Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945 đề cao vai trò nghề báo. Ảnh: T.D.
Cuốn sách Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945 của tác giả Trần Đình Ba, do NXB Tổng hợp TP. HCM xuất bản. Trong tác phẩm này, vai trò của báo chí được những người làm nghề báo 1945 trở về nước đề cao, xem là thiên chức cao cả.
Nhà báo Phạm Quỳnh, Chủ bút của tờ Nam Phong tạp chí đề cao vai trò của báo chí đối với quốc gia, báo chí được đánh giá là diễn đàn ngôn luận cho quốc dân. Nhà yêu nước Phan Bội Châu cũng tham gia viết báo, bày tỏ quan điểm đối với thiên chức của nghề này là có trách nhiệm, nghĩa vụ rất to lớn như tiếng chuông thức tỉnh đồng bào.
Một nhà báo khác là ông Vũ Công Định, Quản lý của Tiểu thuyết tuần san đã khẳng định vai trò của báo chí đối với đất nước: “Việc nâng cao trí thức đám bình dân, việc truyền bá tư tưởng Âu Tây trong dân gian, việc thức tỉnh đồng bào trong cơn mê mộng, một phần lớn lại chả phải là công của báo, chí quốc văn ư”. Nhận định vai trò của báo chí, có sự đồng nhất trong quan điểm của các nhà báo thời xưa. Cũng là người làm báo, Hoàng Ngọc Phách nhấn mạnh về trách nhiệm cao cả của một tờ báo có ích đối với xã hội phải là “tờ báo có đúng mực là cái phương châm đưa đường chỉ lối cho quốc dân mới gọi là có ích”.
Chứng minh cho vai trò của báo chí, tác phẩm Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945 đưa ra nhiều dẫn chứng về hoạt động thực tế của các tờ báo góp công lớn về mặt ngôn luận đối với xã hội. Báo Phụ nữ tân văn, Đông Pháp thời báo và nhiều tờ báo khác đã có nhiều bài viết lên án việc xử tử các tù nhân của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, hành động ném bom triệt hạ làng Cổ Am của thực dân Pháp. Nhiều tờ báo cách mạng của những người cộng sản đấu tranh mạnh mẽ đòi tự do dân chủ, góp phần giác ngộ quần chúng đấu tranh.
Có nhiều thông tin liên quan đến hoạt động báo chí thời xưa được trình bày trong Đằng sau mặt báo. Lực lượng nhà báo nữ được dành một bài riêng thống kê những tên tuổi của các nữ nhà báo bước chân vào làng báo khi phái nữ tham gia nghề này lúc ấy rất hiếm hoi: Sương Nguyệt Anh, Manh Manh nữ sĩ, Anh Thơ, Vân Đài, Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa. Hoạt động lấy tin bài, làm phóng sự, điều tra của thời đó đã rất chuyên nghiệp, khá tương đồng với thời nay. Nhà báo Tam Lang của Ngọ báo đã đóng vai culi xe kéo để hiểu đời sống phu xe kéo, từ đó viết được phóng sự dài kỳ “Tôi kéo xe” phản ánh được thực tế vất vả, nhọc nhằn của đời phu xe kéo… Những thông tin về lịch sử báo chí, kiểm duyệt báo, nhuận bút viết báo, sự khó khăn, vất vả của nghề báo và những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ báo chí (quảng cáo, phát hành, tòa soạn báo, thẻ nhà báo…) cũng được đề cập đến trong sách Đằng sau mặt báo.
Tác phẩm này cũng dành ra một phần lớn nội dung để giới thiệu những tờ báo kèm thông tin cụ thể liên quan về lịch sử ra đời, phát triển, hoạt động của tờ báo đó giúp độc giả biết thêm những chi tiết đáng kể liên quan đến báo, tạp chí. Tờ Đông Dương tạp chí ra đời năm 1913 vì liên quan đến những cuộc ném bom phản kháng ở Thái Bình; tờ Phổ thông bán nguyệt san có hình dạng một cuốn sách hơn là một tờ báo, dày khoảng 100 trang; báo Tinh hoa của Đoàn Phú Tứ là do nhóm Tự lực văn đoàn nhượng giấy phép…
PV