Ảnh minh họa.
Liên quan đến quyền thu thập chứng cứ của Luật sư và cơ chế thực hiện, tại báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu rõ, điểm h khoản 1 Điều 73 quy định người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu.
Điều 86, 87 và 88 BLTTHS 2015 quy định về chứng cứ, nguồn chứng cứ và thu thập chứng cứ.
Thẩm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa là quy định mới của BLTTHS 2015, mở rộng phạm vi các quyền khi tham gia tố tụng của người bào chữa trong vụ án hình sự. Mặc dù đã quy định cụ thể tại BLTTHS 2015 nhưng cơ chế để thực hiện quyền này lại không được hướng dẫn cụ thể.
Thực tiễn áp dụng, các Luật sư khi thực hiện quyền của mình không có sự thống nhất về hình thức thu thập, loại chứng cứ được phép thu thập, hình thức biên bản được lập trong quá trình thu thập và hình thức giao nộp cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Điều này dẫn tới tình trạng Luật sư mất rất nhiều công sức để thu thập chứng cứ nhưng khi trình ra cơ quan có thẩm quyền lại không được chấp nhận.
Ngoài ra, do không có hướng dẫn cụ thể, nên khi Luật sư thu thập chứng cứ, ghi nhận lời khai của bị cáo, đương sự (có xác nhận của Trại tạm giam hoặc UBND địa phương) nhưng ra Tòa, bị cáo hoặc đương sự vì nhiều lý do khác nhau đã thay đổi lời khai, dẫn đến trường hợp Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội kiến nghị khởi tố 02 Luật sư vì bị coi là cố ý thu thập, cung cấp chứng cứ, tài liệu không đúng sự thật, làm sai lệch hồ sơ vụ án [1].
Đề xuất, kiến nghị
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, BLTTHS 2015 không quy định “chủ thể” sử dụng chứng cứ trong khái niệm về chứng cứ, đó chính là quy định tiến bộ trong tố tụng hình sự, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người bị buộc tội, người bào chữa, bị hại...
Thực hiện áp dụng, các Luật sư khi thực hiện quyền của mình không có sự thống nhất về hình thức thu thập, loại chứng cứ được phép thu thập, hình thức, biên bản được lập trong quá trình thu thập và hình thức giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, tính hợp pháp và giá trị các chứng cứ mà Luật sư thu thập thường không được HĐXX hoặc các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, chấp nhận.
Do vậy, nhằm nâng cao chất lượng xét xử vụ án hình sự, góp phần vào việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, đề nghị xem xét ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về cơ chế và phương pháp thực hiện quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa nhằm phát huy và nâng cao vai trò của người bào chữa trong vụ án hình sự.
Đồng thời, bổ sung chế tài xử lý với người tham gia tố tụng, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác vi phạm nghĩa vụ hợp tác trong hoạt động thu thập chứng cứ với người bào chữa.
[1] Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội có Công văn số 1549/CV-TA ngày 15/5/2017 gửi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với 02 Luât sư Trần Văn Lý và Triệu Thị Bích Liên là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Diễn. Theo Công văn thì người bào chữa “soạn thảo, thu thập chứng cứ và cung cấp tài liệu không đúng sự thật làm sai lệch hồ sơ vụ án”, từ đó đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của 02 luật sư về việc cố ý thu thập, cung cấp chứng cứ không đúng sự thật khách quan, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Do Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập Tổ Công tác xác minh ngay nhận đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi của 02 Luật sư, từ đó có Văn bản số 215/LĐLSVN ngày 27/6/2017 đề nghị sao chụp hồ sơ vụ án và diễn biễn phiên tòa. Sau đó, Liên đoàn tiếp tục có Văn bản số 302/LĐLSVN ngày 21/8/2017 khẳng định đề nghị của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội là chưa bảo đảm căn cứ pháp lý, nên 02 Luật sư không bị xem xét trách nhiệm hình sự do thu thập, cung cấp chứng cứ trong quá trình tham gia phiên tòa phúc thẩm. |
HỒNG HẠNH
Kiến nghị thu hẹp diện chủ thể người bào chữa theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp