Thời gian vừa qua, tình trạng “xe dù, bến cóc” bùng phát tại một số địa phương, đặc biệt là những nơi có mật độ dân cư đông như, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Điển hình cho tình trạng này đó là các loại xe du lịch, xe hợp đồng trá hình hoạt động như xe khách tuyến cố định trên nhiều tuyến phố. Tất cả các xe này đều thuộc các doanh nghiệp vận tải có văn phòng ở khắp nơi trong nội đô. Văn phòng là điểm bán vé, cũng là nơi nhà xe đón, trả khách.
Một thực tế cho thấy, trong khi xe khách tuyến cố định phải nộp thuế, phí đầy đủ, chịu chi phí bến bãi thì xe hợp đồng chỉ chịu thuế khoán theo diện hộ kinh doanh, không phải thực hiện kê khai giá cước, không mất chi phí ra vào bến xe... Tình trạng này dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với xe khách tuyến cố định, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.
Đơn thư doanh nghiệp vận tải gửi cơ quan chức năng và Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Về kinh doanh vận tải đối với xe theo tuyến cố định và xe hợp đồng được quy định rõ tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP. Trong đó, khoản 1, Điều 4 quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định phải: Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thì được đăng ký khai thác tuyến theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
Đối với xe hợp đồng, khoản 3, Điều 7 quy định: b) Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau;
c) Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;
d) Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
Quy định là vậy, nhưng các xe khách trá hình hoạt động núp bóng xe hợp đồng lại hoạt động như xe khách, hoạt động trên nhiều tuyến phố để đón, trả khách. Hành khách có nhu cầu chỉ cần gọi điện đặt chỗ, nhà xe thu tiền “tươi” và vận chuyển đến những địa điểm đã đặt.
Trong rất nhiều tuyến vận tải, tuyến Hà Nội-Nam Định là một ví dụ điển hình.
Tại địa bàn phường Lộc Hòa, TP. Nam Định, có hàng trăm chuyến xe hợp đồng hoạt động mỗi ngày. Các xe hợp đồng đa phần là loại xe 16 chỗ được hoán cải xuống còn 09-10 chỗ, bên ngoài xe được dán đề can màu đen với những dòng chữ quảng cáo, như: phi cơ mặt đất, limousine ghế masage, số điện thoại tổng đài văn phòng đặt chỗ được "phô diễn" công khai.
Lòng lề đường Đông A, phường Lộc Hòa, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định bị nhà xe hợp đồng biến thành bến dừng đón, trả khách.
Một số phòng văn các nhà xe trá hình như: Long Giang, Xe Việt Nam, Bình An ngang nhiên biến lòng lề đường thành bãi đỗ xe, điểm dừng đón trả khách, thu tiền ngay tại văn phòng. Vỉa hè vốn là nơi dành riêng cho người đi bộ cũng bị các nhà xe biến thành các bãi để xe máy, phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa.
Tại các huyện như: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu… các bến xe lại tạo điều kiện cho loại hình xe hợp đồng mở văn phòng ngay trong bến để hoạt động. Các tuyến xe này cũng lập văn phòng, địa điểm đón trả khách tại các điểm trung tâm huyện. Điển hình như nhà xe: Anh Khôi (huyện Giao Thủy); xe Bình An (huyện Nghĩa Hưng); và mới đây nhất là nhà xe Nam Định Limousine (huyện Hải Hậu)…
Về hình thức hoạt động, các nhà xe này công khai số điện thoại đặt vé, lập trang mạng để quảng cáo dịch vụ, lịch trình chạy, các điểm dừng đón, trả khách cụ thể… Khi khách hàng có nhu cầu chỉ cần liên hệ số tổng đài của các nhà xe, nhân viên văn phòng sẽ tư vấn lịch trình, điểm đón trả. Về tần suất hoạt động, trung bình 60 phút sẽ có 01 chuyến, chạy từ sáng sớm đến tối muộn. Sau khi gom khách sẽ chuyển đến văn phòng, tại đây nhân viên sẽ thu tiền của khách và ghi tên, số điện thoại vào danh sách theo một nhân viên nhà xe trên địa bàn phường Lộc Hòa, TP. Nam Định cho biết là “để cho có”?.
Theo phản ánh của người dân, cũng như các nhà xe chạy tuyến cố định thì việc các xe hợp đồng trá hình hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn giao thông, khi các xe này vào tận các ngõ ngách để đón, trả khách; chạy ẩu, lấn làn… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Bên cạnh đó là việc cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp hoạt động chân chính. Nhiều nhà xe tuyến cố định Nam Định-Hà Nội bị phá sản, làm ăn thua lỗ khi lượng khách giảm sút đáng kể.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được pháp luật quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP.
Theo đó, việc các nhà xe hợp đồng tự ý lập các văn phòng, bến bãi để đón, trả khách đã vi phạm các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các xe hợp đồng tự ý hoán cải xe 16 chỗ xuống 09 chỗ, thay đổi nội thất của xe tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo Luật sư, việc làm trên của các xe hợp đồng mục đích là để phục vụ hành khách, tuy nhiên hoạt động lại không tuân theo pháp luật, từ đó có thể dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, gây ra xung đột với hoạt động vận tải tuyến cố định, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Vấn đề này rất cần được các cơ quan chức năng chấn chỉnh, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
PV