Giải ngân tới 28 tỉ USD vốn đầu tư công, không chỉ GDP tăng thêm, thêm các công trình mới mọc lên, thêm nhiều việc làm trong bối cảnh “khát” việc thời hậu dịch… mà hơn cả là thêm những đại dự án lòng dân.
Giải ngân vốn đầu tư công đang trở thành câu chuyện tiêu biểu cho việc không thiếu tiền, chỉ thiếu “lửa” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nói trong những năm qua, “làm ì ạch thì không thể có cách mạng”.
Năm áp chót của nhiệm kỳ, 2020, đà phát triển khựng lại vì đại dịch Covid-19. Một trong những giải pháp cứu nguy lúc này, dễ thì rất dễ, đó là tiền đã sẵn có, lại dồi dào, chỉ việc móc trong túi ra tiêu thật lực, đẩy bật cả nền kinh tế lên. Vốn cho đầu tư công năm nay tới 28 tỉ USD.
Nhưng khó cũng là rất khó, như than phiền của một loạt lãnh đạo các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong cuộc họp với Thủ tướng vào tuần trước, rất muốn bứt phá, đổi mới, nhưng, “biết đâu bỗng nhiên có một ngày đẹp trời và…rất tội cho anh em” như ý kiến của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Ngay tại TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem năng động nhất cả nước, dường như đang co lại khi thời gian qua, một số lãnh đạo Thành phố bị xử lý sai phạm.
Thủ tướng nói, “giờ là lúc cần hơn bao giờ hết tinh thần dũng cảm vì nước, vì dân xông pha như trong thời chiến, như những người lính khi cầm súng, không còn nghĩ đến bản thân, chỉ có một lý tưởng duy nhất là độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc”.
Ông cũng khẳng định luôn, nếu bản thân trong sạch, hành động chỉ nghĩ đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, thì không lo thấy “tội” trong một ngày đẹp trời. Điều đáng lo là bản thân có còn sức chiến đấu? Có còn cháy bỏng tình cảm và trách nhiệm với Nhân dân?
“Có còn cháy bỏng tình cảm và trách nhiệm với Nhân dân?” là câu hỏi không phải lúc này Thủ tướng mới đặt ra. Đó cũng là câu hỏi Thủ tướng vẫn tự nhắc mình từ những tháng năm còn chưa được Quốc hội giao trọng trách đứng đầu Chính phủ.
Nà Lau từng là miền đất “voi tặc”, người già ở đây hẳn khó quên những năm 2000 gặp nạn voi rừng về quần thảo vườn tược, rẫy nương. Tỉnh Quảng Nam phải họp khẩn, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Phúc hạ lệnh, “không cản được thì bắn”.
Thế là tin này bị phản ứng rầm trời vì vi phạm pháp luật bảo vệ động vật hoang dã. Đáp lại, Chủ tịch tỉnh, “tôi thà vi phạm pháp luật còn hơn để dân tôi chết”. May mắn, không có phát súng nào nổ ra.
Quảng Nam giờ đã có khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Kể từ khi có “nhà”, loài này ngày càng ít hung dữ hơn, lãnh đạo địa phương cũng không còn phải đưa ra lựa chọn sinh tử. Nhưng người già Nà Lau chắc còn kể mãi câu chuyện năm cũ, “voi tặc” sẽ bị bắn nếu còn dám hành dân…
“Có còn cháy bỏng tình cảm và trách nhiệm với Nhân dân?”, nhìn ở hai cơn bão năm 2013. Nhiều thập niên đã qua và trong nhiều thập niên tới, có lẽ cũng không bao giờ lặp lại cùng lúc hai “cơn bão” nào như vậy.
Một cơn bão, theo đúng nghĩa, siêu bão Haiyan, đến vào tháng 11 và một cơn bão lòng đến vào tháng 10 khi hàng triệu người dân khóc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đó cũng là năm bão gió “nhập khẩu” vào Việt Nam nhiều chưa từng thấy. Bình quân trong 50 năm, mỗi năm có 7,5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Năm 2013, con số này lên tới 12.
Nổi lên trong đó là siêu bão Haiyan. Bản tin của CNN nhận định đây là cơn bão chưa từng thấy trên Trái đất, siêu mạnh trong lịch sử nhân loại…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến những nơi dự báo tâm bão Haiyan đổ bộ, đó là tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Dưới sự tổng chỉ huy của ông, trong vòng 10 tiếng, hơn nửa triệu người dân 3 tỉnh đã đi sơ tán tránh bão trong trật tự, kỷ luật và an toàn.
Haiyan về đến Việt Nam không còn là siêu bão. Trải qua cuộc tổng diễn tập lịch sử, người dân bảo, “đi tránh bão ngó vậy mà lại vui, mọi người đem được thứ gì ở nhà lên đây đều bày ra ăn chung rứa, thêm thắm tình, xích lại gần nhau”.
Còn với cơn “bão lòng”, từng giờ từng phút trong những ngày tổ chức tang lễ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều căng như dây đàn khi dòng người đến viếng trở thành biển người, có lúc tưởng như “vỡ trận”.
Người dân dọc chiều dài đất nước, từ người già tới trẻ nhỏ và cả người nước ngoài cùng đổ về Hà Nội bày tỏ nỗi tiếc thương như mất đi người thân. Hà Nội khi đó là những ngày cuối thu mà nóng dữ dội như giữa hạ với nắng vàng gắt bỏng và hanh hao.
