Ảnh minh họa.
1. Thực tiễn áp dụng một số vụ án về tội "Cưỡng đoạt tài sản"
Vụ án thứ nhất:
Trên cơ sở điều tra, xác định: vào ngày 2/01/2018, anh Nguyễn Văn T, có vay của Nguyễn Công Nh số tiền 300.000.000 đồng, thời hạn vay 60 ngày. Hai bên viết giấy vay tiền dưới hình thức đặt cọc mua bán căn nhà do anh Tân đứng tên. Đến hạn trả nợ, Nguyễn Công Nh nhiều lần tìm gặp để đòi nợ nhưng anh T tránh mặt và khất lần không trả nợ. Nh sau đó đã nhờ Nguyễn Văn D tìm cách đe doạ anh T để buộc anh T trả nợ, D đồng ý. Sau nhiều lần trao đổi qua điện thoại bàn cách thức đe doạ. Khoảng 17h27 ngày 20/7/2018, D rủ Trương Văn Đ đến nhà anh T quát tháo và chửi anh T rồi bắt anh T phải ghi giấy nhận nợ D là 400 triệu đồng. Bởi vì, theo lời của D, đây là số tiền gốc và lãi mà Nh đã mượn của D để cho anh T vay. Anh T vì quá lo sợ nên đã đồng ý viết giấy vay D với số tiền 400.000.000 đồng với lý do đặt cọc mua bán nhà, hẹn đến ngày 05/8/2018 thanh toán. Sau khi anh T viết giấy vay nợ, D cầm và yêu cầu anh T trong vòng 15 ngày phải trả đủ số tiền trên và cùng cả nhóm đi về. Sau đó, D tiếp tục gọi điện, nhắn tin đe doạ anh T để buộc anh T trả tiền. Tiếp tục những ngày sau đó, nhóm của D có những hành vi như khoá cửa nhà, gặp con trai của anh T để đe doạ tinh thần anh T và mua mắm tôm ném vào nhà anh T. Cho đến khoảng 17h ngày 8/8/2018 Nguyễn Văn D cùng Bùi Anh Tr dùng xe máy đuổi đánh anh T. Sau khi chạy thoát, anh T gọi điện báo Cảnh sát 113. Sau đó, công an phường Mễ Tr đã mời những người có liên quan để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của anh T.
- Theo Cáo trạng số 124/QĐ-VKSNTL ngày 3/5/2019, truy tố hành vi nêu trên của Nguyễn Công Nh và đồng phạm về tội "Cưỡng đoạt tài sản" tại điểm a, khoản 3 Điều 170 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”;
- Tại Bản án số 310/2019/HSST của TAND quận NTL ngày 29/11/2019, Toà án áp dụng khoản 3 Điều 170, ra quyết định xét xử bị cáo Nguyễn Công Nh và Nguyễn Văn D với mức án là 7 năm tù, các đồng phạm khác có mức án là 3 năm tù hoặc 6 năm tù. Bản án này sau đó đã bị các bị cáo viết đơn kháng cáo.
Trong phiên toà xét xử phúc thẩm, Toà án ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, sau 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm như lúc đầu.
Vụ án thứ hai:
Trên cơ sở điều tra, xác định như sau: chị Đinh Thị Lệ Th đăng lên mạng facebook tìm việc làm thêm tại nhà. Ngày 9/3/2022 một người tên Ph (không rõ lai lịch) sử dụng số điện thoại lạ gọi cho chị Th để trao đổi và đề nghị Th làm thủ tục xuất trình, gửi uỷ nhiệm chi của Công ty TNHH dịch vụ xây dựng Cơ Điện cho khách hàng của công ty với giá một lần gửi uỷ nhiệm chi là 600.000 đồng, Th đồng ý. Theo nội dung trao đổi trước đó, ngày 10/3/2022 Th nhận được Thư dịch vụ chuyển phát nhanh (không ghi người gửi) gồm hai uỷ nhiệm chi. Khoảng 14h ngày 13/3/2022, Ph tự xưng là nhân viên của công ty Cơ điện gọi vào sdt của Võ Trong Ngh nói muốn vay số tiền khoảng 1 tỉ 100 triệu đồng để công ty Cơ điện làm thủ tục đáo hạn. Ngh hỏi ngân hàng nào, thì Ph trả lời là ngân hàng ACB, Ngh đồng ý và thông báo lãi suất là 3%/1 lần giao dịch, Ph đồng ý. Ph nói sẽ có nhân viên Công ty liên hệ và đi cùng Ngh ra ngân hàng để thực hiện giao dịch. Ph hẹn ngày 15/3/2022 sẽ thực hiện giao dịch đồng thời cho Ngh xem trước các thủ tục chuyển tiền và uỷ nhiệm chi. Sau đó, Ph liên lạc với chị Th thực hiện thủ tục uỷ nhiệm chi với Ngh. Ph yêu cầu chị Th viết giấy uỷ nhiệm chi sau đó gửi lên nhóm zalo chung của 3 người để thống nhất. Sáng ngày 15/3/2022 Th và Ngh đến ngân hàng ACB. Ngh hỏi Th thủ tục để làm uỷ nhiệm chi, thì Th trả lời đã đưa cho ngân hàng rồi. Ngh đến gặp nhân viên ngân hàng tại quầy số 1 hỏi thì nhân viên trả lời đã nhận và kiểm tra uỷ nhiệm chi, xác nhận đúng thông tin và thực hiện giao dịch được. Do vậy, Ngh đưa thẻ tài khoản ngân hàng và căn cước công dân của Ngh cho nhân viên tại quầy để thực hiện việc chuyển số tiền 1.178.785.850 đồng từ tài khoản của Ngh sang tài khoản của công ty Cơ điện. Sau khi chuyển khoản thành công sang tài khoản công ty Cơ điện, nhân viên ngân hàng kiểm tra, nhận thấy mẫu dấu trên giấy uỷ nhiệm chi mà Th đưa là mẫu mới, đề nghị chị Th liên hệ công ty để cập nhật con dấu. Nhưng khi Th và Ngh liên lạc thì Ph đã tắt máy. Ngh đề nghị nhân viên ngân hàng phong toả tài khoản của công ty Cơ điện, nhưng nhân viên ngân hàng nói số tiền này đã bị chuyển vào một số tài khoản khác. Lúc này Ngh yêu cầu Th ra quán cà phê để giải quyết thì Th đồng ý. Sau đó, Ngh gọi thêm những người bạn khác đưa chị Th đến nhà trọ của Ng Quốc V để giải quyết. Th ngồi trên ghế, Võ Th Nh và Mai Văn L hỏi Th hướng giải quyết số tiền, chị Th nói không biết và không có trách nhiệm gì với số tiền này. Lúc này L lấy con dao màu đen rút ra để trước mặt chị Th đe doạ chém chị Th để Th khai ra thông tin của Ph. Sau đó Ngh cầm hai tờ giấy cam kết trả nợ đã đánh sẵn đi lên phòng có chị Th đang ngồi, Ng Quốc V vào bếp lấy 01 con dao và 1 thớt gỗ nhằm đe doạ chặt đứt tay chị Th để Th sợ và ký vào giấy cam kết trả nợ. V dùng hai tay nắm lấy tay phải của Th và đe doạ “mày không ký tao chặt tay mày” làm cho Th sợ hãi và khóc. Đặng Văn A đứng phía sau đè vào lưng Th để buộc Th ký tên và lăn tay màu đỏ. Sau đó, nhóm của Ngh tiếp tục khống chế chị Th để đòi nợ. Đến ngày 16/3/2022 chị Th ra Phường 25, quận Bình Thạnh trình báo sự việc.
Theo Cáo trạng số 159/CT-VKS quận P, TP. Hồ Chí Minh ngày 8/03/2024 kết luận: hành vi của bị can Võ Trong Ngh và đồng phạm phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản" thuộc trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000 đồng trở lên được quy định tại điểm a, Khoản 4 Điều 170 BLHS năm 2015.
