Lễ khai giảng Lớp đào tạo nghề Luật sư chất lượng cao khóa II tại Hà Nội.
Khái quát về nhu cầu đào tạo nghề Luật sư ở Việt Nam hiện nay từ thực trạng hành nghề Luật sư
Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 và Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phát triển số lượng Luật sư khoảng từ 18.000 - 20.000 Luật sư, đạt tỷ lệ số Luật sư trên số dân khoảng 1/4.500. Tính từ thời điểm thực hiện Chiến lược đến nay, đội ngũ Luật sư nước ta đã tăng vượt bậc, trung bình khoảng 800 Luật sư/năm, từ 6.250 Luật sư năm 2011 lên 15.162 Luật sư vào năm 2020 [1], đạt tỷ lệ trung bình 1/6.300 người. Tuy có phát triển nhanh nhưng đặt trong bối cảnh so với mục tiêu chiến lược và các nước khác thì số lượng Luật sư của Việt Nam còn chưa được như kỳ vọng, phát triển không đồng đều, phần lớn các Luật sư tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (tổng số chiếm 69,5% số Luật sư của cả nước) [2].
Việt Nam đã có 50 tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Đa phần các tổ chức hành nghề Luật sư có quy mô nhỏ. Năm 2020, đội ngũ Luật sư Việt Nam mới chỉ tham gia được 23.341 vụ việc xét xử các loại [3]; 4.176 vụ việc tư vấn trong lĩnh vực kinh doanh thương mại; tư vấn pháp luật 57.059 vụ việc; tham gia đại diện ngoài tố tụng 6.088 vụ việc; tham gia vào các dịch vụ pháp lý khác 241 vụ việc; tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí 17.877 vụ việc. Mặc dù số lượng thống kê trên chưa phản ánh được đầy đủ nhưng thông qua đó có thể thấy số lượng các vụ việc có sự tham gia của Luật sư còn hạn chế [4].
Thực tiễn hoạt động nghề Luật sư những năm qua ngày càng phát triển và nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Chất lượng đội ngũ Luật sư từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý và các dịch vụ khác của xã hội. Chất lượng các hoạt động dịch vụ pháp lý của Luật sư ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu của xã hội, của hội nhập quốc tế và đặc biệt trong sự phát triển nhanh của nền kinh tế số thì chất lượng đội ngũ Luật sư chưa thực sự đáp ứng tốt như kỳ vọng. Chất lượng của các hoạt động dịch vụ trong nghề Luật sư tuy đã có nhiều cải thiện nhưng chưa đồng đều, chưa thực sự củng cố được niềm tin với người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Chất lượng đội ngũ Luật sư có trình độ chuyên môn chưa đồng đều, ổn định, còn có sự biến động, phát triển không cân đối giữa thành thị - nông thôn - miền núi, cơ cấu chưa thực sự hợp lý và vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đặc biệt là khan hiếm nguồn bổ sung nhân lực chất lượng cao trong khi điều kiện, khả năng thu hút của ngành còn nhiều hạn chế. Chất lượng tham gia tố tụng của Luật sư chưa đáp ứng tốt yêu cầu tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Vai trò của Luật sư tham gia vào các vụ án lớn, vụ án điểm hay tham vấn, tư vấn cho các dự án lớn của Chính phủ, cơ quan nhà nước còn mờ nhạt.
Trong nhiều vụ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài hoặc các dự án có chuyên ngành chuyên sâu thì các cơ quan tổ chức của Việt Nam vẫn phải thuê các công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết. Từ thực trạng này và xuất phát bởi yêu cầu của thực tiễn, việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng Luật sư luôn phải đặt ra để hoạch định những định hướng chiến lược phù hợp với xu thế phát triển của nghề Luật sư trong bối cảnh xã hội mới.
Hoạt động đào tạo nghề Luật sư ở Việt Nam chính thức từ năm 2001 [5] đến nay đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, góp phần quan trọng phát triển đội ngũ Luật sư Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì thực trạng đào tạo nghề Luật sư vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh. Việc liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề Luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế phát triển giáo dục đào tạo thời kỳ mới và yêu cầu về xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư Việt Nam đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng là hết sức cần thiết.
