Ảnh minh họa.
Theo đó, Chính phủ thống nhất với sự cần thiết ban hành dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Nội dung của dự án Luật đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cam kết quốc tế về công tác phòng, chống rửa tiền.
Chính phủ thống nhất thông qua nội dung dự án Luật; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng:
- Việc xây dựng dự án Luật phải phù hợp với hệ thống chính trị, điều kiện, bối cảnh của đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật phải bao quát các lĩnh vực mà các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hành vi “rửa tiền”, bao gồm cả các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tài chính, tổ chức khác và cá nhân có liên quan.
- Về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, tiếp tục thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan; việc xây dựng dự án Luật này không làm thay đổi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, nhưng cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống rửa tiền của các bộ, cơ quan phù hợp với chức năng quản lý nhà nước được giao; quy định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bộ, cơ quan trong công tác phòng, chống rửa tiền.
- Không quy định vấn đề tổ chức, bộ máy trong dự án Luật theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại dự thảo Luật. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng Đề án về cơ quan có chức năng phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Về mở rộng đối tượng báo cáo đối với các hoạt động mới phát sinh nhưng chưa có khung pháp lý điều chỉnh, quy định nguyên tắc trong luật và giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các đối tượng mới (nêu trên) đã có hoạt động trong thực tiễn nhưng chưa có khung pháp lý để điều chỉnh.
- Về vấn đề cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEP), thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
DUY ANH