Ảnh minh họa.
Theo VCCI, Điều 5.25 của dự thảo đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm. Quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, ngưỡng doanh thu không chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. So sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm, và nếu có hai người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.
Nếu giả định trung bình mỗi người lao động có một người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào, trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này.
Các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau, dù có thể cùng một mức doanh thu. Đơn cử, với lĩnh vực thương mại hàng hoá (như cửa hàng bán lẻ, tạp hoá) có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, phần thu nhập mà cá nhân kinh doanh được hưởng không lớn và số thuế thu được chỉ từ 1,5 triệu đồng mỗi năm. Trong khi đó, với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chi phí đầu vào không đáng kể, phần giá trị gia tăng làm ra lớn hơn và số thuế phải nộp cao hơn, thấp nhất 7,5 triệu đồng/năm.
Từ những phân tích này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của của hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 đến 200 triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, cân nhắc phân loại theo ngành nghề tương tự như tại Điều 12.2.b của dự thảo về phương pháp tính thuế trực tiếp, ví dụ ngành phân phối, cung cấp hàng hoá có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng…
PV