Ảnh minh họa.
Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, có 12 hành vi được xác định là tham nhũng, trong đó phần lớn là các hành vi tham nhũng xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân và được xác định là tội phạm, bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài việc đối tượng tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì tài sản do phạm tội tham nhũng mà có cũng bị thu hồi, bị tịch thu để xung công quỹ Nhà nước hoặc trả lại cho người bị hại.
Mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng
Chính sách đấu tranh với tội phạm tham nhũng là nghiêm minh và thu hồi tài sản để giảm bớt những thiệt hại đối với nhà nước và xã hội. Đây là chính sách xuyên suốt trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian qua.
Theo ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV, cần coi thu hồi tài sản là một trong những chính sách quan trọng phải ưu tiên hàng đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng: “Việc thu hồi tài sản tham nhũng nằm ở chỗ các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra. Trong đó, ngay từ giai đoạn đầu phải được xử lý luôn để tránh thất thoát và bị tẩu tán. Sau khi có quyết định khởi tố điều tra, tạm giam, khám xét thì song song với đó cần điều tra xác minh và phong tỏa tài sản, tài khoản. Cùng với việc tăng cường công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng thì việc tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng cần nâng cao”.
Những mục tiêu, chính sách và kết quả đạt được trong thời gian qua thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, để làm cho mọi người có đủ bốn điều kiện: (1) không cần tham nhũng, (2) không thể tham nhũng, (3) không muốn tham nhũng, (4) không dám tham nhũng. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các giải pháp này chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Đến nay tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Bởi vậy Đảng và Nhà nước ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đưa ra nhiều chính sách, giải pháp để phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó quy định: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa; sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng”.
Như vậy, có thể thấy rằng nội dung Chỉ thị này chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại cũng như phương hướng để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, xuất phát từ những nguyên nhân, tồn tại thực tế như:
Việc sử dụng tiền mặt trong lưu thông còn khá lớn dẫn đến việc các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi tham nhũng và dễ dàng cất giấu tài sản tham nhũng. Việc truy tìm tài sản tham nhũng là tiền mặt là rất khó khăn bởi việc chuyển giao cũng không có dấu vết, việc cất giấu lại càng dễ dàng nên với những tài sản tham nhũng là tiền mặt hoặc đã được chuyển hóa thành tiền mặt thì rất khó phát hiện và thu giữ;
Việc quản lý các tài khoản ngân hàng hiện nay còn lỏng lẻo, việc mở các tài khoản ngân hàng cũng như chuyển tiền ra nước ngoài còn dễ dàng nên các đối tượng thực hiện tội phạm tham nhũng dễ dàng sử dụng tài khoản mang tên người khác để nhận tiền tham nhũng và cũng từ đó chuyển tiền ra nước ngoài hoặc rút ra cất giấu khiến việc phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn;
Đối với các tài sản có đăng ký quyền sở hữu như đất đai, nhà ở, xe ô tô… thì trên thực tế việc đứng tên hộ, tên giùm người khác còn khá phổ biến. Bởi vậy các đối tượng tham nhũng rất dễ dàng nhờ người thân, bạn bè đứng tên hộ tài sản do phạm tội mà có để cất giữ, che giấu tài sản phạm tội;
Việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua được thực hiện chỉ mang tính hình thức, rất nhiều người kê khai không trung thực, khai là không có tài sản nhưng đời sống rất sung túc, ở trong biệt thự đắt tiền, đi xe sang, mặc hàng hiệu nhưng toàn là xe mượn, người khác đứng tên... Thực tế đó làm xấu đi hình ảnh của cán bộ, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền;
