/ Kết nối
/ ChatGPT và các vấn đề pháp lý

ChatGPT và các vấn đề pháp lý

01/03/2023 08:50 |

(LSVN) - Theo Luật sư, trong tương lai không xa, nếu không có sự cải tiến, nâng cấp trích nguồn đầy đủ cho những nội dung trả lời của ChatGPT, thì rất có thể sẽ nảy sinh nhiều vụ kiện do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ từ những nội dung do ChatGPT cung cấp. Ngoài ra, nhiều nhà tuyển dụng, nhiều cơ sở giáo dục, việc làm nếu không có cách kiểm soát nội dung, vội tin vào những nội dung soạn sẵn thì rất có thể sẽ gặp thách thức trong quá trình tuyển chọn đúng người, đúng việc; bằng cấp thật nhưng kiến thức ảo, rỗng. Từ nội dung ChatGPT tạo ra rất khó có thể biết được nội dung nào do con người làm ra hay do công cụ thông minh như ChatGPT tạo ra, đây là một thách thức rất lớn cho các tổ chức, cơ quan để có thể đánh giá đúng được năng lực nhân sự, năng lực người học...

Ảnh minh họa.

ChatGPT tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer - một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. ChatGPT có thể được hiểu đơn giản là một AI (trí thông minh nhân tạo). Điểm đặc biệt của AI này nằm ở kỹ thuật diễn giải ngôn ngữ một cách rất tự nhiên cùng với kho kiến thức"vô cùng lớn mà ChatGPT có được từ bộ dữ liệu huấn luyện ban đầu do OpenAI dựng sẵn (300 tỉ từ).

Mặt tích cực, ưu điểm mà ChatGPT tạo ra đó là xây dựng cho người yêu cầu một nội dung phù hợp, có thể trả lời mọi câu hỏi của người dùng với một câu trả lời một cách nhanh nhất có thể dựa trên khả năng tìm kiếm và tổng hợp của ChatGPT. Nó giúp người có yêu cầu có thể giải đáp được các câu hỏi một cách tức thì mà không cần phải chờ đợi tra cứu mất thời gian.

ChatGPT không đẩy việc lựa chọn thông tin cho người dùng mà bản thân nó đã chủ động phân loại, lựa chọn thông tin từ các tài liệu phù hợp trong kho dữ liệu có sẵn của nó (chỉ cập nhật đến năm 2021) và tổng hợp chúng lại thành một văn bản duy nhất. Bên cạnh đó, là sự mới lạ, tiện lợi nên ChatGPT được nhiều người đón nhận và sử dụng bất chấp hệ lụy phía sau ra sao.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì ChatGPT cũng đưa đến nhiều hạn chế, hệ lụy tiêu cực như: Thông tin mà ChatGPT đưa ra không hề có sự kiểm chứng, người có yêu cầu sẽ không hề biết ChatGPT đã lấy nội dung này ở đâu, dựa trên căn cứ nào, nội dung đó đúng hay sai để sử dụng vào từng mục đích khác nhau...

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đứng ở vị trí là người dùng, Luật sư cho rằng, các cá nhân, tổ chức khi sử dụng ChatGPT chỉ nên mang tính tham khảo, không nên lệ thuộc bởi thông tin mà ChatGPT đưa ra tưởng chừng như hợp lý, song chỉ trả lời mang tính chung chung, không dẫn chứng lập luận rõ ràng. Nhiều người kỳ vọng ChatGPT có thể gánh vác công việc của họ, thậm chí tư duy động não về một vấn đề khó, để bản thân có thêm thời gian xử lý các công việc khác mà không cần phải suy nghĩ nhiều điều này sẽ vô cùng nguy hại, bởi nếu nhận thức và tư duy ủy thác cho ChatGPT sẽ dễ dẫn đến hậy quả là dần lệ thuộc vào loại chatbot này.

ChatGPT là mô hình ngôn ngữ tự tổng hợp từ các kiến thức, tri thức do Công ty OpenAI cài đặt, ChatGPT có thể tự tổng hợp các thông tin và kiến thức để trả lời người hỏi, tuy nhiên nếu ChatGPT lấy thông tin từ các tài liệu, các nội dung đã được công bố bản quyền, nội dung có tính chất tương tự để cung cấp cho người hỏi, sau đó không kiểm chứng, không trích nguồn thì người sử dụng nội dung do ChatGPT đưa ra rất có thể sẽ vi phạm bản quyền, vi phạm quyền tác giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đây cũng là hệ lụy tiêu cực mà nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức trên khắp thế giới đã nghĩ đến.

So sánh với công cụ tìm kiếm Google, có thể thấy ChatGPT tìm kiếm và áp đặt câu trả lời cho người hỏi, còn đối với Google thì đó là đề xuất những nội dung cần tìm kiếm và có tính tin cậy cao, được nhiều người tìm kiếm nhất để người đọc lựa chọn. Do đó, người dùng thông minh cần sử dụng từng ứng dụng trong tùy từng hoàn cảnh và tùy vào yêu cầu công việc.

"Ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng ChatGPT đang được ưa chuộng do sự mới lạ, độc đáo, giải quyết được các câu hỏi mở, còn những nội dung cần sự sâu sắc, chính xác thì ChatGPT chưa thể đáp ứng được. Nếu đánh giá về tính ưu việt thì tôi không cho rằng ChatGPT ưu việt hơn các ứng dụng khác, do độ tin cậy ở nội dung trả lời chưa cao; người dùng, nhất là những người làm việc văn phòng, người học nên xem ứng dụng này như công cụ hỗ trợ, công cụ giúp việc, mà không nên lệ thuộc vào nội dung câu trả lời từ ứng dụng này", Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết.

Cũng theo Luật sư, trong tương lai không xa, nếu không có sự cải tiến, nâng cấp trích nguồn đầy đủ cho những nội dung trả lời của ChatGPT, thì rất có thể sẽ nảy sinh nhiều vụ kiện do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ từ những nội dung do ChatGPT cung cấp. Ngoài ra, nhiều nhà tuyển dụng, nhiều cơ sở giáo dục, việc làm nếu không có cách kiểm soát nội dung, vội tin vào những nội dung soạn sẵn thì rất có thể sẽ gặp thách thức trong quá trình tuyển chọn đúng người, đúng việc; bằng cấp thật nhưng kiến thức ảo, rỗng. Từ nội dung ChatGPT tạo ra rất khó có thể biết được nội dung nào do con người làm ra hay do công cụ thông minh như ChatGPT tạo ra, đây là một thách thức rất lớn cho các tổ chức, cơ quan để có thể đánh giá đúng được năng lực nhân sự, năng lực người học...

HOÀNG NGUYÊN

ChatGPT: Nhiều thách thức trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng

Nguyễn Hoàng Lâm