Tạm đình chỉ công tác Đại úy Công an nghi đánh dân
Ngày 30/01, Công an huyện Châu Thành (Bến Tre) đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Đại úy P.V.T., Công an viên xã Thành Triệu để xác minh làm rõ sai phạm về hành vi ứng xử không đúng quy định trong lực lượng Công an nhân dân. Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài khoảng 1 phút ghi lại cảnh một người đàn ông (mặc áo trắng) bị còng tay, xung quanh có thêm vài người mặc trang phục bảo vệ khu phố giữ lại, trong khi một người mặc sắc phục Công an liên tục dùng chân đá vào người đàn ông này.
Công an huyện Châu Thành cho biết, vụ việc xảy ra tại một nhà dân ở xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre vào khoảng 22 giờ 28 phút ngày 20/01 (ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần). Thời điểm trên, Công an xã Thành Triệu nhận được tin báo về việc ông D. (người mặc áo trắng trong video) sau khi nhậu say đã có hành vi gây rối trật tự công cộng. Khi lực lượng Công an đến nơi, ghi biên bản xử lý vụ việc thì ông D. đã dùng nhiều lời lẽ xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ nên bị khống chế, đưa về trụ sở Công an xã Thành Triệu xử lý. Lúc này, ông D. đã bỏ chạy nên lực lượng chức năng phải truy đuổi mới khống chế bắt lại được và xảy ra vụ việc như video ghi lại.
Theo Công an tỉnh Bến Tre, video ghi lại và phát tán chỉ là một phần của sự việc. Thượng tá Trần Quốc Dân cho biết Đại úy P.V.T. trước đây công tác ở Công an tỉnh Bến Tre rồi được điều về Công an xã Thành Triệu 2 năm nay. Ông D. có sai phạm trước, nhưng hành động của Đại úy P.V.T. là vi phạm quy định của ngành.
Cần xử lý kỷ luật nghiêm khắc
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, lực lượng vũ trang có thể được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và được phép sử dụng võ thuật, vũ lực để tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. Việc sử dụng vũ lực trong khi thi hành công vụ được quy định chặt chẽ, có nguyên tắc để đảm bảo trật tự kỷ luật, kỷ cương, tránh việc lạm quyền, lộng quyền, xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân.
Người thi hành công vụ thực hiện hành vi dùng vũ lực mà không được pháp luật cho phép hoặc vượt quá mức pháp luật quy định gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác thì người thi hành công vụ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng, đều được pháp luật bảo vệ. Pháp luật quy định người thực hiện nhiệm vụ công là người thi hành công vụ và họ được phép sử dụng vũ lực trong một số trường hợp để thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của công dân. Điều kiện sử dụng vũ lực là để không chế, bắt giữ, thậm chí có thể tiêu diệt đối tượng côn đồ, hung hãn, đang đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc của người khác. Còn khi người vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm không có hành vi chống trả, không có khả năng gây ra nguy hiểm cho người thi hành công vụ và người khác thì người thi hành công vụ không được phép sử dụng vũ lực để gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của họ.
Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trường hợp người thi hành công vụ phát hiện ra có đối tượng đang đe dọa, uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người khác thì có quyền sử dụng vũ lực để không chế, bắt giữ, ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội. Trong những trường hợp này phải tuân thủ các nguyên tắc quy định về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, bắt giữ tội phạm thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Điều 14, Nghị định 208 quy định khi xảy ra hành vi chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ có quyền: Bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 5 của nghị định này cũng quy định những hành vi bị cấm đối với người thi hành công vụ như sau: Vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong khi thi hành công vụ; tham nhũng, tiêu cực, hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thái độ, tác phong, lời nói, ứng xử không đúng mực trong khi thi hành công vụ; vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác và sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ; lợi dụng việc thi hành công vụ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân hoặc vì mục đích cá nhân khác...
Như vậy, pháp luật Việt Nam không cho phép người thi hành công vụ tự ý sử dụng vũ lực để đánh đập, hành hạ, tra tấn, trả thù người khác. Trong trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã dừng lại hành vi nguy hiểm, không còn có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác, không có hành vi chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ không được phép sử dụng vũ lực để gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Luật sư Cường, trong vụ việc trên, khi ông D. không còn thực hiện hành vi nguy hiểm đến sức khỏe của người khác, không còn gây rối trật tự công cộng mà Đại úy Công an vẫn có hành vi đánh người dân thì đây là hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ, hành vi sử dụng vũ lực trái pháp luật. Với hành vi này thì Đại úy Công an sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của ngành Công an. Theo đó với hành vi xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người khác, hành vi có tính chất côn đồ như vậy thì có thể người này sẽ phải chịu mức hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu Công an nhân dân.
TIẾN HƯNG