LSVNO - Từ rất lâu, nhiều cơ quan báo chí đã xem yếu tố nhân văn là tiêu chí quan trọng hàng đầu, tuyên truyền sâu rộng về chuyện tử tế, sống đẹp. Mỗi câu chuyện đều hướng tới giá trị nhân văn có hiệu ứng tích cực với xã hội, lan tỏa sâu rộng và tạo ra được sự thay đổi nhiều số phận con người, nhiều vùng đất, thắp lên những ngọn lửa của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng. Điều này có không ít nhà báo âm thầm nỗ lực làm việc thiện đằng sau con chữ, chung tay, góp sức làm nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường...
Trước đây, mỗi khi bạn đọc cầm trên tay các tờ báo giấy hay truy cập các trang báo điện tử đều nghi ngại khi đọc những tác phẩm mang tính “sốc, sex, cướp, giết, hiếp” tràn lan trên mặt báo. Điều này, công chúng cho rằng chỉ là những thông tin mang tính giật gân câu khách, một màu xám dường như đang bao phủ cuộc sống... Điều ấy đã và đang khiến bạn đọc ngày càng mất đi niềm tin vào các cơ quan báo chí.
Những người làm báo cũng từng “giật mình” khi nhìn thấy một khối lượng thông tin khổng lồ về những mặt trái trong đời sống xã hội đang khiến con đường đưa thông tin đến với độc giả bị “ùn tắc”. Thế nhưng, trong “biển” thông tin ấy, nhiều đơn vị báo chí đang tự sàng lọc bằng những bài báo được viết lên bằng trái tim của người cầm bút.
Anh Nguyễn Ngọc Hiền mang tiền đến ban quản lý chung cư Đất Phương Nam nhờ trả lại tiền cho người đánh rơi.
Chia sẻ về điều này, Nhà báo Hồ Hải Long (Tổng Biên tập Tạp chí Thương Gia & Thị Trường) cho rằng, lâu nay báo chí quá tập trung vào những mặt xấu mà nhiều lúc quên mất những câu chuyện đẹp trên đời. Không có những câu chuyện nhân văn như thế thì chúng ta làm sao còn động lực để sống..., cho nên cần những nội dung báo chí mang tính xây dựng, viết về những điều tốt đẹp.
Thật vậy, ngay khi nhặt được số tiền lớn 7.400 USD và tìm cách trả lại người đánh rơi, từ chối tiền khen thưởng, chỉ nhận giấy khen, anh Nguyễn Ngọc Hiền, 26 tuổi, nhân viên vệ sinh chung cư Đất Phương Nam (toạ lạc tại quận Bình Thạnh, TP. HCM), anh đã không nghĩ rằng việc làm của mình lại được nhiều tờ báo “tuyên truyền” nhiều đến vậy.
Trong đó, một câu nói thật dung dị, đơn giản của Hiền cũng được giới truyền thông trích dẫn như một thông điệp về nhân cách của một ngưởi tử tế “Khi nhặt được số tiền tay tôi run run, song tâm trí tôi không nghĩ ngợi gì hết, chỉ nghĩ rằng khổ chủ mất số tiền này cũng đau khổ lắm. Tôi nghĩ khi trả lại được số tiền này cho chính chủ của nó chắc họ vui lắm. Khi họ vui thì lòng tui cũng vui”.
Rõ ràng rằng, việc làm này của Hiền cho thấy ai cũng có thể làm được việc tử tế, bất kể họ là ai, dù họ giàu hay nghèo.
Hiện nay, bên cạnh các thể loại báo chí khác như tin, bình luận chuyên luận, phóng sự, điều tra… nhiều cơ quan báo chí còn xây dựng chuyên mục chuyện tử tế để giới thiệu những con người tử tế, tôn vinh giá trị sống đẹp. Những câu chuyện đời thường dung dị, không hề giật gân nhưng vẫn thu hút một lượng lớn độc giả.
Điều này có nghĩa là công chúng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho những con người, những việc làm tử tế, trong các loại tin tức cùng khung chương trình. Đồng thời, con số này cũng cao gấp đôi, so với phần lớn các chương trình gameshow ăn khách hiện hữu.