Việc quản lý tài chính, tiền tệ, quản lý kinh tế còn nhiều sơ hở, chưa chặt chẽ dẫn đến hành vi tham nhũng dễ dàng diễn ra và dễ dàng cất giấu tài sản tham nhũng bằng các hình thức rửa tiền, nhờ người khác đứng tên giùm, tên hộ tài sản hoặc cất giấu tài sản một cách dễ dàng. Ngoài ra nhiều đối tượng còn mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài rồi chuyển tiền ra nước ngoài trốn tránh sự phát hiện và xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật;
Quy trình tố tụng kéo dài, việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tài sản do phạm tội mà có được thực hiện không triệt để ở nhiều nơi dẫn đến các đối tượng dễ dàng tẩu tán tài sản. Đối với những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn nói riêng và các vụ án hình sự nói chung thì việc khởi tố vụ án hình sự phải trải qua quá trình xác minh tin báo, có thể vài tháng thậm chí vài năm mới có kết quả khởi tố vụ án hình sự, rồi mới khởi tố bị can. Trong khi đó, khi phát hiện ra hành vi phạm pháp có thể bị bại lộ thì các đối tượng phạm tội đã nhanh chân tẩu tán tài sản, sang tên tài sản cho người khác hoặc những người đứng tên hộ tài sản của các đối tượng này tiếp tục sang tên cho người thứ ba hoặc chuyển tiền ra nước ngoài. Khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra tiến hành xác minh tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản của đối tượng phạm tội thì đối tượng không có đứng tên tài sản nào cả mặc dù tài sản tham nhũng có thể hàng ngàn tỷ đồng... Bản thân các đối tượng phạm tội tham nhũng đều là người có chức vụ, quyền hạn, có hiểu biết pháp luật nên thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt, có đồng phạm và có rất nhiều cách để che giấu hành vi phạm tội cũng như tẩu tán tài sản. Số tài sản mà các đối tượng tham nhũng đứng tên là rất ít ỏi. Khi phát hiện, xử lý thì việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thiếu quyết liệt, không triệt để dẫn đến có thời cơ, cơ hội cho các đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản, tiếp tục sang tên nốt các tài sản mà mình đang đứng tên cho người khác để trốn tránh nghĩa vụ dân sự với nhà nước, với cơ quan tổ chức có liên quan. Một số vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chậm trễ trong việc xác minh tài sản, chậm trễ trong việc ra các quyết định ngăn chặn như kê biên, niêm phong, cấm tẩu tán tài sản, phong tỏa tài khoản... Đến khi xét xử thì không phát hiện được tài sản của các đối tượng phạm tội nên không có cơ hội để thi hành án. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp các đối tượng phạm tội có các con, cháu, họ hàng rất ít tuổi và không có nghề nghiệp gì nhưng vẫn đứng tên những tài sản là bất động sản rất lớn, không chứng minh được nguồn gốc. Tuy nhiên cơ quan tố tụng cũng chưa quyết liệt, đồng thời cũng chưa có căn cứ pháp lý vững chắc để có thể thu hồi những tài sản này. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tài sản có thể nhìn thấy nhưng không chứng minh được để thu hồi cho Nhà nước;
Trong các nhóm tội phạm thì tội phạm về chức vụ là khó giải quyết, khó xử lý bởi các đối tượng phạm tội đều có chức vụ quyền hạn, có nhiều mối quan hệ trong xã hội nên gây áp lực cho cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa quyết liệt, chưa triệt để, thậm chí có thể e dè, nể nang dẫn đến chậm thực hiện các biện pháp ngăn chặn, vô tình tiếp tay cho các đối tượng phạm tội có cơ hội để tẩu tán tài sản.
Đó là những nguyên nhân cơ bản khiến việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và thu hồi tài sản do tham nhũng, trong những vụ án tội phạm về chức vụ nói riêng khó được thực hiện. Tâm lý trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, che giấu hành vi phạm tội, tẩu tán tài sản là tâm lý chung của tội phạm, khi có điều kiện, thời cơ thì các đối tượng phạm tội sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để che giấu hành vi của mình cũng như tẩu tán tài sản. Nhiều đối tượng khi bị phát hiện sẵn sàng không khai báo, không nộp lại tài sản do phạm tội mà có, kiên quyết giữ tài sản phạm tội bằng tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con” vì số tiền mà các đối tượng này đã tham nhũng được rất lớn, có thể khiến đời con cháu họ sống sung sướng lâu dài, bản thân họ không còn phải lo nghĩ cho con cháu của họ nữa.
