Ảnh minh họa.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn tại Kỳ họp thứ 4.
Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 09 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỉ đồng, 8.240,8 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 15.964,3 tỉ đồng và 147,1 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 36.502,1 tỉ đồng, 8.093,7 ha đất; ban hành 105.265 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.592,6 tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.554 tập thể và 5.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 317 vụ, 199 đối tượng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra và chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc; đã triển khai, kết thúc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tổng Thanh tra cũng cho hay, hiện nay đang triển khai thanh tra quản lý Nhà nước về xăng dầu; chuẩn bị triển khai thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm Quốc gia tại một số địa phương...
Đây đều là những vấn đề nóng trước và trong khi Quốc hội họp Kỳ thứ 4. Liên quan đến xăng dầu, trong các phiên thảo luận toàn thể vừa qua, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về quản lý Nhà nước và cả hai vị Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều bày tỏ quan điểm về quản lý.
Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên), xăng, dầu thiếu thật hay thiếu giả cũng cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ lâu dài. Và cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng, dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế, phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, Quỹ bình ổn xăng, dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng, dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.
Đặc biệt, bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, cần rất khẩn trương rà soát, cập nhật, phản ánh định mức, chi phí định mức, chi phí tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn cung ứng, phân phối xăng, dầu diễn ra một cách thuận lợi và lành mạnh.
Cũng tham gia giải trình về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, sắp tới đề nghị sửa Nghị định 95, giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công thương gồm quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động.
Về trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội cho rằng các cơ quan Nhà nước và các tổ chức có liên quan cần đưa ra những thông điệp và cam kết mạnh mẽ hơn để ổn định tâm lý của nhà đầu tư.
Việc thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là cơ hội để hoàn thiện hơn hành lang pháp lý ở lĩnh vực này.
Trước đó, tháng 12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp bất động sản.
TRẦN HOÀNG
Tăng cường phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản