Ảnh minh họa.
1. Quy định của pháp luật về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”
Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” được quy định trong chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Điều 146 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau:
“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, …”. Dễ nhận thấy, so sánh với Bộ luật Hình sự năm 1999, cụm từ “trẻ em” không còn được sử dụng trong BLHS năm 2015, thay vào đó, nhà làm luật đã chi tiết hóa độ tuổi của nhóm đối tượng này, đó là “người dưới 16 tuổi”.
Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi bao gồm: Khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm như sau:
Về chủ thể: Chủ thể của tội phạm ngoài việc phải có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) thì điều kiện thứ hai không thể thiếu được đó là phải đạt đến độ tuổi chịu TNHS. Độ tuổi phải chịu TNHS về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” là quy định đặc biệt, bên ngoài giới hạn quy định độ tuổi chịu TNHS nói chung tại Điều 12 BLHS. Điều 146 BLHS quy định trực tiếp độ tuổi của người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Theo đó, độ tuổi là dấu hiệu đặc biệt của chủ thể của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Mặc dù cách dùng từ khác nhau, BLHS 1999 quy định chủ thể tội phạm là “người đã thành niên” thì BLHS năm 2015 quy định cụ thể hơn là “người nào từ đủ 18 tuổi trở lên” nhưng xét cho cùng đều là một nghĩa, vì người đã thành niên theo quy định của pháp luật Việt Nam chính là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, chủ thể của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là người đủ 18 tuổi trở lên và phải có năng lực TNHS.
Về khách thể: BLHS năm 2015 xếp tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thuộc Chương XIV – Các tội xâm phạm tính mạng. sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Do đó, khách thể của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm và quyền được phát triển bình thường về tình dục của người dưới 16 tuổi.
Việc BLHS năm 2015 quy định chi tiết độ tuổi của nạn nhân trong tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không những giải quyết được những vướng mắc về khái niệm “trẻ em" trong BLHS năm 1999 trước đây mà còn đảm bảo tính thống nhất về chính sách hình sự đối với tội dâm ô đối với trẻ em từ trước đến nay, đảm bảo tính lâu dài ổn định trong quy định của BLHS. Ngoài ra, việc nhà làm luật lựa chọn độ tuổi 16 là hoàn toàn phù hợp bởi ở độ tuổi này tâm sinh lý của trẻ em còn chưa phát triển đầy đủ, việc bị xâm hại tình dục sẽ gây ra những hậu quả xấu đối với trẻ em cả về thể xác lẫn tinh thần.
Về mặt khách quan: Đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Giống như quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 cũng không mô tả hành vi của tội phạm mà nhắc lại tên tội danh trong điều luật, đó là “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Đây là sự kế thừa kỹ thuật lập pháp của BLHS năm 1999 về mô tả hành vi của tội phạm đồng thời thể hiện văn hóa pháp lý của nhà nước ta, đó là tránh mô tả các từ ngữ nhạy cảm trong BLHS.
Về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” là lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” là nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội hoặc kích thích, khơi gợi nhu cầu tình dục của người dưới 16 tuổi.
Lỗi cố ý của người phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thể hiện ở việc người phạm tội nhận thức rõ hành vi đã thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, là hành vi xâm hại tình dục không phải là hành vi giao cấu hay hành vi quan hệ tình dục khác.
Tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” trong BLHS năm 2015 có 03 khung hình phạt với mức hình phạt khá nghiêm khắc. Khung hình phạt cơ bản (khoản 1) có mức hình phạt là “phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Khung hình phạt tăng nặng tại khoản 2, khoản 3 có mức hình phạt tối thiểu là 03 năm tù và 07 năm tù. Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung bắt buộc là “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Ngoài ra, Điều 146 BLHS năm 2015 không quy định các tình tiết định khung không rõ ràng như “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” như trong BLHS năm 1999 mà thay vào đó đã cụ thể hóa các tình tiết này thành “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” (điểm đ khoản 2) và “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể trên 61%” (điểm a khoản 3), “làm nạn nhân tự sát” (điểm b khoản 3).
