Ảnh minh họa.
Quyền im lặng trong tố tụng hình sự là quyền quan trọng trong các quyền con người được pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận trong đó có Việt Nam, tuy nhiên, về khái niệm quyền im lặng ở các quốc gia được thể hiện bằng các nội dung khác nhau.
Tại Liên minh châu Âu, Chỉ thị 2012/13/EU của Nghị viện châu Âu ghi rõ là nhà cầm quyền phải thông báo ngay lập tức cho những người bị tình nghi, bị buộc tội, bằng lời nói hay qua giấy tờ với ngôn từ đơn giản và dễ hiểu về quyền im lặng không phải khai báo của họ. Thông báo phải xảy ra vào đúng thời điểm, để nghi phạm, hay người bị buộc tội có thể ứng dụng quyền này. Chỉ thị này phải được đưa vào luật quốc gia trong các nước Liên minh châu Âu trễ lắm là ngày 02/6/2014.
Tại nước Đức, theo Điều 136,stpo,juris và 163a,stpo,juris của luật tố tụng, trước khi hỏi cung một người bị tình nghi, về một vi phạm, hay tội phạm của người đó, thì phải loan báo là “theo luật anh ta được tự do trình bày hay không về những cáo buộc” nhất là khi “những lời khai buộc mình có tội” và bất cứ lúc nào, cả trước khi hỏi cung, được quyền tham khảo một Luật sư theo sự lựa chọn.
Theo Tòa án tối cao Hoa Kỳ, trước khi thẩm vấn, cảnh sát phải thông báo cho nghi phạm hình sự “quyền Miranda” như sau: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có Luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và Luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được Luật sư, anh sẽ được cung cấp một Luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có Luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của Luật sư”.
Ở Việt Nam, theo Từ điển Tiếng Việt, “im lặng là không nói, không sử dụng ngôn ngữ để thể hiện”, tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, quyền im lặng được hiểu dưới góc độ khác, mặc dù pháp luật hình sự nước ta không quy định cụ thể quyền im lặng nhưng một số quy định trong BLTTHS thể hiện rõ nội dung của quyền này, bao gồm:
(1) Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 BLTTHS “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
(2) Về trách nhiệm chứng minh, xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 15 BLTTHS “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Điều 16 của Bộ luật này quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa”.
(3) “Quyền im lặng” đối với người bị tạm giữ được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 59 BLTTHS về quyền và nghĩa vụ của người tạm giữ: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
(4) “Quyền im lặng” đối với bị can được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 60 BLTTHS: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
(5) “Quyền im lặng” đối với bị cáo được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 61 BLTTHS: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Quyền im lặng được thể hiện ở tất cả các giai đoạn từ điều tra, truy tố, xét xử. Về bản chất, quyền im lặng là một nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội. Ngoài các nội dung về quyền im lặng nêu trên thì đối với vấn đề “Người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo có quyền không đưa ra các chứng cứ bất lợi cho mình” có thuộc nội dung của “quyền im lặng” hay không? Vấn đề này hiện nay tồn tại hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, BLTTHS hiện hành đã quy định về quyền này, chẳng hạn quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Hoặc quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, tức họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện.
Quan điểm thứ hai cho rằng, cần phải quy định cụ thể về quyền “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không đưa ra các chứng cứ bất lợi cho mình”.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, như đã phân tích ở trên thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo phải được tự bảo vệ mình trong mọi trường hợp. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo không đưa ra các chứng cứ bất lợi cho mình cũng là một nội dung của quyền im lặng.
Từ những phân tích nêu trên, có thể hiểu “quyền im lặng” như sau “quyền im lặng là quyền của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, theo đó họ không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không buộc tự mình nhận tội và đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình”.
Bảo đảm quyền im lặng trong xét xử vụ án hình sự
Ở nước ta áp dụng mô hình tố tụng thẩm vấn tức là các tài liệu, chứng cứ phải được thẩm tra công khai tại phiên tòa, hội đồng xét xử đánh giá các chứng cứ, tài liệu, lời khai để quyết định bị cáo có tội hay không có tội, tội gì và áp dụng hình phạt cho phù hợp. Các quy định của pháp luật ghi nhận quyền im lặng là điều kiện cần nhưng việc các cơ quan tư pháp bảo đảm quyền này thực hiện trong thực tiễn mới là điều kiện đủ. Phiên tòa hình sự là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm quyền im lặng của bị cáo.
Nội dung quyền im lặng trong xét xử vụ án hình sự
Tự chủ khai báo
Tự chủ là khả năng tự bản thân mình sẽ đưa ra các quyết định sáng suốt, xuất phát từ chính bản thân mình mà không chịu sự tác động, ép buộc bởi bất cứ ai. Tự chủ được biểu thị qua hành động, qua lời nói, suy nghĩ, tâm tư hay tình cảm của chính bản thân mình trong mọi hoàn cảnh. Tự chủ khai báo là việc bị cáo lựa chọn việc khai báo mà không phụ thuộc vào bất kỳ sự tác động từ các yếu tố khác, việc tự chủ khai báo là nội dung nhằm giúp cho các lời khai của bị cáo thống nhất. Tại phiên tòa, tự chủ khai báo bao gồm các nội dung sau: Bị cáo giữ nguyên lời khai tại các phiên tòa trước hoặc trong hồ sơ vụ án mà không khai thêm các nội dung khác; Lựa chọn lời khai phù hợp; Đề nghị nội dung hỏi và hỏi người nào.
