/ Pháp luật bốn phương
/ Chuyện lạ trong luật

Chuyện lạ trong luật

24/06/2021 03:43 |

(LSVN) - Mới rồi, Đức và Đan Mạch kỷ niệm 80 năm ngày phân định biên giới chung. Hai bên đã dự định tổ chức các hoạt động kỷ niệm từ năm ngoái vì việc phân định biên giới được tiến hành vào năm 1920 nhưng phải trì hoãn bởi hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Kiểm soát biên giới giữa Đan Mạch và Đức.

Nếu không có các hoạt động kỷ niệm này thì chắc chắn gần như không còn ai nhắc lại một trong những cách thức phân định biên giới quốc gia độc đáo nhất xưa nay trên thế giới.

Phân định biên giới là chuyện lớn giữa các quốc gia. Xưa nay, biên giới giữa các quốc gia ở Châu Âu thường được xác định thông qua chiến tranh, về sau thông qua Hiệp ước quốc tế và rồi cuối cùng thông qua thỏa thuận song phương giữa hai quốc gia liên quan. Ở trường hợp biên giới giữa Đức và Đan Mạch lại rất khác.

Từ thời Trung cổ, vùng lãnh thổ giữa Đức và Đan Mạch ngày nay thuộc về một Công quốc với tên gọi là Schleswig. Người dân ở công quốc này thuộc 03 sắc tộc Đức, Đan Mạch và Friese, sử dụng ngôn ngữ Đức, Đan Mạch và Friese. Sau khi nước Đức và Đan Mạch thành lập, vùng lãnh thổ của Công quốc Schleswig không bị hai bên tranh chấp nhau kể cả khi hai nước này tiến hành chiến tranh với nhau. Đấy là một điều lạ hiếm thấy ở Châu Âu.

Điều lạ tiếp theo là Đan Mạch không phải là một bên tham gia cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất trong khi nước Đức bị coi là đã gây ra cuộc chiến tranh này. Theo luật cũng như lệ thông thường mà nói thì Đan Mạch không liên quan gì đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất thì cũng không thuộc diện đối tượng các quốc gia có liên quan trực tiếp đến hội nghị và Hiệp ước Versailles.

Vậy mà Hiệp ước này lại xử lý vấn đề lãnh thổ của công quốc Scheswig. Rõ ràng các bên tham gia hội nghị Versailles chủ ý không để cho nước Đức sau này có bất kỳ cơ hội nào thôn tính công quốc Scheswig. Hiệp ước Versailles quyết định để cho lãnh thổ của Công quốc Schleswig thuộc về chủ quyền của Đức hoặc Đan Mạch, đương nhiên trong mong đợi thuộc về Đan Mạch nhiều hơn là thuộc về Đức, giúp cho Đan Mạch dẫu chẳng tham gia cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất nhưng được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh ấy.

Cách thức thực hiện được bên ngoài lựa chọn áp đặt cho Đức và Đan Mạch là tổ chức trưng cầu dân ý. Cả về lý cũng như về tình thì cách thức này không có gì đáng để bàn cãi khi cả Đức lẫn Đan Mạch đều không có quyền chính đáng và hợp pháp như nhau để đòi hỏi chủ quyền đối với công quốc này.

Nhưng cái lạ lùng ở đây là ngay từ đầu, công quốc này đã được phân chia ra thành miền Nam và miền Bắc để rồi tiến hành trưng cầu dân ý riêng ở từng nơi chứ không có cuộc trưng cầu dân ý chung cho cả công quốc. Những bên soạn thỏa ra Hiệp ước Versailles loại trừ ngay từ đầu khả năng đa số người dân ở công quốc Schleswig lựa chọn nước Đức chứ không lựa chọn Đan Mạch. Lạ lùng như thế vẫn chưa hết.

Cùng là trưng cầu dân ý nhưng quy định ở hai vùng khác nhau. Ở vùng phía Bắc Schleswig, người dân ở tất cả các khu vực chỉ có thể lựa chọn giữa cả miền Bắc thuộc về Đức hay Đan Mạch. Bằng cách này, những khu vực có đa số người Đức dẫu có lựa chọn Đức cũng không có tác dụng gì khi kết quả trưng cầu dân ý bị tính gộp.

Nhưng ở vùng phía Nam Schleswig thì lại quy định khu vực nào có đa số lựa chọn Đức hay Đan Mạch thì sẽ thuộc về Đức hay Đan Mạch, tức là ngay từ đầu đã chủ ý hạn chế như có thể được phần lãnh thổ của Công quốc Schleswig chọn gắn với Đức chứ không gắn với Đan Mạch.

Biên giới giữa Đức và Đan Mạch đã được phân định như thế và tồn tại suốt từ đó đến nay. Cách thức phân định biên giới quốc gia ngay từ đầu thiếu công bằng và khách quan này về sau không còn được áp dụng ở đâu đó khác trên thế giới nữa.

HẠ NHAM/PLVN

Mập mờ luật lệ

Lê Minh Hoàng