Ở Việt Nam những năm gần đây, số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư ngày một gia tăng và nền tư pháp nước ta cũng đã có nhiều chính sách bổ sung, thay đổi để tạo điều kiện nhiều hơn cho luật sư hành nghề, thể hiện vai trò, tầm quan trọng, sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp đến Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ vai trò của luật sư trong nền tư pháp nước nhà.
Luật Luật sư 2006 ra đời cùng với bước phát triển và những yêu cầu mới của xu thế toàn cầu hóa, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta. Đó là thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, đặt ra nhiệm vụ quan trọng là phải chuyển đổi hệ thống pháp luật và các thiết chế cùng cơ chế vận hành theo lộ trình phù hợp với các cam kết khi gia nhập WTO. Trong các năm 2005, 2006, 2007, Nhà nước ta đã ban thành một số lượng lớn các đạo luật mới hoặc thay thế các đạo luật không còn phù hợp, trong đó có Luật Luật sư. Sự kiện Luật Luật sư được ban hành và đi vào đời sống đã góp phần nâng cao vị thế của luật sư, tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh quá trình xây dựng một đội ngũ luật sư, nghề luật sư mang tính chuyên nghiệp, ngang tầm với luật sư và nghề luật sư ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Tháng 5 năm 2009, khi Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất diễn ra, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đến dự và có những phát biểu thể hiện sự kỳ vọng của Nhà nước, Chính phủ đối với giới luật sư. Ngày 08/12/2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức cuộc toạ đàm giữa đại diện luật sư Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ đề: “Vai trò của luật sư Việt Nam trong cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế”. Ngày 18/01/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” (Đề án).
Sau khi Pháp lệnh Luật sư và đặc biệt là Luật Luật sư 2006 được ban hành và sau 10 năm thực hiện Đề án theo Quyết định số 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ luật sư đã có sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến tháng 7 năm 2020, cả nước ta hiện đã có gần 15.000 luật sư hoạt động tại hơn 2.000 tổ chức hành nghề luật sư.
Mặc dù đội ngũ luật sư đã tăng trưởng khá nhanh tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được số lượng như Đề án đã đưa ra. Số lượng luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp. Bên cạnh đó, dù luật sư nói chung và luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nói riêng hiện nay đã đạt được khá nhiều thành tựu trong lĩnh vực như tư vấn, tranh tụng và thực hiện các hoạt động khác trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, nhưng nhìn chung chất lượng của đội ngũ luật sư vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng hành nghề và còn yếu về trình độ ngoại ngữ cũng như kiến thức về pháp luật quốc tế.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư hội nhập quốc tế - những thành tựu và tồn tại
Những năm gần đây, việc đào tạo luật sư hội nhập quốc tế ở nước ta đang được chú trọng và phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều khóa đào tạo luật sư được tổ chức tại Học viện Tư pháp, trong đó bao gồm khóa đào tạo nghề luật sư, khóa đào tạo luật sư chất lượng cao, khóa đào tạo luật sư phục vụ hội nhập. Những khóa đào tạo trên được tổ chức với mục tiêu đào tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước. Qua các khóa đào tào trên, số lượng và chất lượng của đội ngũ luật sư ngày càng được nâng cao.
Thực hiện Quyết định số 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 06/12/2016 Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế kèm theo Quyết định số 2539/QĐ-BTP, với mục tiêu nhằm trang bị cho học viên các kỹ năng cơ bản và chuyên sâu của luật sư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Đối tượng của Khung đào tạo này cũng được lựa chọn rất kỹ lưỡng về trình độ tiếng Anh, ngoài yêu cầu là một cử nhân luật ra thì người theo khóa đào tạo này phải có giấy chứng nhận quốc tế, chứng chỉ quốc tế IELTS đạt 5.0 trở lên hoặc TOEFL iBT đạt 45 điểm trở lên. Như vậy, đội ngũ luật sư lựa chọn để đào tạo luật sư chuyên phục vụ hội nhập quốc tế được tuyển chọn rất bài bản. Nhiều khóa đào tạo luật sư được tổ chức nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nghề luật sư như lớp luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, lớp luật sư chất lượng cao.
Đội ngũ giảng viên đào tạo luật sư nói chung và luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nói riêng là những chuyên gia có kiến thức chuyên sâu và thực tế. Một số giảng viên được đào tạo ở nước ngoài nên khi đào tạo luật sư để phục vụ hội nhập quốc tế thì đây là một lợi thế. Tuy nhiên, số lượng giảng viên đào tạo luật sư hiện nay phần lớn là các giảng viên thỉnh giảng. Giảng viên thỉnh giảng chủ yếu hành nghề tại Việt Nam, quy mô hoạt động nghề nghiệp còn hạn chế và thiếu kỹ năng thực tế trong quá trình hội nhập. Do đó trên thực tế, dù chúng ta đã chú trọng và cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nhưng công tác này vẫn còn hạn chế nhất định.
Mặc khác, chất lượng luật sư nước ta sau khi được đào tạo tại Học viện Tư pháp đều có kiến thức cơ bản, nắm được các kỹ năng nghề nghiệp hành nghề luật sư. Tuy nhiên, trong quá trình tập sự và thực hành thực tế còn nhiều hạn chế, thiếu kỹ năng làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chưa tiếp xúc nhiều với các lĩnh vực thương mại quốc tế do đó dẫn đến nguy cơ chúng ta thua ngay trên “sân nhà” trong các vụ tranh chấp liên quan đến mâu thuẫn giữa quyền lợi của Nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp, công dân Việt Nam với cá nhân, tổ chức nước ngoài. Ngoài ra, mức độ chuyên môn hóa trong hành nghề chưa cao, chưa đa dạng. Các luật sư chủ yếu hành nghề trong hai lĩnh vực dân sự và hình sự. Số lượng luật sư có đủ kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đàm phán giải quyết tranh chấp quốc tế chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số luật sư, trong đó số lượng luật sư có trình độ ngang tầm với luật sư khu vực là rất ít. Số tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài hiện nay cũng cực kỳ hạn chế.
Những yêu cầu, đòi hỏi đối với luật sư trong thời hội nhập
Hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu, các nền kinh tế trên thế giới có xu hướng ngày càng gắn kết lại với nhau. Nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế quốc tế theo các thang bậc: từ hẹp đến rộng về đối tác và lĩnh vực cam kết, từ thấp tới cao về mức độ cam kết. Việc nước ta gia nhập vào APEC ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định FTA như CPTPP, EVFTA,… đã mở ra cho cả nước nói chung cũng như hệ thống tư pháp và nghề luật sư nói riêng những cơ hội và thách thức. Để theo kịp bối cảnh hội nhập toàn cầu, yêu cầu, đòi hỏi đối với luật sư là phải vừa có tố chất, vừa phải trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm, vừa nâng cao trình độ của bản thân.
Điều kiện cần có đầu tiên khi hội nhập là phải am hiểu về nội dung các thỏa thuận, tức luật chơi (mức độ, điều kiện, lộ trình…), hiểu biết nhu cầu của thế giới, hiểu biết đối tác, hiểu biết tình hình và xu thế kinh tế thế giới, hiểu biết luật lệ của nước mình và nước bạn, về tập quán quốc tế… để có thể áp dụng những biện pháp thích hợp, không trái với cam kết quốc tế. Chính vì vậy mà vai trò của luật sư trong thời kỳ hội nhập là rất quan trọng. Nếu luật sư không nắm vững được các quy định pháp luật có liên quan, quy luật phát triển của thị trường, những ưu đãi được áp dụng và biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng thì đôi khi khách hàng của luật sư sẽ phải chịu thiệt thòi lớn. Điều kiện kế tiếp mà luật sư thời kỳ hội nhập cần có là kỹ năng ngoại ngữ để phục vụ công việc, phải sử dụng thành thạo một số ngôn ngữ nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh.
Tuy nhiên, có kiến thức về pháp luật và ngoại ngữ vẫn chưa đủ mà luật sư cần phải trau dồi thêm kỹ năng thực tế giải quyết công việc như kỹ năng tiếp xúc khách hàng, kỹ năng tư vấn, kỹ năng tranh tụng và đặc biệt là kỹ năng đàm phán thương lượng hòa giải. Khi có tranh chấp xảy ra trong hoạt động thương mại quốc tế, hình thức hòa giải thường được đặt lên hàng đầu vì sự văn minh, tôn trọng và đề cao mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh thương mại hội nhập quốc tế. Những kỹ năng của luật sư kể trên không những phục vụ cho công việc của luật sư mà qua đó luật sư có thể tư vấn cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, nhà đầu tư nhận được nhiều ưu đãi hơn nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Khi các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nắm vững, tuân thủ quy định pháp luật và ít gặp rủi ro hơn thì môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ gây được sự chú ý, là sự lựa chọn an toàn với nhiều nhà đầu tư ngoài nước và công cuộc hội nhập quốc tế của nước ta càng dễ dàng đạt nhiều thành tựu.
Nâng cao chất lượng luật sư Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế
Đầu tiên cần nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật, đây là khởi nguồn cho một tương lai nghề luật sư. Nếu cử nhân luật không có kiến thức hoặc kiến thức không chuyên sâu thì rất khó để đào tạo được luật sư giỏi, luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Hiện nay có rất nhiều cơ sở, các trường đại học mở khoa luật để đào tạo nhưng chất lượng giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu, hầu hết là giảng viên không chuyên hoặc thỉnh giảng. Mặt khác, hình thức đào tạo tại chức, vừa học vừa làm, tuyển đầu vào thấp sẽ khó bảo đảm chất lượng đối với cử nhân ra trường. Bên cạnh đó, cử nhân luật hiện nay chủ yếu được đào tạo về lý thuyết mà còn thiếu kỹ năng thực hành thực tế.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng cử nhân luật cần phải nghiên cứu thay đổi phương pháp, hình thức đào tạo, thay đổi phương thức tuyển sinh nhằm chọn lựa được cử nhân luật chuẩn đầu vào và bảo đảm chất lượng sau đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cử nhân luật, nghề luật sư cần phải quan tâm, chú trọng lựa chọn giảng viên cơ hữu, cũng như giảng viên thỉnh giảng đủ điều kiện về kiến thức và kỹ năng thực tế về làm giảng viên cơ hữu đào tạo cử nhân luật, nghề luật sư. Việc tận dụng những thành tựu phát triển của khoa học công nghệ vào việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư cũng cần được chú trọng, bổ sung phương pháp giảng dạy tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập là điều cần thiết.
Có thể nói, với điều kiện hội nhập quốc tế thuận lợi như hiện nay, luật sư Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng hành nghề và cập nhật kiến thức về pháp luật quốc tế; là điểm tựa vững chắc, hỗ trợ tích cực cho ngành tư pháp nói riêng cũng như Đảng, Nhà nước ta nói chung nhằm tạo ra những bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế.
Thạc sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội