/ Luật sư - Bạn đọc
/ Giáo viên được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường: Nhận định những hệ lụy

Giáo viên được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường: Nhận định những hệ lụy

26/08/2024 06:40 |

(LSVN) - Việc dạy thêm có thể mang lại các lợi ích nhất định cho học sinh nếu được thực hiện đúng cách và dưới sự quản lý chặt chẽ. Thay vì loại bỏ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hướng đến việc định rõ và quy định rõ ràng về hoạt động dạy thêm, đồng thời tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy thêm và đảm bảo rằng nó mang lại giá trị thực sự cho sự phát triển học tập của học sinh.

Ảnh minh hoạ. 

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, Điều 3 dự thảo này quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm nêu như sau: Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.

Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm. Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày.

Như vậy, so với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, dự thảo Thông tư không quy định các trường hợp không được dạy thêm như Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về ban hành quy định về dạy thêm, học thêm ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM nhìn nhận, việc dạy thêm đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong hệ thống giáo dục ở nhiều nơi. Sự biến tướng trong việc dạy thêm đã dẫn đến tình trạng tiêu cực ảnh hưởng đến học sinh và ngành giáo dục. Nếu chấp thuận cho việc dạy thêm mà không có sự quản lý và kiểm soát cẩn thận và kĩ lưỡng, có thể xảy ra những hệ lụy đáng lo ngại. Một trong những hệ lụy tiêu cực của việc dạy thêm là sự ép buộc học sinh phải tham gia học thêm, đồng thời dạy trước chương trình, dạy theo cách học thuộc lòng để đạt điểm số cao. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của học sinh, khi họ chỉ biết làm theo mà không thực sự hiểu bài. Thêm vào đó, tình trạng dạy thêm đang có dấu hiệu vì mục đích tài chính và thương mại có thể sẽ khiến cho việc dạy thêm trở nên không còn mang tính giáo dục mà biến thành hoạt động thương mại, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của học sinh.

Các vấn đề này đặt ra thách thức lớn đối với ngành giáo dục, khi không thể kiểm soát được sự lạm dụng của việc dạy thêm. Để giải quyết tình trạng tiêu cực này, cần thiết phải thiết lập hệ thống quản lý chặt chẽ, đánh giá chất lượng của các lớp học thêm, và đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, tâm huyết. Chỉ thông qua những biện pháp cụ thể và quyết liệt, việc dạy thêm mới có thể trở thành một phần quan trọng hỗ trợ cho quá trình học tập chính thức của học sinh mà không gây ra những tác động tiêu cực đối với hệ thống giáo dục.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, một số hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra do việc dạy thêm không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, như: Ảnh hưởng đến áp lực tinh thần; học sinh có thể phải chịu áp lực cao từ việc phải tham gia học thêm để đạt thành tích cao, dẫn đến căng thẳng, lo lắng; làm bất bình đẳng trong giáo dục; học sinh không có điều kiện tham gia học thêm có thể bị tổn thương về tinh thần khi thấy khoảng cách giữa mình và những bạn học thêm; bị phụ thuộc; học sinh có thể trở nên phụ thuộc vào việc dạy thêm và đánh đổi sự tự học và khám phá bản thân; chỉ quan tâm đến điểm số, thành tích; việc dạy thêm nhằm mục đích đạt điểm số cao có thể làm mất đi ý nghĩa thực sự của việc học và phát triển cá nhân của học sinh...

Những hệ lụy này cần được nhà trường, phụ huynh, cộng đồng, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chung tay cùng nhau giải quyết để đảm bảo rằng việc dạy thêm mang lại lợi ích thực sự cho sự phát triển toàn diện của học sinh mà không gây hậu quả tiêu cực.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải có trách nhiệm. Trong việc đối phó với tình trạng biến tướng của việc dạy thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạ cần hướng đến các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ các tiêu cực như áp lực quá mức lên học sinh, tinh thần thương mại và thiên về mục tiêu điểm số. Điều này có thể thực hiện thông qua việc xây dựng các chính sách quản lý chặt chẽ, đánh giá và kiểm soát chất lượng các lớp học thêm, đồng thời xây dựng và thúc đẩy một bối cảnh giáo dục tích cực, khích lệ sự sáng tạo và phát triển toàn diện cho học sinh.

"Tuy nhiên, việc dạy thêm có thể mang lại các lợi ích nhất định cho học sinh nếu được thực hiện đúng cách và dưới sự quản lý chặt chẽ. Thay vì loại bỏ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hướng đến việc định rõ và quy định rõ ràng về hoạt động dạy thêm, đồng thời tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy thêm và đảm bảo rằng nó mang lại giá trị thực sự cho sự phát triển học tập của học sinh", Luật sư Bình nêu quan điểm.

Để khắc phục những hệ luỵ kể trên, Luật sư Bình cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ cho giáo viên: Cần xem xét và cải thiện chất lượng đào tạo của giáo viên để đảm bảo rằng họ có đủ kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy hiện đại, họ cũng cần được huấn luyện về tính chuyên nghiệp và đạo đức trong việc dạy thêm.

Thứ hai, hỗ trợ cho phụ huynh, người giám hộ của học sinh: cần thông qua các chương trình giáo dục cho phụ huynh, giúp họ hiểu rõ vai trò và tác động của việc dạy thêm đối với sự phát triển của con em mình, cũng như cách thức để lựa chọn các dịch vụ dạy thêm chất lượng.

Thứ ba, nghiên cứu và đánh giá kĩ lưỡng trước khi ban hành các quy định về việc dạy thêm: Bộ cần thực hiện nghiên cứu và đánh giá sâu hơn về tác động của việc dạy thêm đối với học sinh, ví dụ như tác động đến sức khỏe tinh thần, sự phụ thuộc và chất lượng kiến thức.

Thứ tư, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý: Cần thiết lập các chính sách, quy định về hỗ trợ để giảm tại sự áp lực về điểm số, tạo điều kiện để học sinh có thể phát triển toàn diện và không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào việc dạy thêm...

Ý NHƯ

Người lao động có thể đóng khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp để hưởng chế độ

 

Nguyễn Mỹ Linh