Ảnh minh hoạ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, thay thế cho Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT trước đây. Dự thảo có nhiều nội dung quy định mang tính tích cực, phù hợp với nhu cầu thực tiễn như: Quy định về việc học sinh và phụ huynh có thể căn cứ vào nhu cầu học tập từng môn học và điều kiện gia đình để lựa chọn các lớp học thêm phù hợp; Giáo viên được tự do lựa chọn dạy thêm tại các cơ sở đào tạo ngoài nhà trường; Quy định cụ thể về thời lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường… Tuy nhiên, một số vấn đề tiêu cực có thể phát sinh nếu như dự thảo này được thông qua. Do đó, khi xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh về vấn đề dạy thêm và học thêm cần phải lưu ý các vấn đề sau:
Bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh
Về nguyên tắc, việc dạy thêm, học thêm chỉ được thực hiện khi học sinh có nhu cầu học thêm và được phụ huynh, người giám hộ đồng ý. Dự thảo Thông tư có ghi nhận nội dung này tại Điều 3. Tuy nhiên, không có cơ chế để đảm bảo nguyên tắc này được thực hiện trên thực tiễn. Với các quy định về việc tổ chuyên môn đề xuất với người đứng đầu nhà trường về việc dạy thêm, học thêm đối với môn học và quy định “thoáng” đối với cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường sẽ dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm ồ ạt. Đôi khi điều này không xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh, phụ huynh mà là nhu cầu muốn tăng thu nhập từ giáo viên tạo nên áp lực học tập đối với học sinh, áp lực tài chính đối với phụ huynh. Nhà trường, giáo viên có nhiều cách để học sinh tự nguyện học thêm bằng việc trao đổi với phụ huynh về những vấn đề yếu kém của con trong học tập, cần bổ sung kiến thức…. Các phụ huynh để cải thiện điểm số cho con sẵn sàng tự nguyện cho con học thêm một cách thụ động. Đôi khi việc tự nguyện này chỉ từ phụ huynh mà bản thân học sinh không tự nguyện bị ép theo nhu cầu của bố mẹ.
Do đó, dự thảo cần có những quy định chặt chẽ đảm bảo nguyên tắc dạy thêm, học thêm đúng xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh mà không vì sự gợi ý, hay áp lực nào đó từ giáo viên. Dự thảo cần lấy học sinh làm trung tâm, nền tảng để các em không phải chịu áp lực quá lớn từ việc học tập, áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ, áp lực chạy đua theo thành tích của nhà trường, giáo viên.
Tăng cường, kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường
Một vấn đề đặc biệt lưu ý là việc đáp ứng các điều kiện đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở giáo dục tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Trên thực tế, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với tình trạng “tấc đất, tấc vàng”, việc tìm kiếm phòng học đủ điều kiện là rất khó khăn. Nhiều lớp học thêm hiện nay được tổ chức trong các căn nhà vốn chỉ thiết kế để ở, sau được trưng dụng làm lớp học, với hàng chục, hàng trăm học sinh ngồi học bên trong, hoàn toàn không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ hoặc thiếu trang thiết tiện nghi phục vụ học tập. Khi có hậu quả xảy ra, cuối cùng người chịu thiệt hại là phụ huynh học sinh và chính bản thân các em học sinh.
Do đó, cần phải có những quy định cụ thể đối với về cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở giáo dục tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường trong dự thảo. Đồng thời, phải có những quy định các hình thức xử lý cụ thể đối với các cơ sở giáo dục không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Không được buông lỏng quản lý đối với giáo viên
Việc mở cửa cho hoạt động dạy thêm, học thêm mang đến cơ hội cải thiện thu nhập cho giáo viên trong bối cảnh đời sống kinh tế xã hội nhiều khó khăn, giúp cho một bộ phận giáo viên cải thiện đời sống. Tuy nhiên, tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong", có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giảng dạy, gây thiệt thòi cho học sinh và về lâu dài ảnh hưởng đến chất lượng ngành giáo dục.
Dự thảo cũng cần phải quy định những hành vi bị cấm đối với giáo viên như: Có hành vi gây áp lực nhằm lôi kéo dụ dỗ người học đến các trung tâm do mình giảng dạy, phân biệt đối xử đối với các học sinh đi học thêm và không đi học thêm... Đi kèm với đó là quy đinh về hình thức xử lý kỷ luật đối với giáo viên vi phạm, vừa để răn đe cũng như đảm bảo nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lý của người đứng đầu nhà trường trong việc quản lý việc giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Hiệu trưởng có trách nhiệm đảm bảo giáo viên dạy thêm ngoài các giờ dạy chính khóa. Nếu giáo viên dạy thêm vào thời gian chính khóa, họ phải báo cáo thời khóa biểu dạy thêm để tránh ảnh hưởng đến các tiết dạy chính khóa tại trường. Trong trường hợp phát hiện giáo viên lơ là hoặc thiếu tập trung vào việc giảng dạy chính khóa, hiệu trưởng cần kịp thời nhắc nhở và có biện pháp xử lý thích hợp để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng việc ban hành một Thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm là cần thiết và cấp bách để giải quyết những vấn đề tồn đọng hiện nay. Tuy nhiên, Thông tư này cần phải được xây dựng trên cơ sở một cách tiếp cận toàn diện và đồng bộ, đảm bảo rằng việc dạy thêm không trở thành gánh nặng cho học sinh, không gây bất bình đẳng trong giáo dục, và không bị thương mại hóa một cách thái quá.
Luật sư MAI THẢO
Phó Giám đốc TAT Law Firm
Những bất cập tại đề xuất dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT