Ảnh minh họa.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo báo cáo, tổng hợp từ phương án tổng thể của 53 tỉnh, thành thực hiện sáp nhập huyện, xã, Chính phủ cho biết giai đoạn 2023-2025 có 49 đơn vị hành chính cấp huyện được sáp nhập. Trong số này có 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 18 đơn vị khuyến khích và 22 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp, dự kiến giảm 13 huyện. Với cấp xã, tổng số đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp là 1.247, gồm: 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị khuyến khích và 391 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 624 xã.
Chính phủ cho biết tính đến ngày 25/4, có 4 địa phương là Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Cần Thơ đã gửi đến Bộ Nội vụ hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Bên cạnh đó, qua khảo sát từ thực tế của Bộ Nội vụ ở các địa phương, Chính phủ nêu một số khó khăn trong sáp nhập huyện, xã. Trước hết, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù khá lớn (21/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 70% và 508/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 40,54%). Do đó, việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh.
Việc sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước tháng 10 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 nên gặp thách thức về thời gian bởi đây là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ.
Sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng cán bộ, công chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cũng là một khó khăn được Chính phủ đề cập. Theo nhận định của Chính phủ, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp nhiều, lại tiến hành đồng thời với tinh giản biên chế. dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, người lao động dự kiến dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 rất lớn. Trong khi đó, số lượng dôi dư từ giai đoạn 2019-2021 ở một số địa phương đến nay vẫn chưa giải quyết xong nên công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương càng thêm gánh nặng...
Với loạt khó khăn đặt ra, Chính phủ kiến nghị cho gia hạn thời gian bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đến ngày 31/12/2025. Chính phủ cũng đề nghị hướng dẫn việc cấp kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh, thành thực hiện sắp xếp theo hướng giao Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2024 hoặc năm 2025.
LINH NHI
Công bố kết quả rà soát giá vé máy bay của các hãng hàng không trong nước