Trưởng ban tổ chức lễ tang, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, áo trắng ướt đẫm mồ hôi, tất bật ngược xuôi để “giữ trận”, ông vẫn không quên yêu cầu cung cấp miễn phí những chai nước mát cùng bánh mì đến tay người dân, giúp họ có thêm sức trong khi xếp hàng chờ đợi dưới nắng. Cả đoàn xe cứu thương cũng nhận lệnh túc trực, sẵn sàng chăm lo sức khỏe cho dân.
Từ những chai nước mát của mùa thu năm đó, những chai nước mát của tình yêu thương bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở những nơi cần nhất. Như những ngày học sinh thi lớp 10 hay những ngày thi THPT quốc gia, ở các điểm thi, đều tràn ngập áo xanh của thanh niên tình nguyện phát nước miễn phí cho thí sinh.
Cũng từ những chai nước mát, cảm nhận về một xã hội tốt đẹp hơn trở nên đậm sâu hơn với người dân.
Quay về câu chuyện giải ngân. Một trong những nguyên nhân “cốt tử” khiến tiền có sẵn mà không chịu có “chân”ra ngoài xã hội mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ là vì ngại đối thoại với dân, nên giải phòng mặt bằng luôn là khâu thường xuyên dậm chân tại chỗ.
Thủ tướng lại đôn đáo khắp các địa phương. Đã là người đứng đầu Chính phủ, ông vẫn đến tận các công trường như ngày xưa.
Đó là những ngày của 7 năm trước, vì tầm quan trọng của Dự án mở rộng Quốc lộ 1A, lần đầu tiên, Chính phủ có Quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải phòng mặt bằng cho Dự án này. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban chỉ đạo.
Ngay sau khi Ban Chỉ đạo được thành lập, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp với lãnh đạo hơn 30 địa phương thuộc dự án và quả quyết, “tôi sẽ lặn lội cùng các đồng chí tại hiện trường để chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch”.
Thị sát tình hình giải phóng mặt bằng tại Bình Định, địa phương có tiến độ chậm nhất trong cả nước, nghe địa phương loanh quanh đổ lỗi cho dân, ông nói thẳng dân không có lỗi, là lãnh đạo chính quyền có lỗi khi chưa quyết liệt, chưa sâu sát thực tế, chưa thực tâm lắng nghe.
Trực tiếp đến xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước và phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn (Bình Định), là những đoạn có tốc độ triển khai chậm nhất trong toàn dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Định phải gặp từng người dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng để giải quyết dứt điểm từng vướng mắc.
Đối với 26 hộ dân nằm ngay điểm đầu Quốc lộ 19 nối với Quốc lộ 1A đã nhận tiền đền bù vẫn chưa chịu di dời, ông cũng nói rõ là do lãnh đạo tỉnh, huyện thiếu sâu sát dân. Khu tái định cư thì trống hoang, sơ sài làm sao có thể vận động người dân đến ở được…
Thị sát Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị… Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên người dân trong khu vực bị giải toả, đồng thời, giao nhiệm vụ cho các cấp chính quyền phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm minh những hành vi gây khó khăn cho nhân dân. Việc đền bù cho dân phải thỏa đáng; phải ứng tiền cho người dân nếu họ phải đi thuê nhà, cấp gạo cho dân nếu họ không cấy hái được…
Trước Nghị trường ông hứa “không chỉ đảm bảo tiến độ về thời gian mà còn đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn giao thông”; trên công trường, ông chỉ đạo “dốc toàn lực để có mặt bằng “sạch”, làm chậm, làm ẩu là có tội với dân”
Kết quả, chỉ hơn một năm, công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành. Với chiều dài 1.500 km, đi qua 22 tỉnh, thành phố, khoảng 84.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có gần 5.300 hộ cần phải bố trí vào các khu tái định cư tập trung, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được coi là Đại dự án quốc gia.
Dự án này còn được mang thêm tên gọi nữa là Đại dự án lòng dân. Bởi, người dân dù phải rời bỏ nhà cửa, đất đai mà mình đã sinh sống nhiều năm để dành đất cho dự án, rất ít hộ gia đình trong hàng chục ngàn hộ có dự án đi qua phải cưỡng chế hành chính. Như tại tỉnh Khánh Hòa, 10.500 hộ dân nằm trong dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, không có một trường hợp nào phải tiến hành cưỡng chế.
Đích thân có mặt trên các công trường, nên khi tổng kết lại quá trình giải phóng mặt bằng cho đại dự án vào cuối năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động nhắc đến hình ảnh các Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi vận động, lắng nghe tâm tư của bà con.
Ông nhấn mạnh rằng, “những hình ảnh như vậy đã tạo ấn tượng sâu sắc, hiệu quả trông thấy. Có những đoạn trước đây làm mấy năm không xong, giờ chỉ trong vòng mấy tháng là hoàn thành”.
Đại dự án lòng dân, lãnh đạo ở vị trí nào cũng có thể dựng xây được. Là Chủ tịch tỉnh hay là Phó Thủ tướng, Thủ tướng… chỉ cần trong lòng luôn nặng mang một câu, “có còn cháy bỏng tình cảm và trách nhiệm với Nhân dân?”
LÊ CHÂU/VGP