Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Tham gia chất vấn, Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) đặt câu hỏi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?
Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí.
Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm. Trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.
Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí. Trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.
Bộ trưởng cũng lưu ý: "Nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự biệt với mạng xã hội là dùng công nghệ mà số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực".
Làm rõ trách nhiệm về những tồn tại của hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng
Đặt vấn đề chất vấn, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cho biết, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông xác định một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là do trách nhiệm của một số bộ, ngành vì chưa bổ sung trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo lĩnh vực chuyên ngành trên không gian mạng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng thông tin cụ thể những bộ, ngành này là những bộ, ngành nào và trách nhiệm của Bộ trưởng, của Chính phủ để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ không gian mạng không khác gì không gian thực, nếu không gian thực có bộ, ngành, địa phương, thì không gian mạng cũng có bộ, ngành, địa phương…
“Chỉ khi nào việc của nhà nào, nhà đó thực hiện, ai làm gì trong thế giới thực, thì lên đó thực hiện công tác quản lý ở không gian mạng, thì không gian mạng mới lành mạnh được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.