/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Chứng minh trong tố tụng dân sự và một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

Chứng minh trong tố tụng dân sự và một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) - Trong tố tụng dân sự, quan hệ lợi ích cần được giải quyết trong các vụ việc dân sự là quan hệ giữa các đương sự, do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án thì các đương sự có quyền và nghĩa vụ chứng minh cho Tòa án và những người tham gia tố tụng khác thấy được sự đúng đắn trong yêu cầu của mình, đồng thời chứng minh rằng bị đơn phải có nghĩa vụ đối với yêu cầu của mình.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.

Ngược lại, bị đơn cũng có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh sự phản đối yêu cầu của mình đối với nguyên đơn là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài ra, với quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của các đương sự thì Tòa án có đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự khách quan, chính xác và đúng pháp luật. Vì vậy, chứng minh được coi là một trong các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Bên cạnh các kết quả đã đạt được của các quy định về chứng minh trong BLTTDS 2015 thì vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục và một số kiến nghị hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, quy định pháp luật được đặt ra nhưng thiếu cơ chế bảo đảm thi hành nên ít được thực hiện trên thực tế. 

Quy định tại khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 về nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ giữa các đương sự luôn là hình thức khi mà BLTTDS 2015 không quy định về thời hạn các đương sự có nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho nhau và hậu quả pháp lý khi các bên đương sự không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao. Thực tế hiện nay ở tại các Tòa án, do không có quy định về hậu quả pháp lý nên gần như các đương sự không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ cho nhau.

Tham khảo pháp luật tố tụng dân sự nước ngoài cho thấy, pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới đều quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ chuyển giao và hậu quả pháp lý khi các bên không thực hiện nghĩa vụ. Chẳng hạn từ các Điều 132 đến Điều 135 Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp quy định về nghĩa vụ các bên đương sự phải thực hiện ngay việc chuyển giao tài liệu, chứng cứ. Bên cạnh đó, tại Điều 136, Điều 137 cũng quy định cụ thể chế tài nếu như các bên đương sự không thực hiện nghĩa vụ kể trên: "Thẩm phán đã quyết định biện pháp phạt tiền để răn đe có thể quyết định mức tiền phạt." Các bên có thể yêu cầu thẩm phán buộc bên kia phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài liệu, chứng cứ mà đương sự chưa thực hiện trong thời hạn nhất định. Nếu không thực hiện thì có thể bị phạt tiền để cưỡng chế thực hiện, không xem xét tài liệu, chứng cứ không được trao đổi trong thời hạn đã ấn định. 

Do đó, để phát huy vai trò của đương sự trong hoạt động tố tụng, đảm bảo quyền được biết thông tin của đương sự để có thể tổ chức việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như phù hợp pháp luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới, cần thiết bổ sung vào BLTTDS 2015 quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ trao đổi chứng cứ, tài liệu của các bên đương sự cho nhau trước khi mở phiên toà và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó. Theo đó, khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 nên bổ sung theo hướng: “Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải thực hiện ngay việc sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác."

Thứ hai, BLTTDS 2015 định nghĩa một cách cụ thể về người làm chứng, quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, cũng đã quy định về thủ tục lấy lời khai của người làm chứng, cụ thể tại khoản 7 Điều 78 BLTTDS 2015 người làm chứng có nghĩa vụ: "Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác." Tuy nhiên, khi quy định về điều luật này lại không tránh khỏi bất cập trong trường hợp đặc biệt, ví dụ như người làm chứng bị người khác ép buộc, đe dọa bằng cách sử dụng bạo lực từ đó mà đưa ra những lời khai sai sự thật.

Tại khoản 4 Điều 276 Luật Tố tụng dân sự nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có quy định: "Bất kỳ ai sử dụng bạo lực, đe dọa, hối lộ hoặc bất kỳ cách nào khác gây cản trở nhân chứng đưa ra lời khai hoặc xúi giục người khác đưa ra lời khai sai sẽ bị xử lý hình sự". Việc Luật Tố tụng dân sự Trung Hoa đưa ra quy định này không chỉ tránh được những hành vi vi phạm pháp luật về việc sử dụng bạo lực, đe doạ, hối lộ,...để làm ảnh hưởng đến tính chính xác trong việc thu thập chứng cứ mà đồng thời cũng không bỏ lọt tội phạm. Trách nhiệm lúc này không phải chỉ một mình người làm chứng bị đe dọa phải gánh chịu mà bên cạnh đó nguyên nhân chính dẫn đến trường hợp trên là người đe doạ.

Vì thế, BLTTDS nước ta cũng nên đưa trường hợp này vào pháp luật hiện hành, để tránh những trường hợp mà đương sự bị chịu rủi ro quá lớn dễ ảnh hưởng đến tâm lý không tự nguyện khi tham gia lấy lời khai.

