/ Góc nhìn
/ Bỏ thanh tra cấp huyện là hợp lý!

Bỏ thanh tra cấp huyện là hợp lý!

19/04/2022 17:33 |

(LSVN) - Liên quan đến dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đang có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên duy trì cơ quan thanh tra ở một số sở, ngành thuộc UBND tỉnh nữa hay không? Đặc biệt là tranh luận khá gay gắt ở ngay tại nghị trường về việc có nên duy trì thanh tra cấp huyện hay không?

Ảnh minh họa.

Có thể khẳng định, đã thực hiện quản lý nhà nước về bất cứ ngành, lĩnh vực nào đều phải gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, việc đề xuất bỏ tổ chức thanh tra ở một số sở, ngành là không hợp lý, bất cập cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định. Tuy nhiên, việc bỏ thanh tra cấp huyện là hợp lý, có cơ sở để xem xét, bởi các lý do sau.

Cụ thể, thứ nhất, việc thực hiện thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra của Đảng ở một số địa phương đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, rất thiết thực điển hình như ở tỉnh Quảng Ninh hay huyện Ia H'Drai (Kon Tum) và nhiều địa phương khác... Do đó, việc hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra và kiểm tra là hoàn toàn khả thi, hiệu quả đã được thực tiễn kiểm chứng. Thế nên, việc bỏ thanh tra cấp huyện và chuyển chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này hợp nhất với cơ quan kiểm tra Đảng ở cấp huyện là hợp lý.

Thứ hai, hiện nay ở cấp tỉnh ngoài cơ quan thanh tra tỉnh còn có tổ chức thanh tra của các sở, ngành để thực hiện thanh tra trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước liên quan. Vì thế, vẫn duy trì tổ chức thanh tra cấp huyện là chưa hợp lý sẽ làm bộ máy, biên chế thêm cồng kềnh, nhất là dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra do cả cấp tỉnh, cấp huyện đều thực hiện thanh tra, kiểm tra ở cùng địa bàn, cùng đối tượng...

Thứ ba, với chủ trương là tinh giản bộ máy, biên chế, nhất giảm tối đa các cấp trung gian, bộ phận trung gian, chuyển tiếp nên việc bỏ thanh tra cấp huyện là hoàn toàn hợp lý. Bởi, không có thanh tra cấp huyện thì vẫn có cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh, thậm chí cả cơ quan thanh tra, quản lý bộ, ngành ở trung ương đảm đương nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại cấp huyện, cấp xã một cách bình thường, hiệu quả và khách quan.

Thứ tư, ngoài ra, việc duy trì thanh tra ở cấp huyện có thể dẫn đến nguy cơ không khách quan, minh bạch trong việc thanh tra, thực hiện kết luận vì "đều quen biết nhau cả". Chưa kể, hiện việc luân chuyển, chuyển đổi công tác được tiến hành thường xuyên, liên tục không chỉ từ phòng, ban cấp huyện mà liên thông cả huyện xuống xã và ngược lại.

Vì vậy, có thể hôm nay là đối tượng thanh tra nhưng ngày mai lại là chủ thể thực hiện thanh tra. Do đó, dẫn đến việc nhiều cuộc thanh tra làm qua loa, "không đến nơi đến chốn", kém hiệu quả, không đạt yêu cầu. Thường thì chỉ những trường hợp dấu hiệu vi phạm quá rõ ràng hoặc bị dư luận phản ánh, lên tiếng thì mới 'buộc" phải làm đến cùng sự thật mà thôi.

Ngoài ra, theo quy trình hiện nay, ở cấp huyện khi có dấu hiệu sai phạm thì cơ quan thanh tra nhà nước sẽ vào cuộc thanh tra. Trường hợp nếu có sai phạm sẽ tiếp tục chuyển cơ quan kiểm tra để kiểm tra và xử lý về mặt Đảng đối với các cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời, chuyển cơ quan điều tra, cơ quan liên quan nếu có hành vi vi phạm, tội phạm để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, việc xử lý vi phạm sẽ kéo dài khá lâu vì phải qua nhiều quy trình, thủ tục theo quy định. Thậm chí, nhiều trường hợp người vi phạm đã nghỉ hưu hoặc đã chết mà vụ việc xử lý chưa xong. Chính điều này dẫn đến đôi khi việc xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân không có hiệu quả, không đủ sức răn đe, phòng ngừa đối với các trường hợp tương tự về sau.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ các dự án đất đai có dấu hiệu vi phạm

Lê Minh Hoàng