Nụ cười rạng rỡ của người đàn ông Ukraina khi nhận lại số tiềng tưởng chừng như không thể nhận lại được.
Ngoài ra, việc chú trọng giới thiệu những chuyện tử tế, người tử tế, báo chí còn bắc những nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái với bao cảnh đời, số phận kém may mắn trong xã hội. Cùng với đó, những người làm báo còn làm công tác xã hội, hoạt động nhân đạo từ thiện.
Chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười ở TP. HCM là một ví dụ do một số nhà báo lão thành xây dựng trở thành nơi lui tới hằng ngày của những người nghèo với mỗi suất ăn giá chỉ có 2.000 đồng.
Nhờ chương trình “Cơm có thịt” do nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc AVG-Truyền hình An Viên vận động thành lập mà hàng ngàn học sinh nghèo vùng cao có điều kiện bám trường, bám lớp, nuôi lớn ước mơ về một tương lai tươi sáng.
Hàng loạt nhà tình nghĩa, tình thương, nhiều phòng học ở vùng sâu, vùng xa hoặc chương trình tiếp sức cho ngư dân bám biển được nhiều báo Đảng địa phương vận động xây dựng, triển khai.
Dẫu biết rằng, trong cuộc sống hàng ngày, cái xấu và cái ác vẫn luôn tìm mọi cách len lỏi và gây những tác động tiêu cực khiến không ít người dân cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Xu hướng khai thác tin bài với tần suất dày đặc về những hành vi, nhân tố tiêu cực hay mô tả tội ác, những thứ xấu xa một cách chi tiết, tỉ mỉ ở khá nhiều tờ báo gần nhằm mục đích “câu view, câu like” dễ khiến niềm tin vào sự tử tế của độc giả ngày một suy giảm và dần bị bào mòn.
Thế nhưng, vẫn còn đó những đốm lửa do những nhà báo tử tế, những tờ báo tử tế, đang thực hiện những chuyên mục, những bài viết ca ngợi những điều tử tế cần mẫn thắp lên. Với những việc làm này tuy nhỏ, nhưng có sức lan tỏa rất lớn tới cộng đồng cũng là những thước đo sự đón nhận của độc giả chính xác nhất…
Những chuyên mục, hoạt động thực tế trên đây là thành quả của sự “vượt lên chính mình” của giới báo chí, mang ý nghĩa “lấy cái đẹp, đè bẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, gây dựng niềm tin cho bạn đọc, công chúng về sự hiện hữu của lòng nhân ái, lối sống đẹp trong cộng đồng.
Song song với đó, để có những bài báo hay, phản ánh chân thực, sinh động, giàu sức thuyết phục về những con người tử tế, chuyện tử tế, đòi hỏi các cơ quan báo chí, các nhà báo phải đi sâu, tìm hiểu thực tế. Đồng thời, nắm bắt thực tiễn sinh động từ nhiều nguồn, như gợi ý của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Báo chí cần tiếp tục bám sát cuộc sống, phát hiện thêm nhiều tấm gương sáng, viết hay, sinh động hơn nữa để cổ vũ, nêu gương những điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội…”.
Như vậy, để một tờ báo có thương hiệu, được độc giả gửi gắm tin yêu, nôn nóng cầm trên tay vào mỗi sớm mai thức dậy khi ánh bình minh vừa ló dạng…là nhìn vào đó, người ta thấy rõ tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, tính định hướng xã hội trong mỗi mỗi tin, bài.
Với bạn đọc, những câu chuyện về người tử tế, việc tử tế là “của tin còn một chút này”. Những câu chuyện đó không chỉ góp phần làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân” như Bác Hồ hằng mong ước mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, nhân ái. Đây cũng là cách mà báo chí chung tay “gạn đục, khơi trong”, cải thiện môi trường thông tin và hiện thực hóa chương trình hành động Vì một xã hội thông tin lành mạnh.
Minh Sơn – Thanh Tuyền