Thứ ba, Pháp luật tố tụng hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc trả lại chứng cứ (là các giấy tờ bản chính) cho đương sự sau khi xét xử và bản án đã có hiệu lực thi hành. Cũng vì sự thiếu sót này mà trên thực tế đương sự yêu cầu Toà án trả lại tài liệu như: giấy tờ liên quan đến một mảnh đất đang sử dụng bao gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…đây đều là những giấy tờ cần thiết đối với đương sự trong trường hợp đương sự muốn xác lập một giao dịch dân sự liên quan đến mảnh đất đó, tuy nhiên nhiều trường hợp trên thực tế Toà án lại lấy lý do "để lưu hồ sơ" mà không trả lại giấy tờ đó cho đương sự. Tham khảo khoản 1 Điều 72Bộ luật Tố tụng dân sự Liên Bang Nga thì pháp luật Nga đã có quy định để khắc phục tình trạng trên như sau: "Sau khi bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thư chứng được trả lại theo yêu cầu của người xuất trình. Trong trường hợp này, bản sau có xác nhận của Toà án được lưu lại cùng với hồ sơ vụ án." Qua điều khoản trên có thể thấy, pháp luật Nga đã quy định một cách rõ ràng, cụ thể về nghĩa vụ trả lại tài liệu, hồ sơ là bản gốc khi có yêu cầu của đương sự. 

Như vậy, pháp luật về tố tụng dân sự Việt Nam cũng nên đưa ra quy định cụ thể về việc Toà án có nên hay không trả lại hồ sơ, tài liệu là bản gốc trong trường hợp đương sự có yêu cầu. Và quy định rõ ràng trường hợp nào thì đương sự được trả lại theo yêu cầu của mình.

Ảnh minh họa.

Thứ tư, nhiều quy định chưa có văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất, khó đảm bảo tính khách quan trong chứng minh.

Một là,điểm a khoản 1 Điều 92 BLTTDS 2015 quy định “Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận” thì không phải chứng minh. Vấn đề đặt ra là “mọi người” ở đây là những ai? Có cần giới hạn số lượng tối thiểu người biết? Và những tiêu chí cụ thể để Tòa án căn cứ thừa nhận những tình tiết, sự kiện đó là “rõ ràng mà mọi người đều biết”. Bởi, tính chất rõ ràng của tình tiết, sự kiện có thể mất dần theo thời gian trong trí nhớ của con người và việc thừa nhận những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Thẩm phán. Việc không có cách hiểu đúng này dẫn đến sự không thống nhất trong việc áp dụng của các Tòa án khác nhau.

Do đó, pháp luật tố tụng nên bổ sung hướng dẫn chi tiết “những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận” là như thế nào và các tiêu chí cụ thể đề Tòa án có thể xem xét thừa nhận.

Khoản 2 Điều 97 BLTTDS 2015 bổ sung thêm biện pháp thu thập chứng cứ là xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú nhưng lại không quy định rõ biện pháp này Tòa án tiến hành khi có yêu cầu của đương sự hay Tòa án được tự thực hiện khi xét thấy cần thiết cũng như trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp này. Hiện nay việc xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự ở nơi cư trú gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là liên quan đến sự hợp tác của Công an xã, phường quản lý hộ tịch hoặc Tổ trưởng dân phố, xã, phường.

Từ những lý do trên, chúng em đưa ra kiến nghị pháp luật nên có hướng dẫn cụ thể biện pháp thu thập chứng cứ “xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú” xem là Tòa án tiến hành khi có yêu cầu của đương sự hay Tòa án được tự thực hiện khi xét thấy cần thiết và hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện để các Tòa án thống nhất trong việc thực hiện biện pháp thu thập chứng cứ này. Cần quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức quản lý dân cư, hộ tịch khi không hỗ trợ Tòa án trong việc xác minh.

Hai là,khoản 1 Điều 96 BLTTDS 2015 và khoản 3 Điều 106 BLTTDS 2015 đã quy định cần phải có “lý do chính đáng” khi đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu và khi Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ của Tòa án. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào giải thích rõ “lý do chính đáng” là những lý do như thế nào, dẫn đến việc xem xét lý do có chính đáng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của thẩm phán hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ tài liệu, chứng cứ khi muốn từ chối hay kéo dài thời gian cung cấp thì có thể tạo ra nhiều lý do khác nhau. Điều này dẫn đến sự tùy tiện, thiếu minh bạch, công bằng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

 Như vậy, pháp luật tố tụng hiện hành cần có hướng dẫn giải thích rõ những lý do nào được xem là “lý do chính đáng” hoặc đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để một lý do được xem là “lý do chính đáng” cho các trường hợp tại khoản 1 Điều 96 BLTTD 2015 và khoản 3 Điều 106 BLTTDS 2015.

Chứng minh là hoạt động tố tụng cơ bản trong tố tụng dân sự, mang tính chất quyết định đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự, làm cơ sở cho Tòa án giải quyết vụ việc dân sự được chính xác và đúng pháp luật. Chứng minh trong tố tụng dân sự không chỉ có ý nghĩa đối với Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự mà còn có ý nghĩa đối với các đương sự trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để đảm bảo các quy định về chứng minh trong tố tụng dân sự, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật thì việc thực hiện pháp luật cũng phải được chú trọng, nâng cao năng lực của đội ngũ tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.

Luật sư ĐẶNG HỒNG DƯƠNG
Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng
/nghia-vu-cap-duong-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-hon-nhan-va-gia-dinh.html