2. Vấn đề cần trao đổi về việc áp dụng quy định pháp luật trong các vụ án
Về dấu hiệu mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” của tội "Cưỡng đoạt tài sản"
Tại khoản 1 Điều 170 quy định như sau: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Căn cứ vào quy định này, tội "Cưỡng đoạt tài sản" có các dấu hiệu định tội bao gồm:
- Dấu hiệu chủ thể: Là người đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự;
- Dấu hiệu hành vi khách quan: Hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi (thủ đoạn) khác uy hiếp tinh thần người quản lý tài sản;
- Dấu hiệu lỗi: Chủ thể thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp;
- Dấu hiệu mục đích: Nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, mục đích thực hiện hành vi đe doạ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác của tội "Cưỡng đoạt tài sản" (và các tội phạm ở các Điều 168, 169 BLHS năm 2015) là nhằm chiếm đoạt tài sản.
Về dấu hiệu định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ…” từ khoản 2 đến khoản 4 của Điều 170 BLHS quy định
- Điểm d khoản 2 Điều 170 BLHS quy định: “Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”;
- Điểm a khoản 3 Điều 170 BLHS quy định: “Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”;
- Điểm a khoản 4 Điều 170 BLHS quy định: “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”.
Có thể thấy, tại khoản 1 Điều luật thể hiện rõ: “chiếm đoạt chỉ được quy định là mục đích nên việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành của tội "Cưỡng đoạt tài sản" chỉ phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần được mô tả trong điều luật mà không phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản hay chưa” (1).
Như vậy, căn cứ vào quy định của khoản 1 Điều này, các dấu hiệu trên là dấu hiệu định tội để làm cơ sở truy cứu bị cáo về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Do đó, trong Bản cáo trạng, của VKSND và Bản án toà án Quận NTL và Bản cáo trạng của VKSND Quận P, TP. HCM căn cứ vào số tiền mà các bị cáo hướng tới chiếm đoạt để làm căn cứ định khung tăng nặng là chưa chính xác với tinh thần của Điều luật đối với dấu hiệu định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ…”, gây bất lợi cho người bị buộc tội, không đảm bảo tính nhân đạo của Nhà nước trong chính sách hình sự hiện nay. Bởi vì:
Cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản” của điều luật không khống chế định lượng giá trị tài sản một cách cụ thể mà người phạm tội “nhằm” chiếm đoạt là bao nhiêu. Do đó, dù các bị cáo có “nhằm” chiếm đoạt bao nhiêu đi nữa (một triệu hay từ 500 triệu trở lên) nếu người phạm tội mới chỉ “nhằm” chiếm đoạt mà chưa “chiếm đoạt” được của bị hại một giá trị vật chất cụ thể nào thì các bị cáo chỉ thoả mãn dấu hiệu cấu thành quy định tại khoản 1 của Điều 170 BLHS.
Đối với các khung hình phạt tăng nặng được quy định từ khoản 2 đến khoản 4 của Điều luật, nhà làm luật đã quy định rõ: “Chiếm đoạt tài sản có trị giá từ…” và quy định rõ giá trị, vật chất chiếm đoạt một cách cụ thể, không còn sử dụng cụm từ “nhằm chiếm đoạt”. Do đó, chỉ khi người phạm tội “chiếm đoạt” của bị hại được giá trị vật chất cụ thể bao nhiêu thì mới bị truy tố tương ứng với khung hình phạt mà Điều luật quy định.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà: “Để phân biệt giữa mục đích chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt với chiếm đoạt được cần có sự thống nhất về nhận thức khái niệm chiếm đoạt. Hành vi chiếm đoạt, xét về mặt khách quan là hành vi làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình và tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó. Như vậy, chiếm đoạt xét về mặt thực tế là quá trình vừa làm cho chủ tài sản mất tài sản vừa tạo cho người chiếm đoạt có tài sản đó” (2). Quan điểm này của tác giả Nguyễn Ngọc Hoà, cũng đồng nhất với quan điểm của các nhà nghiên cứu hoạt động trong thực tiễn. Theo đó, TS. Mai Bộ đưa ra các phân tích như sau: “Ngoài quy định tại Điều 169, thì tại Điều 168 và Điều 170 BLHS cũng có kết cấu như vậy. Tại khoản 1 của các Điều 168, 169 và 170 đều nêu (hoặc mô tả) hành vi phạm tội trước cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản… (mà không khống chế giá trị tài sản mà người phạm tội nhằm chiếm đoạt là bao nhiêu đồng)”; Còn tại các khoản 2, 3 và 4 của các điều luật này đều quy định “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”, “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”, “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên” là các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Như vậy, ngôn ngữ của điều luật đã thể hiện bản chất pháp lý của tội phạm (với tư cách là tình tiết định tội hay tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (3)).
Trong vụ án tại Quận P, TP. Hồ Chí Minh, đánh giá tất cả các khía cạnh, chứng cứ, tình tiết, hành vi thực tế xảy ra thì các bị cáo mới ép buộc chị Th (bị hại) ký giấy nợ số tiền 1.178.785.850 đồng, cho thấy các bị cáo mới “nhằm chiếm đoạt” số tiền nói trên, nên chưa làm cho chị Th mất khả năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt số tiền này và ngược lại các bị cáo cũng chưa chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt số tiền nói trên). Do đó, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này chỉ thoả mãn các dấu hiệu định tội trong cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 170 BLHS năm 2015. Điều này cũng được hiểu và vận dụng tương tự như vụ án tại Quận NTL, Hà Nội, các bị cáo chỉ mới đe dọa để bắt ép bị hại là anh T ký vào giấy vay nợ số tiền là 400.000.000 đồng, chứ trên thực tế chưa cầm nắm, chiếm giữ hoặc có quyền định đoạt được số tiền 400.000.000 đồng. Do vậy, không thể coi là các bị cáo đã “chiếm đoạt được”.
Từ các căn cứ trên cho thấy kết quả áp dụng pháp luật của các Cơ quan tiến hành tố tụng trong hai vụ án nói trên đã sử dụng tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị …” để áp dụng định khung hình phạt tăng nặng đối với các bị cáo theo khoản 3, 4 Điều 170 BLHS trong khi các bị cáo này mới chỉ thực hiện hành vi uy hiếp tinh thần nạn nhân với mong muốn chiếm đoạt được số tiền đó là truy tố trái với tinh thần của khoản 2, 3, 4 Điều 170 BLHS năm 2015, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, gây bất lợi cho các bị cáo và đi ngược lại nguyên tắc suy đoán có lợi cho người phạm tội trong Luật hình sự.
3. Đề xuất kiến nghị
Đối với các vụ án phạm tội cướp tài sản Điều 168, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản Điều 169 và tội "Cưỡng đoạt tài sản", tình tiết “nhằm chiếm đoạt tài sản” hoặc “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ…”, “về lịch sử, kỹ thuật lập pháp này đã tồn tại trong hầu hết các văn bản pháp luật hình sự, nhất là các BLHS được ban hành gần đây. Về ngôn ngữ pháp lý, thì quy định tại khoản 1 (tình tiết định tội) của các Điều luật 168, 169 và 170 BLHS năm 2015 đều có cụm từ nhằm chiếm đoạt tài sản… mà không khống chế giá trị tài sản mà người phạm tội nhằm chiếm đoạt là bao nhiêu. Tại các khoản tăng nặng định khung hình phạt đều có cụm từ Chiếm đoạt tài sản có giá trị… mà không phải là cụm từ nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị từ…” (4) Do đó, chỉ được áp dụng tình tiết định khung tăng nặng khi trên thực tế người phạm tội đã cầm nắm, chiếm giữ hoặc định đoạt được giá trị tài sản cụ thể lấy được từ nạn nhân.
Như vậy, ngôn từ mà Điều luật sử dụng trong khung hình phạt cơ bản ở khoản 1 hoặc khung hình phạt tăng nặng là thể hiện rõ bản chất pháp lý của tội phạm. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn tồn tại không ít các vụ án vận dụng sai nội dung của quy định, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người phạm tội. Từ thực tiễn tồn tại này, chúng tôi đề xuất cơ quan chức năng cần khẩn trương ban hành văn bản pháp luật hoặc văn bản rút kinh nghiệm để thống nhất về mặt nhận thức trong việc áp dụng pháp luật như sau: các cơ quan tư pháp chỉ được áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ….” trong các khoản 2, 3, 4 của Điều 170 BLHS năm 2015 và các tội phạm tương tự trong các Điều luật từ Điều 168 đến Điều 175 thuộc Chương các tội xâm phạm sở hữu, khi trên thực tế người phạm tội đã cầm nắm, chiếm giữ hoặc định đoạt được tài sản lấy được từ nạn nhân. Việc vận dụng đúng pháp luật trong áp dụng trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này là nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng cho người phạm tội, đồng thời để đạt được mục đích của việc truy cứu trách nhiệm hình sự đó là giáo dục, cải tạo để người phạm tội nhận thức ra sai lầm. Mục đích đó chỉ đạt được khi hình phạt được áp dụng là tương xứng, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Tài liệu tham khảo 1. Cáo trạng số 124/QĐ-VKSNTL của VKSND quận NTL, HN ngày 3/5/2019; 2. Bản án số 310/2019/HSST của TAND quận NTL, HN ngày 29/11/2019; 3. Cáo trạng số 159/CT-VKS của VKSND quận P, TP. Hồ Chí Minh ngày 8/03/2024; 4. Nguyễn Ngọc Hoà - chủ biên (2018), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nxb Tư pháp; 5. Mai Bộ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân) (14/10/2021), Bàn về tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” trong các tội xâm phạm sở hữu có cấu thành tội phạm hình thức; Tạp chí điện tử TAND; nguồn https://tapchitoaan.vn/public/ban-ve-tinh-tiet-%E2%80%9Cchiem-doat-tai-san-co-gia-tri%E2%80%A6%E2%80%9D-trong-cac-toi-xam-pham-so-huu-co-cau-thanh-toi-pham-hinh-thuc truy cập ngày 6/7/2024 |
(1) Nguyễn Ngọc Hoà - chủ biên (2018), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nxb Tư pháp; Tr278, 279. (2) Nguyễn Ngọc Hoà - chủ biên, Sđd Tr.263 (3) TS. Mai Bộ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân) (14/10/2021), Bàn về tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” trong các tội xâm phạm sở hữu có cấu thành tội phạm hình thức; Tạp chí điện tử Toà án nhân dân; nguồn https://tapchitoaan.vn/public/ban-ve-tinh-tiet-%E2%80%9Cchiem-doat-tai-san-co-gia-tri%E2%80%A6%E2%80%9D-trong-cac-toi-xam-pham-so-huu-co-cau-thanh-toi-pham-hinh-thuc truy cập ngày 6/7/2024 (4) TS. Mai Bộ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân) (14/10/2021), Bàn về tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị…” trong các tội xâm phạm sở hữu có cấu thành tội phạm hình thức; Tạp chí điện tử Toà án nhân dân; nguồn https://tapchitoaan.vn/public/ban-ve-tinh-tiet-%E2%80%9Cchiem-doat-tai-san-co-gia-tri%E2%80%A6%E2%80%9D-trong-cac-toi-xam-pham-so-huu-co-cau-thanh-toi-pham-hinh-thuc truy cập ngày 6/7/2024 |
TS. NGUYỄN THỊ BÌNH
Trưởng bộ môn Luật hình sự - Đại học Luật Huế
ThS. Luật sư HOÀNG VĂN QUANG
Công ty luật Quốc tế FDI - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Quyền của người bào chữa trong việc tiếp cận hồ sơ bệnh án của bị hại