Ảnh minh họa.
Thời gian vừa qua, báo chí đã phản ánh tình trạng nhiều đối tượng công khai livestream đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng, rồi quay lại thành các video phát tán trên mạng xã hội nhằm thu hút hàng triệu lượt xem để trục lợi. Trong nhiều video, các đối tượng ghi lại cận cảnh quá trình chơi bạc, đánh bài, xóc đĩa, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, theo quy định pháp luật, tổ chức đánh bạc qua mạng được hiểu là hành vi sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc trực tuyến.
Căn cứ khoản 2, Điều 28, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:
- Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
- Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
- Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Do đó, Luật sư cho hay, hành vi đánh bạc qua mạng sẽ bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, người đánh bạc qua mạng còn bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Cũng theo Luật sư, bên cạnh việc xử lý hành chính, các đối tượng cũng có thể bị truy cứu hình sự với nhiều tội danh. Cụ thể, căn cứ Điều 321, Bộ luật Hình sự 2015 quy định xử lý hình sự đối với hành vi đánh bạc như sau: "Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm".
Trong trường hợp tổ chức đánh bạc qua mạng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội "Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc" quy định tại Điều 322, Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư cũng cho rằng, hành vi của các đối tượng đưa phát thông tin vi phạm pháp luật lên mạng xã hội một cách công khai như trên cũng bị phạm quy định tại khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về cung cấp chia sẻ thông tin về đánh bạc và phục vụ đánh bạc. Theo đó, mức phạt cho hành vi này là 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Nếu hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì các đối tượng sẽ bị xử lý về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.
"Hiện nay, mạng xã hội vẫn chưa có một cơ chế quản lý chặt chẽ, do đó, với các hình ảnh, video không phù hợp về thuần phong mỹ tục hay vi phạm pháp luật thì sẽ không được hoặc chưa được cảnh báo ngay tới cơ quan quản lý nhằm xử lý và ngăn chặn triệt để. Điều này dễ dẫn tới việc các đối tượng sử dụng mạng xã hội có thể lợi dụng kẽ hở trên để thực hiện livestream và phát tán các video liên quan tới hành vi đánh bạc qua mạng mà không bị cảnh báo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Do đó, phía cơ quan chức năng nên có các văn bản yêu cầu chấn chỉnh đối với đơn vị này nhằm tránh các trường hợp tương tự xảy ra, đồng thời, cần vào cuộc điều tra và làm rõ để tiến hành xử lý triệt để", Luật sư cho biết.
TRẦN ANH
Khẩn trương có những biện pháp đảm bảo nhu cầu đăng kiểm của người dân