/ Góc nhìn
/ Cần nâng mức hình phạt đối với tội phạm ‘tín dụng đen’

Cần nâng mức hình phạt đối với tội phạm ‘tín dụng đen’

22/05/2022 02:46 |

(LSVN) - Những năm gần đây, hoạt động “tín dụng đen” có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương, nhất là việc lợi dụng, núp bóng doanh nghiệp như: Các hiệu cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng,… Bên cạnh đó, hoạt động "tín dụng đen" do một băng nhóm có tổ chức hoặc một nhóm người thực hiện, hoạt động không cố định, thường xuyên di chuyển địa bàn để né tránh việc truy xét của lực lượng chức năng.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động "tín dụng đen" ngày càng tinh vi, phức tạp; tính chất hoạt động ngày càng mạnh động, liều lĩnh. Một trong những thủ đoạn thường thấy là hành vi câu dẫn để con nợ sập bẫy, sau đó bắt ép con nợ phải trả nợ với lãi suất "cắt cổ". Nếu con nợ không có tiền trả thì uy hiếp, cưỡng bức, tra tấn, đánh đập, dồn ép con nợ đến đường cùng, thậm chí chỉ dẫn con nợ thực hiện hành vi phạm tội để có tiền trả nợ. Khi thấy con nợ không có điều kiện trả nợ thì bắt ép người nhà đứng ra nhận nợ thay. 

Ảnh minh họa.

Thông thường, khi cho vay, đối tượng hoạt động "tín dụng đen" và người vay viết giấy vay nợ chỉ đề cập đến khoản vay mà không đề cập đến lãi suất; lãi suất được thỏa thuận bằng miệng, đây là một trong những chiêu thức để "lách luật", do đó, lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc tìm ra chứng cứ để xử lý hành vi phạm tội. 

Mặt dù, thời gian qua, lực lượng Công an thường xuyên ra quân trấn áp, xử lý đối với hoạt động "tín dụng đen" nhưng không thể ngăn chặn loại hình tội phạm này. Điều này cho thấy, hoạt động "tín dụng đen" vẫn là mảnh đất màu mỡ mà bọn tội phạm không dễ gì từ bỏ, khi mà xã hội vẫn còn những người có cầu vay vốn nhanh, không cần thế chấp, thủ tục nhanh, gọn và không lường trước hậu quả  của việc vay vốn "tín dụng đen" gây ra.

Một trong những nguyên nhân mà hoạt động "tín dụng đen" vẫn còn hoành hành là do chế tài xử lý hiện nay vẫn còn nhẹ. Cụ thể, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chủ yếu là hình phạt tiền, hình phạt tù cao nhất đến 03 năm tù. Do đó, nhiều đối tượng hoạt động "tín dụng đen" sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội và nộp tiền phạt hoặc chấp nhận hình phạt tù do mức án thấp. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng: bỏ hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ; tăng hình phạt tù tại khoản 1 Điều 201 từ 1 năm đến 5 năm tù; khoản 2 Điều 201 từ 5 năm đến 10 năm tù để đảm bảo tính răn đe, giáo dục và ngăn ngừa hành vi phạm tội.

Để ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen" không chỉ áp dụng các biện pháp mạnh và đánh trực diện vào đối tượng phạm tội này mà còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là quy định về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để giúp người dân chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm. Đồng thời, tăng cường vận động, giúp người dân nhận diện hoạt động "tín dụng đen", không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật. Tích cực hướng dẫn người dân khi có nhu cầu vay vốn nên liên hệ đến các địa chỉ vay vốn đáng tin cậy như ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức đoàn thể tại địa phương.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; rà soát, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh có hành vi lừa đảo người dân dẫn đến vay nợ, cầm cố, siết nợ, đòi nợ thuê. Có như vậy, mới hạn chế hoạt động "tín dụng đen" đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp như hiện nay.

ĐỖ VĂN NHÂN

Lưu ý khi giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Lê Minh Hoàng