Các thủ đoạn tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng
Có rất nhiều thủ đoạn để các đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản sau khi chiếm đoạt, trong đó có thể kể đến như:
Để vợ/chồng, con hoặc người thân trong gia đình nhận tiền, tài sản tham nhũng rồi họ chuyển hóa thành các tài sản khác như bất động sản, cổ phần doanh nghiệp hoặc thực hiện các hoạt động rửa tiền khác khiến việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp khó khăn đồng, thời việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có không hề đơn giản;
Với các tài sản tham nhũng mà các đối tượng nhận được là tiền mặt, đô la Mỹ thì các đối tượng rất dễ dàng có thể chuyển giao cho người khác mà không để lại dấu vết gì, nhờ người khác đứng tên hộ, cất giữ hộ hoặc thực hiện các hoạt động rửa tiền để có nguồn thu nhập hợp pháp;
Khi có được tài sản tham nhũng thì các đối tượng nhờ vợ/chồng, con, cháu, người thân trong gia đình đứng tên đối với các bất động sản sau đó ký các hợp đồng thuê lại, mượn lại, ủy quyền sử dụng để tiếp tục sử dụng nhưng không phải là của mình. Các trường hợp như vậy tương đối phổ biến khiến. Khi phát hiện, xử lý thì không có cơ sở pháp lý vững chắc để có thể thu hồi các tài sản này;
Khi bị phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố thì các đối tượng thực hiện thủ tục ly hôn giả để chuyển giao toàn bộ tài sản cho vợ/chồng và sang tên cho các con. Đến khi bị khởi tố, bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn để không tẩu tán tài sản thì đối tượng không còn đứng tên tài sản nào khác dẫn đến việc phát hiện cũng như thu hồi tài sản do phạm tội mà có gặp nhiều khó khăn;
Khi chiếm đoạt được tài sản, tham nhũng được tài sản thì các đối tượng chuyển tiền vào ngân hàng nước ngoài có tính bảo mật cao để các cơ quan bảo vệ pháp luật khó phát hiện cũng như khó có thể xử lý, thu hồi được...
Kiến nghị một số giải pháp để ngăn chặn tẩu tán, thu hồi tài sản tham nhũng
Có nhiều giải pháp để ngăn chặn tẩu tán tài sản, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, trong đó có thể kể đến các giải pháp cơ bản như:
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để làm rõ các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sở hữu tài sản, các trường hợp hợp đồng vô hiệu do nội dung trái pháp luật, nhằm tẩu tán tài sản; xây dựng cơ chế, chính sách để minh bạch hóa về tài sản, không để hiện tượng đứng tên hộ, tên giùm đối với các tài sản có đăng ký quyền sở hữu cũng như tài khoản ngân hàng. Xây dựng cơ chế chính sách phối hợp trong các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan tổ chức có liên quan để truy tìm và thu hồi tài sản do phạm tội mà có;
Tăng cường công tác quản lý đất đai, tiến hành khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các thửa đất, cần quy định điều kiện về chứng minh nguồn thu nhập hợp pháp mới được phép sử dụng để mua và đứng tên bất động sản. Với những trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng, sở hữu bất động sản bằng các giao dịch mua bán, chuyển nhượng mà nguồn tiền không rõ ràng, không minh bạch thì kiên quyết không thực hiện thủ tục. Đối với những tài sản là bất động sản mà không rõ nguồn gốc, không chứng minh được nguồn gốc thì Nhà nước có thể thu hồi hoặc xử phạt với mức tiền lớn đồng thời chuyển cho cơ quan điều tra xem xét làm rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm (rất nhiều quốc gia phát triển đang áp dụng biện pháp quản lý như vậy để các đối tượng có được tài sản do phạm tội mà có không có cơ hội cất giấu vào bất động sản);
Quản lý chặt chẽ việc mở tài khoản tại ngân hàng, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn phải kê khai các tài khoản ngân hàng mà họ sử dụng. Trường hợp phát hiện ra việc cho thuê, cho mượn, sử dụng tài khoản ngân hàng của người khác trái phép thì cần có những biện pháp hành chính, thậm chí hình sự để tránh việc các đối tượng phạm tội nhờ tài khoản ngân hàng của người khác để chuyển tiền phải cất giấu, giữ tài sản gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý tội phạm. Cần phải gắn trách nhiệm với các tổ chức tín dụng cũng như với những người đứng tên tài khoản khi để xảy ra các trường hợp cho mượn tài khoản, chuyển tiền hộ, giữ tiền hộ, tiếp tay cho hành vi tham ô, tham nhũng;