Một số định hướng chiến lược trong phát triển hoạt động đào tạo nghề Luật sư ở Việt Nam
Cùng với thể chế và kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đó là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Nhà nước cần quan tâm thích đáng đến việc đầu tư cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực chất lượng cao trong đó có nghề Luật sư nói riêng. Trong điều kiện chưa đủ khả năng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tất cả các ngành, lĩnh vực thì cần tập trung cho những chương trình đào tạo trọng tâm, then chốt để tạo sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực. Trong xu thế đó, song hành với việc xây dựng, đa dạng hóa các chương trình đào tạo nghề Luật sư đảm bảo chuẩn đầu ra phù hợp, thì việc lựa chọn, phát triển và nhân rộng chương trình đào tạo nghề Luật sư chất lượng cao, chương trình đào tạo nghề Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế cần được xác định là các chương trình mũi nhọn.
Định hướng chung [6] của việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề Luật sư giai đoạn 2021-2030 được xác định là: (i) Bảo đảm sự tổng thể, lâu dài, khả thi nhưng vẫn có tính đột phá; (ii) Thực hiện hiệu quả mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn phát triển hệ thống đào tạo nghề Luật sư giai đoạn 2021-2030 ở Việt Nam; (iii) Bảo đảm sự phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế về đào tạo nghề Luật sư và cách mạng công nghiệp 4.0, đóng góp quan trọng vào tầm nhìn xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp; (iv) Đào tạo nghề Luật sư trở thành bộ phận quan trọng thuộc thương hiệu đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp theo hướng phát triển môi trường giáo dục thân thiện; tôn trọng công lý; sự thượng tôn của pháp luật; hướng vào lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội.
Từ thực trạng đội ngũ Luật sư, thực trạng đào tạo nghề Luật sư và xu thế phát triển giáo dục đào tạo, các định hướng chiến lược cụ thể cần đặt ra phát triển đào tạo nghề Luật sư ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 nên đặt trọng tâm là:
Một là, tăng cường kiểm soát trên cơ sở khắc phục những hạn chế từ việc thẳng thắn nhìn về những điểm còn tồn tại trong thực trạng hành nghề Luật sư, thực trạng đào tạo nghề Luật sư để tìm ra và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phù hợp. Đây là cơ sở nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề Luật sư theo tinh thần của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013, của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hai là, việc đào tạo nghề Luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp phải gắn liền với yêu cầu cải cách tư pháp trong từng thời điểm trong giai đoạn từ nay đến 2030, đến 2045. Theo đó, cần đảm bảo tăng cường nguồn nhân lực tư pháp quốc gia đủ mạnh để xây dựng Chiến lược mới về cải cách tư pháp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng xã hội pháp quyền, nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hợp tác, hội nhập quốc tế và các quy luật phát triển của pháp luật, của tư pháp, của nghề Luật sư ở Việt Nam.
Ba là, chuyển từ chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu về số lượng, song hành với việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam.
Để thực hiện định hướng chung này, các giải pháp toàn diện cần được xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ, triệt để như công tác xây dựng hoàn thiện thể chế về quy chế đào tạo, quy chế chi tiêu nội bộ; sửa đổi, hoàn thiện chương trình đào tạo; phát triển và chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy, chuẩn hóa hồ sơ tình huống; đổi mới hệ thống quản trị đào tạo và xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng đào tạo nghề... Thách thức và cơ hội mới trong hoạt động đào tạo nghề Luật sư đòi hỏi phải có sự thay đổi căn bản trong tư duy văn hóa chất lượng. Để thực hiện định hướng chiến lược trên, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo Luật sư. Định hướng đào tạo theo hướng đa dạng hóa về phương thức đào tạo, nhất là các chương trình đào tạo theo phương thức trực tuyến (E-learning) và các chương trình đào tạo Luật sư theo phương thức kết hợp đào tạo trực tiếp với từ xa theo thức trực tuyến (Blended – Learning). Đối với việc xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng Luật sư trực tuyến, ứng dụng đồng thời 3 phương thức dạy học dựa trên công nghệ giảng dạy trực tuyến. Cụ thể:
i) Học trực tuyến mở từ xa – MOOCs. Đặc điểm của hình thái này là mở cho tất cả học viên học không giới hạn về khoảng cách, kinh tế hay nhân thân.