Ngoài ra, “phạm tội 02 lần trở lên”, “đối với 02 người trở lên” cũng là những tình tiết thay thế cho tình tiết “phạm tội nhiều lần”, “phạm tội đối với nhiều trẻ em”. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 cũng bổ sung thêm tình tiết “phạm tội có tổ chức” (điểm a khoản 2). So với quy định của BLHS năm 1999 thì đây là tình tiết định khung mới được bổ sung.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Có thể thấy rằng, việc bổ sung dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng mới tại Điều 146 BLHS năm 2015 cho thấy nhà làm luật đã nhận thức đầy đủ hơn về tính nguy hiểm của tội phạm, qua đó góp phần làm cho hoạt động đấu tranh chống tội phạm này đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Tuy nhiên, nghiên cứu tội tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” trong BLHS năm 2015 cho thấy quy định về tội phạm này cũng còn những hạn chế cần được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với tình tiết định khung tăng nặng “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thế từ 31% đến 60%”. Nhà làm luật nên quy định trường hợp dâm ô mà gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 60% thì người phạm tội bị áp dụng khoản 2 Điều 146 BLHS mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.
Thứ hai, đối với tình tiết giảm nhẹ TNHS “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” (điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS). Việc chia điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS thành hai tình tiết giảm nhẹ là “người phạm tội thành khẩn khai báo” và “người phạm tội ăn năn hối cải” để áp dụng xử phạt bị cáo ở khung hình phạt nhẹ hơn cũng là hợp lý. Vì suy cho cùng việc xử lý các bị cáo trong các vụ án này cũng rất dễ dàng và quá trình điều tra giải quyết được nhanh chóng thuận lợi hơn so với các bị cáo quanh co chối tội, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Thứ ba, sửa đổi Điều 146 BLHS năm 2015 theo hướng người phạm tội “biết rõ là trẻ em dưới 16 tuổi mà vẫn thực hiện hành vi dâm ô nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”. Do điều luật không quy định rõ ý thức của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi nên trong thực tế khi xét xử đối với tội này nhiều người phạm tội cho rằng trước khi phạm tội thì họ ý thức rằng người bị hại đã trên 16 tuổi (do sự phát triển đầy đủ về thể hình và có trường hợp khi quen biết nhau người bị hại đã nói dối họ về độ tuổi là trên 16...) và khi người bị hại đồng thuận cho phép thì họ mới thực hiện hành vi. Vì vậy, họ cho rằng mình không vi phạm pháp luật vì không thể biết rõ chính xác được độ tuổi của người bị hại.
Để khắc phục những bất cập này và để cho việc xử lý người phạm tội một cách thuyết phục, cho họ thấy được lỗi lầm của mình thì cần thiết phải sửa đổi điều luật theo hướng quy định rõ trong cấu thành tội phạm là người phạm tội trước khi thực hiện hành vi dâm ô với người bị hại thì phải biết rõ người bị hại là trẻ em trong độ tuổi dưới 16 tuổi.
Thứ tư, nên xem xét việc giảm độ tuổi phải chịu TNHS về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo hướng “người nào đủ 18 tuổi trở lên” thành “người nào đã 16 tuổi trở lên”. Việc quy định tuổi chịu TNHS sớm hơn không vi phạm pháp luật quốc tế cũng như không làm giảm đi tính chất nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam.
Do điều kiện sống của trẻ em ngày càng tốt hơn, sự phát triển về thể chất, năng lực nhận thức, năng lực hành vi của trẻ em vượt bậc hơn so với các thế hệ trước đây. Do vậy. việc giảm độ tuổi chịu TNHS về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" là cần thiết.
NGUYỄN PHI HÙNG
Toà án Quân sự Quân khu 4
Một số vấn đề về chủ thể của tội phạm tình dục trong pháp luật hình sự hiện nay