Kiểm soát chặt chẽ việc công dân Việt Nam mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài và chuyển tiền ra nước ngoài để hạn chế cơ hội cho các đối tượng chuyển tài sản do phạm tội mà có sang các ngân hàng của các quốc gia có tính bảo mật cao;
Cần có những quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức về những tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì Nhà nước thu hồi. Tuy nhiên quy định này chỉ có thể thực hiện khi việc quản lý tài sản trong xã hội được thực hiện triệt để, minh bạch tránh trường hợp xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân;
Cần ban hành các quy định pháp luật cũng như tổ chức thực hiện việc tuyên bố các hợp đồng, giao dịch dân sự vô hiệu do tẩu tán tài sản, thủ tục tuyên bố vô hiệu nhanh gọn, đơn giản và có những án lệ rõ ràng để có thể vận dụng khi phát hiện ra những hiện tượng có dấu hiệu tẩu tán tài sản;
Cần sửa đổi bổ sung các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự cũng như tố tụng dân sự để dễ dàng vận dụng, áp dụng trên thực tế và nâng cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ngay từ khâu xác minh tin báo tố giác tội phạm, tránh trường hợp luật đã có quy định nhưng các cơ quan tố tụng thờ ơ, thậm chí tiếp tay cho hành vi tẩu tán tài sản;
Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý nói chung và quản lý tài sản nói riêng để kịp thời phát hiện tham nhũng cũng như truy lùng dấu vết tài sản tham nhũng, phong tỏa, kê biên để thu giữ, xử lý theo quy định pháp luật;
Hạn chế sử dụng tiền mặt trong lưu thông, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức chỉ được sử dụng những tài khoản ngân hàng có đăng ký để các giao dịch, truy xuất được nguồn tiền. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các tài khoản ngân hàng ngoài tài khoản đã đăng ký thì cần phải xử phạt nghiêm, thậm chí thu hồi số tiền trong các giao dịch đó để tránh việc tẩu tán tài sản tham nhũng. Các đối tượng cho mượn, cho nhờ, cho thuê tài khoản để các đối tượng tham nhũng sử dụng nhằm tẩu tán hoặc che giấu tài sản thì cũng cần áp dụng các chế tài hình sự thì mới đủ sức răn đe;
Khi các tài sản trong xã hội được quy chủ, quản lý chặt chẽ, xác định rõ ràng thì không còn chỗ để cất giấu tài sản tham nhũng. Khi các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng khẩn trương, kịp thời, ngăn chặn tài sản của các đối tượng phạm tội, xử lý nghiêm đối với hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tẩu tán tài sản thì việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có nói chung và tài sản tham nhũng mới có thể có hiệu quả;
Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là thi hành án đối với các tài sản về tham nhũng, chức vụ để khi tài sản đã được phát hiện, bị phong tỏa thì việc thi hành án nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả, đúng pháp luật, bảo đảm công bằng cho các bên liên quan;
Thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản cán bộ, xử lý nghiêm các hành vi kê khai không trung thực để kịp thời phát hiện và xử lý tham nhũng;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện cũng như xử lý tham nhũng. Khi phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì cần phải áp dụng khẩn trương, kịp thời các biện pháp ngăn chặn để truy lùng, khoanh vùng, phong tỏa các tài sản có nghi ngờ liên quan đến phạm tội tham nhũng...
Một nguyên tắc chung là khi việc quản lý kinh tế được chặt chẽ, quản lý tài sản trong xã hội rõ ràng, minh bạch, không có chỗ cất giấu tài sản tham nhũng thì hiện tượng tham nhũng sẽ giảm đi, bên cạnh đó việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có được thực hiện một cách dễ dàng, bảo đảm công bằng và khắc phục được những hậu quả do hành vi phạm tội đã gây ra đối với xã hội. Việc thực hiện các giải pháp này cần phải được thực hiện đồng bộ từ giải pháp về pháp luật, cơ chế chính sách, giải pháp về nguồn nhân lực, giải pháp về khoa học kỹ thuật... thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mới đạt hiệu quả tốt, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có mới có hiệu quả.
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Quyền bào chữa của bị can, bị cáo – Một số hạn chế, vướng mắc và giải pháp hoàn thiện