ii) Hình thái lai giữa học trực tuyến và học trên giảng đường (Blended Learning). Với hình thức này, các thảo luận sâu giữa học viên, giảng viên về các bài học được thực hiện linh hoạt ngoài giờ học trên lớp. Ví dụ như sử dụng diễn đàn, email, nhóm cộng đồng… Ưu điểm của hình thức này là hiệu quả và ít rủi ro vì có thể sử dụng linh hoạt các công nghệ khác nhau trong quá trình chuyển đổi.
iii) Hình thái lớp học đảo ngược (flipping the classroom). Trong hình thái này, học viên xem trước các video giảng dạy và thời gian. Khi đến lớp, các hoạt động chính là thảo luận, giải quyết các vấn đề chính của bài học và làm việc nhóm. Hình thái này giúp môi trường học năng động hơn và nhiều tương tác hơn giữa học viên và các giảng viên. Vai trò các giảng viên lúc này chuyển dịch gần hơn với vai trò của huấn luyện viên hướng dẫn học viên đạt được mục tiêu học tập của mình.
Tùy thuộc điều kiện thực tế, đối tượng học có thể áp dụng một hoặc một số phương thức nêu trên. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương thức nào thì cũng cần cân nhắc khả năng thực hiện trên thực tế, đặc biệt tính đến yếu tố đáp ứng về nền tảng công nghệ và con người.
Cùng với việc đa dạng hóa các chương trình đào tạo nghề Luật sư, việc đổi mới quy trình xây dựng, phát triển chương trình đào tạo nghề Luật sư theo hướng tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu về chuyên môn của cơ sở đào tạo nghề luật là Học viện Tư pháp; có cơ chế phù hợp để phân tích nhu cầu thực tiễn, thường xuyên thu thập ý kiến phản hồi từ người dạy, người học, người sử dụng lao động, nhà quản lý làm cơ sở cho việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư. Nâng chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra đối với các chương trình đào tạo, xây dựng và phát triển đa dạng các chương trình đào tạo theo hướng có đào tạo chuyên sâu lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có yếu tố nước ngoài, thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ Luật sư có khả năng đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế một cách tích cực và chủ động để tham mưu giúp Chính phủ trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và công dân Việt Nam trong các tranh chấp có yếu tố nước ngoài là trọng trách to lớn. Trọng trách này đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư phải được đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong những năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và đòi hỏi của xã hội. Trong đó, rà soát, phát triển các chương trình đào tạo nghề Luật sư theo các định hướng lớn như sau:
- Thống nhất cách thiết kế, cấu trúc các chương trình đào tạo theo hướng bám sát các nhóm kỹ năng nghề nghiệp đặc thù của Luật sư trong thực tiễn hành nghề và tăng cường sự tự giác, năng lực tự học, tự nghiên cứu, chủ động trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp của người học.
- Chú trọng nội dung đào tạo, bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kỹ năng nghề; cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng hành nghề trước những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
- Bảo đảm liên thông giữa các nhóm chương trình đào tạo nghề Luật sư như: giữa Chương trình đào tạo nghề Luật sư với Chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho người học chuyển đổi giữa các chương trình đào tạo, gia tăng cơ hội liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo khác, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người học và chi phí chung của xã hội.
- Tăng cường cơ hội lựa chọn nội dung đào tạo theo nhu cầu, định hướng nghề nghiệp của người học bên cạnh việc đảm bảo dung lượng khối kiến thức bắt buộc cần thiết phù hợp. Chú trọng xây dựng các học phần tự chọn về các nhóm kỹ năng, loại vụ việc ở những mức độ khác nhau từ phổ biến đến đặc thù, chuyên sâu nhằm gia tăng cơ hội cho học viên và những người đang hành nghề có nhu cầu lựa chọn theo học để nâng cao năng lực nghề nghiệp. Việc xây dựng các học phần tự chọn cần gắn kết với việc phát triển các chương trình bồi dưỡng cho Luật sư hành nghề. Khi thiết kế chương trình phải bảo đảm sự khả thi trong áp dụng cách thức tổ chức lớp, giờ học, lịch học phù hợp với đa dạng phương thức đào tạo trực tiếp; trực tuyến; trực tiếp kết hợp với trực tuyến và nhu cầu học tập linh hoạt của người học. Áp dụng cách thức đảm bảo quyền lựa chọn của học viên với các module thích hợp để tích lũy đủ số giờ tín chỉ cần phải hoàn thành để được cấp chứng nhận tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề Luật sư theo đúng học chế tín chỉ.
