể cả hành vi đó do cá nhân thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại thì pháp nhân đó cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, về điều kiện hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Điều kiện này phản ánh mối quan hệ giữa pháp nhân thương mại với cá nhân thực hiện hành vi phạm tội và với hành vi phạm tội đó. Điều kiện này xác định, khi thực hiện tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi phạm tội không tự ý thực hiện hành vi phạm tội mà việc thực hiện hành vi này có mối quan hệ chặt chẽ với pháp nhân thương mại. Thông qua những người có quyền nhân danh pháp nhân thương mại, pháp nhân thương mại thực hiện sự chỉ đạo, điều hành cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội hoặc pháp nhân thương mại thể hiện sự chấp thuận với cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Trong hai quan hệ này, sự chỉ đạo, điều hành của pháp nhân thương mại đối với hành vi phạm tội thể hiện sự chủ động của pháp nhân thương mại còn đối với quan hệ còn lại – sự chấp thuận của pháp nhân thương mại, sự chủ động thuộc về cá nhân thực hiện tội phạm. Mặc dù vậy, cả hai quan hệ đều cho thấy sự tham gia lãnh đạo, chi phối của pháp nhân thương mại. Vì lẽ đó, đây cũng là một trong những căn cứ buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do cá nhân thực hiện.

Thứ tư, về điều kiện chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với pháp nhân thương mại, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được áp dụng theo thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS. Theo đó, đối với tội phạm ít nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm; đối với tội phạm nghiêm trọng, là 10 năm; đối với tội phạm rất nghiêm trọng, là 15 năm và với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm. Thời hiệu này được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

2.2. Vướng mắc dẫn đến khó xử lý hình sự pháp nhân thương mại

Việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại theo pháp luật hiện hành vẫn còn gặp phải vướng mắc dẫn đến khó xử lý hình sự pháp nhân thương mại trên thực tế vì quy định của pháp luật về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có liên quan đến điều luật về phân loại tội phạm (khoản 2 Điều 27 BLHS)[9]. Theo Điều 9 BLHS, phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện áp dụng theo quy định phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện tại khoản 1 Điều 9 BLHS, cụ thể: “a) tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm… mà mức cao nhất của khung hình phạt… là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; b) tội phạm nghiêm trọng là tội phạm… mà mức cao nhất của khung hình phạt… là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù; c) tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm… mà mức cao nhất của khung hình phạt… là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù; d) tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm… mà mức cao nhất của khung hình phạt… là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

Có thể thấy, căn cứ để phân loại tội phạm là dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà hình thức biểu hiện của nó để phân loại tội phạm là mức cao nhất của khung hình phạt (trong đó bao gồm các hình phạt: hình phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù, tù chung thân, tử hình). Tuy nhiên, đây là các hình phạt áp dụng đối với người phạm tội, còn pháp nhân thương mại phạm tội áp dụng các hình phạt khác (Điều 33 BLHS), duy chỉ có hình phạt tiền là hình phạt được áp dụng chung cho cả cá nhân và pháp nhân thương mại. Vì vậy, nếu khung hình phạt áp dụng cho pháp nhân thương mại chỉ quy định về phạt tiền thì sẽ xác định pháp nhân thương mại phạm tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp nhân thương mại bị áp dụng khung hình phạt có quy định đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì không phân loại tội phạm được[10]. Từ đó dẫn đến vướng mắc trong áp dụng pháp luật để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Và nếu như điều kiện “chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” gặp vướng mắc trong xác định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nói chung. Như vậy, có thể nói đây là một bất cập của BLHS.

Từ sự phân tích ở trên, để tạo điều kiện cho việc áp dụng chế định “điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” được thuận lợi, BLHS nên bỏ khoản 2 Điều 9 vì tồn tại khoản 2 Điều 9 thực sự không cần thiết và ảnh hưởng nhất định đối với việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, từ đó ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm hình sự của chủ thể này. Điều này có nghĩa việc phân loại tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện cũng giống như cá nhân (nghĩa là dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội chứ không phải là dựa vào hình phạt áp dụng riêng biệt cho pháp nhân thương mại). Việc sửa đổi này vừa thể hiện đúng cơ sở lý luận về tội phạm – chủ thể của tội phạm chỉ có thể là cá nhân, việc quy định bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân không làm thay đổi hiện tượng “tội phạm”; vừa thể hiện đúng bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân chỉ là việc bổ sung các quy định về chủ thể thứ hai phải chịu trách nhiệm hình sự, bên cạnh việc quy định trách nhiệm hình sự của chủ thể thứ nhất là cá nhân, về cùng một hành vi phạm tội do cá nhân này thực hiện. Bên cạnh đó, việc sửa đổi như vậy cũng đảm bảo sự thống nhất với các quy định khác trong BLHS năm 2015 như quy định về lỗi, về các giai đoạn phạm tội, về đồng phạm…. trong BLHS.

Như vậy, pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do cá nhân thực hiện nếu thỏa mãn đầy đủ bốn điều kiện kể trên. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 75 BLHS “việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Điều luật này được hiểu là mặc dù pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do cá nhân thực hiện nhưng mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và trách nhiệm hình sự của cá nhân thực hiện tội phạm là độc lập, không loại trừ lẫn nhau. “Quy định này không trái với nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm (khoản 3 Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Pháp nhân thương mại khi đã trở thành một thực thể pháp lý, có những quyền, nghĩa vụ độc lập với những cá nhân tham gia với tư cách là thành viên”[11].

Tóm lại, việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là điểm sáng của pháp luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, BLHS này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót trong các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Vì vậy, để tăng cường tính khả thi của BLHS năm 2015 trong thực tiễn áp dụng, cần phải có sự rà soát, đánh giá kĩ lưỡng và kịp thời khắc phục hạn chế nhằm đảm bảo cho Bộ luật này thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm./.

ĐỖ NHẬT ÁNH
Giảng viên Khoa Đào tạo Đại học, Học viện Tòa án
(Theo Tạp chí Toà án)
/rut-kinh-nghiem-trong-qua-trinh-xet-xu-cac-vu-an-dan-su-lien-quan-den-quyen-so-huu.html