Chủ động sử dụng chứng cứ
Trong giai đoạn điều tra, truy tố, vì nhiều lý do khác nhau, các chứng cứ không được thu thập đầy đủ, tại phiên tòa việc bị cáo có quyền sử dụng chứng cứ có lợi để bảo vệ mình là một nội dung của quyền im lặng và thực tiễn một số vụ án gần đây cho thấy, khi vụ án được đẩy lên cao gây bất lợi cho bị cáo thì lúc này bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác xuất trình chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đề nghị người bào chữa thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa
Quyền nhờ người bào chữa thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa là một nội dung quan trọng nhằm bảo đảm quyền im lặng trong tố tụng hình sự. Bị cáo có quyền tự bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nhưng do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế và những lý do, điều kiện nhất định nên không phải bị cáo nào cũng có khả năng thực hiện hiệu quả quyền im lặng. Do đó, quy định về quyền nhờ người bào chữa tham gia hỏi và trả lời là một bảo đảm quan trọng để bị cáo thực hiện các quyền im lặng.
Không buộc nhận mình có tội
Trên thực tế, có thể một người đã thực hiện tội phạm, về khách quan, họ là người phạm tội, nhưng nếu không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi được luật hình sự coi là tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó. Chứng minh tội phạm là một quá trình, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tại phiên tòa có căn cứ hay không có căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội thì bị cáo không buộc tự nhận mình có tội, đây là một nội dung quan trọng trong quyền im lặng của bị cáo.
Bảo đảm quyền im lặng trong xét xử vụ án hình sự
Qua nghiên cứu một số vụ án mà bị cáo sử dụng quyền im lặng tại các phiên tòa như vụ án Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", vụ án Hoàng Công Lương… Theo chúng tôi, để bảo đảm quyền im lặng của bị cáo trong xét xử vụ án hình sự, cần xác định một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, hội đồng xét xử cần tìm hiểu lý do, động cơ, mục đích mà bị cáo sử dụng quyền im lặng. Đây là một yêu cầu quan trọng bởi phải xác định được nội dung này để tìm hiểu việc bị cáo sử dụng quyền im lặng là do bị ép buộc hay để cố tình làm khó các cơ quan tiến hành tố tụng, để che dấu tội phạm, người phạm tội.
Thứ hai, cần giải thích cho bị cáo hiểu về quyền im lặng. Im lặng là quyền của bị cáo và lời khai của bị cáo là căn cứ để xác định hành vi có tội hay không có tội và là nội dung quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Không khai báo từ đầu, kể cả tình tiết pháp lý có lợi cũng như bất lợi. Trong trường hợp này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được hành vi cấu thành tội phạm thì vẫn xử lý theo quy định của pháp luật. Cần phải giải thích cho bị cáo biết khi nào nên im lặng, khi nào không.
Thứ ba, tạo điều kiện cho phép xét hỏi cả những người không được tòa án triệu tập. Điều 287 BLTTHS về triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa quy định: “Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, yêu cầu của kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác, thẩm phán chủ tọa phiên tòa triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa”. Như vậy, tòa án chỉ triệu tập những người liên quan đến vụ án hoặc thực sự cần thiết để bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện và đầy đủ, về nguyên tắc chỉ có những người được tòa án cho phép mới được hỏi và trả lời tại phiên tòa. Tại phiên tòa, nếu bị cáo sử dụng quyền im lặng thì hội đồng xét xử có thể cho phép những người khác không được triệu tập thực hiện việc hỏi và trả lời, trên cơ sở đó hội đồng xét xử có thêm căn cứ để đánh giá toàn diện vụ án.
Thứ tư, tăng cường công tác tập huấn, tổng kết rút kinh nghiệm xét xử, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán, hội thẩm nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bảo đảm quyền im lặng trong xét xử vụ án hình sự.
Thứ năm, cụ thể hóa quy định về quyền im lặng trong luật, đồng thời, cơ quan tố tụng ở trung ương cần có văn bản hướng dẫn thi hành về việc bảo đảm quyền im lặng trong vụ án hình sự, là căn cứ để bảo đảm hiệu quả quyền im lặng, góp phần giải quyết vụ án khách quan, toàn diện và đầy đủ. Bổ sung trong BLTTHS quy định “Người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo có quyền im lặng”.
Thứ sáu, tăng cường hơn nữa vị trí, vai trò của đội ngũ Luật sư, trợ giúp viên pháp lý… trong việc bảo đảm quyền im lặng của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo.
Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Văn Đức, Quyền im lặng và phán quyết của tòa, https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/quyen-im-lang-va-phan-quyet-cua-toa-20170623120826853.htm 2. Hoàng Điệp, Từ vụ hoa hậu Phương Nga, khi nào bị cáo được… im lặng?, https://tuoitre.vn/tu-vu-hoa-hau-phuong-nga-khi-nao-bi-cao-duoc-im-lang-1337952.htm 3. Ngọc Lê, Quyền im lặng được hiểu thế nào trong luật pháp Việt Nam?, https://thanhnien.vn/thoi-su/quyen-im-lang-duoc-hieu-the-nao-trong-luat-phap-viet-nam-1044397.html) 4. Lê Kiên, Công ước Liên hợp quốc không có “quyền im lặng”, https://tuoitre.vn/dai-bieu-do-van-duong-cong-uoc-lien-hop-quoc-khong-co-quyen-im-lang-762936.htm |
TRẦN VĂN HÙNG
Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4