- Xây dựng nội dung phần đào tạo thực tế (thực tập) theo hướng bảo đảm phù hợp với điều kiện chung, tăng cường cơ hội thực hành các kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường thực tế cho học viên. Vấn đề là, cơ chế đào tạo nghề luật của Việt Nam hiện nay là tách biệt hoàn toàn giai đoạn đào tạo ban đầu kỹ năng nghề tại cơ sở đào tạo và giai đoạn đào tạo thực tế (tập sự hành nghề) tại cơ quan, đơn vị sử dụng, quản lý người tập sự. Định hướng trong thời gian tới cần có sự đổi mới toàn diện, hợp nhất không tách biệt giai đoạn đào tạo ban đầu kỹ năng nghề tại cơ sở đào tạo và giai đoạn đào tạo thực tế. Nâng cao chất lượng thực tập cho học viên thông qua việc xây dựng chương trình thực tập, lên kế hoạch; liên hệ với các cơ sở thực tập cần được duy trì thường xuyên để tìm hiểu về tình hình thực tập của học viên, từ đó mới theo dõi thường xuyên tình hình thực tập, nắm bắt kịp thời chất lượng kỳ thực tập của học viên, đồng thời có sự can thiệp, điều chỉnh đối với học viên; lấy ý kiến cơ sở thực tập để biết được những hạn chế, chưa phù hợp của chương trình đào tạo, chương trình thực tập. Thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả, toàn diện của các bên liên quan trong môi trường giáo dục công lập tự chủ, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình công khai, dân chủ, tôn trọng người dạy, người học và các chủ thể quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo.
- Phát triển mạnh chương trình đào tạo nghề Luật sư chất lượng cao, chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế với những điểm nhấn nổi bật về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, nội dung, phương pháp đào tạo, chất lượng giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nhằm tạo sự chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo của Học viện, đáp ứng cao nhu cầu của người học, người sử dụng lao động và toàn xã hội.
- Nghiên cứu khả năng phát triển các chương trình đào tạo liên kết với các cơ sở đào tạo nghề luật ở trong và ngoài nước.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống đào tạo nghề Luật sư, đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển các học liệu điện tử.
Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo đảm bảo tính khoa học, chính xác, thực tiễn, cập nhật. Biên soạn, xuất bản mới, hoàn thiện các giáo trình, tài liệu đào tạo phục vụ các chương trình đào tạo nghề Luật sư.
Rà soát, bổ sung hệ thống hồ sơ tình huống; xây dựng ngân hàng tình huống thực hành đảm bảo tính cập nhật, phổ biến, điển hình, phù hợp với mục tiêu, nội dung từng bài học của từng chương trình đào tạo nghề Luật sư.
Xây dựng hệ thống giáo án điện tử, học liệu điện tử, video clips phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Biên soạn, biên dịch sách tham khảo, chuyên khảo theo nhóm vấn đề pháp lý, loại án, loại việc hoặc các kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và đáp ứng một cách có hiệu quả nhu cầu tự học, tự nghiên cứu của học viên. Số hóa giáo trình, tài liệu, Tạp chí Nghề luật, hồ sơ tình huống, ngân hàng tình huống thực hành và các học liệu khác bảo đảm dễ truy cập, thuận tiện trong quá trình sử dụng.
