Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ một số hạn chế trong việc học trực tuyến, cụ thể: "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến giáo dục chưa được tiên lượng và đánh giá thầu đáo về mọi mặt. Từng học sinh và phụ huynh ở những nơi giãn cách xã hội đều mong muốn có câu trả lời khi nào các cháu được trở lại trường học bình thường?. Nhiều trường lớp đóng cửa, thu nhập của giáo viên, nhất là hệ thống trường tư thục và mầm non bị ảnh hưởng nghiêm trọng phải có chính sách hỗ trợ thế nào?. Tôi còn được biết nhiều thầy cô phải đi bán hàng và làm đủ các việc khác để có thu nhập nhưng vẫn đam mê, mong muốn trở lại với bảng đen, phấn trắng, với các em học sinh. Hay các cháu học trực tuyến trong thời gian dài có ảnh hưởng tâm lý ra sao?. Rồi các cháu đang ở độ tuổi phát triển nhưng gia đình gặp khó khăn do bố mẹ mất việc, không có thu nhập, chất lượng bữa ăn bị ảnh hưởng liệu có tác động đến dinh dưỡng và sự phát triển bình thường của các cháu hay không?. Hoặc nhiều phụ huynh, nhất là ở vùng dịch, gia đình khó khăn liệu có tiền để đóng học phí hay không?. Các gia đình có con nhỏ ở nhà học trực tuyến lâu ngày có ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ hay không?. Chúng ta cần suy nghĩ, có trách nhiệm trả lời thấu đáo cho những câu hỏi này. Đây là vấn đề lớn xã hội rất quan tâm và Chính phủ cần dành thời gian phân tích, có hành động cụ thể trong năm học mới, các cơ quan cần nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ".
Nên lùi lịch học
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, chị Hoàng Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, năm nay con chị vào lớp 1, vì học trường tư nên con được vào học sớm hơn được vài tuần so với các bạn học sinh trường công lập. Chị Trang cho biết, con học trực tuyến, hai vợ chồng lo lắng không yên, phải thay nhau kèm cặp con mỗi lúc con học online. Tuy nhiên, con vẫn rất khó tập trung để học trực tuyến, chưa kể đến chuyện điều này ảnh hưởng đến công việc của cả hai vợ chồng.
Không chỉ chị Trang, mà rất nhiều phụ huynh khác đều chung lo lắng về việc con em chuẩn bị bước vào năm học mới 2021-2022. Chị Lê Minh Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ, con gái chị năm nay vào lớp 1 và bắt đầu với hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, chị Ngọc vẫn không yên tâm khi con lần đầu tiếp xúc với hình thức học online, trong khi điều quan trọng nhất của lớp 1 là phải được đến trường, đến lớp để làm quen với việc thay đổi môi trường giáo dục.
"Tôi mong muốn Bộ sẽ xem xét để lùi hẳn lịch học sang tháng 10, thậm chí là khi nào dịch bệnh được kiểm soát cũng được. Học là việc của cả đời. Nhanh chậm mấy tháng chẳng quan trọng bằng việc con được đến trường và học hành đúng nghĩa", chị Ngọc bày tỏ.
Đồng quan điểm, theo anh Nguyễn Ngọc Hải (Giảng Võ, Hà Nội) cho biết, việc học online chỉ thực sự hiệu quả với những học sinh ở khối THPT hay sinh viên đại học. Còn với trẻ em, đặc biệt là học sinh lớp 1, phương pháp học tập này tồn tại rất nhiều rủi ro.
“Không chỉ ảnh hưởng tới kết quả học tập, học trực tuyến kéo dài còn ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của các con. Theo đó, tôi cho rằng, liệu các cấp lãnh đạo có thể linh động theo hướng bắt đầu năm học muộn 01-02 tháng. Quãng thời gian học muộn sẽ được "trừ" trực tiếp vào thời gian nghỉ hè của năm học 2022 để tối đa cơ hội cho trẻ em được đến trường đi học”, anh Hải nói.
Hiệu quả thấp
TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá, học trực tuyến có hiệu quả quá thấp so với yêu cầu và so với học tập trực tiếp. Với mọi cấp học, học trực tuyến thường để mất thời gian ở các khâu công nghệ liên quan, sự tập trung của học sinh và những tác động ngoại cảnh. Học trực tuyến còn dẫn đến vô khối hệ lụy như: ảnh hưởng mắt, thần kinh của trẻ, trẻ ham điện tử, máy tính, điện thoại hơn, trẻ ỉ lại hơn...”.
Đánh giá về việc học trực tuyến, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, đây đang là “thực tế đáng lo ngại”, “như là cái mốt”. Việc triển khai hình thức học chưa tính đến yếu tố cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế của người học. Bởi, không phải học sinh nào cũng được trang bị máy tính, di động để học.
“Nếu học như thế thì không ổn, nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa giàu và nghèo”, Tiến sĩ Khuyến thẳng thắn nhận định.
Đối với giáo viên, phương pháp dạy trực tuyến cũng đang còn nhiều “bỡ ngỡ”, theo kiểu tự sáng tác, nhưng trong điều kiện hiện nay nên chấp nhận.
Hỗ trợ trong học online
Cũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, trước mắt học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập không để ai bị bỏ lại phía sau, các cháu bị thất học.
ĐBQH khóa XIII, Nguyễn Thị An cho rằng, trước tình hình hiện nay, học trực tuyến được coi là phương án “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bị mất việc làm, giảm thu nhập, dẫn đến việc không đủ kinh tế để đầu tư cho con trang thiết bị học trực tuyến.
Chính vì vậy, bà An kiến nghị các địa phương cần xây dựng các phương án hỗ trợ ngay để đảm bảo việc học của các em học sinh. Việc hỗ trợ này phải được khảo sát, lập danh sách kỹ càng để khoản hỗ trợ đến đúng đối tượng, kịp thời và trực tiếp.
Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay do dịch bệnh, việc trang bị phương tiện học cho con cũng là vấn đề đặt ra đối với các bậc phụ huynh. Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, với tình hình thực tế hiện nay, đâu phải nhà nào cũng có đủ điều kiện vật chất để mua điện thoại, máy tính cho con học online.
Ông Dong cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT phải có phương án thật cụ thể cho năm học mới. Đánh giá những biện pháp của Bộ này đến thời điểm hiện tại, theo ông Dong vẫn còn "lan man".
TRẦN MINH - HỒNG HẠNH
Triển khai kế hoạch năm học mới: Bộ Giáo dục và Đào tạo có chậm trễ?