Công tác xây dựng, số hoá hệ thống bài giảng điện tử, học liệu điện tử để triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư trực tuyến; đào tạo, bồi dưỡng theo phương thức kết hợp; chuyển đổi phương thức, cách thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư phải được thực hiện hàng năm, liên tục.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Phát triển đội ngũ giảng viên bên cạnh những ưu thế hiện có, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm tăng cường thu hút, tuyển dụng, tiếp nhận người có uy tín, trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn hành nghề và kinh nghiệm giảng dạy để bổ sung vào đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên theo hướng tăng cường đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ; đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức công nghệ thông tin cho viên chức, giảng viên. Tiếp tục đào tạo theo yêu cầu vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế cho đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhất là giảng viên trẻ. Xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa giảng viên thỉnh giảng, cơ quan quản lý giảng viên thỉnh giảng và Học viện Tư pháp. Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách chuẩn mực; đồng thời phải có trình độ chuyên môn sâu, có trình độ ngoại ngữ, có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn, được làm việc trong môi trường sư phạm mẫu mực và trong điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại.
Thứ tư, đổi mới phương pháp dạy - học. Đổi mới phương pháp dạy và học được xác định là một trong số giải pháp căn bản, thường xuyên và bền vững để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư của Học viện Tư pháp. Quá trình đổi mới dựa trên triết lý giáo dục “thực dạy - thực học - thực nghề”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng giáo dục “lấy người học làm trung tâm”, tạo mọi điều kiện, cơ hội để thúc đẩy phương pháp pháp học tập tích cực (Active Learning) của học viên, kết hợp đồng thời với phương pháp giảng dạy hiện đại của giảng viên.
Tạo điều kiện để tăng cường khả năng tự học của học viên (có sự hướng dẫn, hỗ trợ, huấn luyện, kiểm soát, đánh giá của giảng viên). Học viên trở thành những người học tự chỉ dẫn, hội nhập, có mục đích (là người được mở rộng sự tự chủ trong giáo dục, có kiến thức, có trách nhiệm, với sự trải nghiệm thấu đáo về sự tự giáo dục - đào tạo của chính mình). Học viên được tiếp cận với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư dựa trên giáo dục thực tế, trong đó người học có thể áp dụng việc học tập của họ theo những cách thức khác nhau vào những vấn đề phức tạp, đa dạng và khác biệt của các quan điểm, bối cảnh. Học viên có thể học linh hoạt tùy điều kiện của bản thân. Trong quá trình học tập tại Học viện, học viên có thể đăng ký dự học các khóa bồi dưỡng chuyên sâu theo chuyên đề, loại án, loại việc, giảng viên giảng dạy.
Thứ năm, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong mọi hoạt động của Học viện Tư pháp nhất là hoạt động quản trị, chỉ đạo, điều hành và đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhu cầu đòi hỏi của xã hội trong bối cảnh cải cách hành chính, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 với ba trụ cột là: (i) Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phòng học thông minh dựa trên các nền tảng kỹ thuật và công nghệ hiện đại; (ii) Quản trị, điều hành thông minh dựa trên hệ thống các ứng dụng, phần mềm và phần cứng thông minh; (iii) Phương pháp dạy - học thông minh. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động quản trị, chỉ đạo, điều hành, đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư phải đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, liên thông, tiện dụng và hướng tới lấy người học làm trung tâm. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cần quyết liệt áp dụng và khai thác tối đa hiệu quả của chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư.
================ [1] Tính đến ngày 31/12/2020 theo Báo cáo số 20/BC-LĐLS ngày 31/12/2020 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hoạt động năm 2020 và phương hướng hoạt động năm 2021 của Liên đoàn Luật sư Việt nam. [2] Theo Báo cáo số 20 nêu trên, Hà Nội có 4.392 Luật sư chiếm 29% Luật sư của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh có 6.145 Luật sư chiếm 40,53% Luật sư của cả nước. [3] Gồm 11.933 vụ án hình sự, 10.858 vụ việc dân sự, 25 vụ việc kinh tế và 525 vụ án hành chính và lao động. [4] Học viện Tư pháp (2022), Dự thảo Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp”. [5] Đào tạo nghề Luật sư được chính thức pháp điển hóa là điều kiện bắt buộc để trở thành Luật sư trong Pháp lệnh Luật sư năm 2001. [6] Tham khảo Đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp” theo quyết định số 187/QĐ-HVTP ngày 27/01/2021 của Giám đốc Học viện Tư pháp. |
PGS.TS NGUYỄN MINH HẰNG
Phó Giám đốc Học viện Tư pháp
Nghề Luật sư ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai